Chuyên gia đề xuất giải pháp tín dụng cho chủ đầu tư nhà ở xã hội

Qua triển khai thực tế, những khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi về nhà ở xã hội (NƠXH) cho chủ đầu tư các dự án bởi quy trình thủ tục phức tạp, đang khiến cho nhiều doanh nghiệp nản lòng.

Căn cứ vào Quyết định 338/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2021 – 2030 cả nước phải hoàn thành xây dựng ít nhất 1 triệu căn NƠXH. Để hiện thực hóa đề án, Ngân hàng Nhà nước đã bố trí gói tín dụng 120.000 tỷ đồng (hiện nay có thêm 4 ngân hàng thương mại đăng ký mỗi ngân hàng 5.000 tỷ đồng, nâng tổng gói tín dụng lên 140.000 tỷ đồng) cho vay ưu đãi đối với chủ đầu tư dự án NƠXH với mức lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường 1,5 – 2%/năm.

Tuy nhiên qua thực tế, đến thời điểm hiện tại, sau hơn 1 năm triển khai chương trình, số lượng vốn đã được giải ngân chỉ chiếm chưa đầy 1% so với tổng lượng vốn được bố trí. Cùng với đó, những vướng mắc trong một số văn bản pháp quy mới được ban hành, nên đã khiến cho các dự án NƠXH vẫn trong tình trạng chậm tiến độ triển khai, do vậy cần tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn là vấn đề vô cùng cấp thiết.

Giải pháp để khơi thông nguồn vốn cho NƠXH là vấn đề cấp thiết.

Giải pháp để khơi thông nguồn vốn cho NƠXH là vấn đề cấp thiết.

Cần rà soát các quy định về vay vốn ưu đãi

Căn cứ vào kế hoạch sử dụng vốn ngân sách trung và dài hạn, hàng năm Chính phủ sẽ ban hành quyết định về mức lãi suất ưu đãi cho vay đối với NƠXH dành cho chủ đầu tư dự án và người mua, thuê mua NƠXH. Tuy nhiên, từ 1/8/2024, mức ưu đãi về lãi suất cho vay NƠXH được căn cứ vào Nghị định 100/2024/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, lần đầu tiên các chủ đầu tư dự án NƠXH được phép vay vốn ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội (nội dung này được quy định tại khoản 6 Điều 25 Nghị định 100/2024/NĐ-CP – PV). Nhưng để được vay vốn ưu đãi từ Ngân hành Chính sách xã hội, chủ đầu tư các dự án phải đáp ứng “điều kiện vay vốn, mức vốn vay, thời hạn vay, lãi suất vay, bảo đảm tiền vay và các nội dung khác có liên quan đối với khoản vay tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định hiện hành của pháp luật về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Đồng thời phải đáp ứng yêu cầu tại khoản 2 Điều 50 Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định nguồn vốn cho vay NƠXH thông qua Ngân hàng Phát triển Việt Nam bao gồm: cho vay từ phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh; các nguồn vốn hợp pháp khác theo quy định của pháp luật và nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước để cho vay NƠXH theo các chương trình cho vay của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ...

Nghị định 100/2024/NĐ-CP cũng cho phép chủ đầu tư dự án NƠXH được vay vốn ưu đãi tại các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định, nhưng lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do tổ chức tín dụng và khách hàng thỏa thuận. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay, gói tín dụng 120.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được rất thấp chỉ đạt 0,96%.

“Vì vậy chúng tôi đề nghị cần phải khôi phục lại đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng, lãi suất 4,8 - 5%, thời hạn vay tối đa 25 năm mà Bộ Xây dựng đã đề xuất ngày 17/2/2023 để thực hiện Luật Nhà ở 2023 về chính sách NƠXH đối với chủ đầu tư dự án và người mua, thuê mua, để thực hiện Đề án phát triển ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH” – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu kiến nghị.

Cần nghiên cứu cơ chế riêng về tín dụng cho NƠXH chỉ để cho thuê.

Cần nghiên cứu cơ chế riêng về tín dụng cho NƠXH chỉ để cho thuê.

Đồng bộ các giải pháp

Theo số liệu báo cáo từ Ngân hàng Chính sách xã hội, việc giải ngân vốn vay ưu đãi cho NƠXH thời gian qua được thực hiện theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Theo đó, tính đến hết năm 2023, tổng doanh số cho vay đạt 19.519 tỷ đồng với 46.304 khách hàng được vay vốn. Tuy nhiên, qua thực tế công tác giải ngân vốn vay NƠXH tồn tại nhiều khó khăn, vướng mắc do nguồn vốn chưa được bố trí kịp thời, đầy đủ; thủ tục, quy trình cho vay rườm rà, phức tạp; mức vốn và thời gian cho vay chưa hợp lý nên người dân có nhu cầu phải tìm vốn vay từ các nguồn khác; cùng với đó là quy định điều kiện thu nhập của khách hàng còn cứng nhắc...

“Kết quả của chương trình cho vay vốn ưu đãi NƠXH chưa thực sự thu hút người dân và doanh nghiệp, do vướng mắc về thủ tục triển khai dự án ở các địa phương, khách hàng không đáp ứng được các điều kiện vay vốn, quy trình thủ tục hậu kiểm của cơ quản Nhà nước phức tạp... nên khối lượng hoàn thành công tác giải ngân vẫn còn thấp. Vì vậy, thời điểm này rất cần sự đồng bộ về các giải pháp từ phía cơ quan quản lý Nhà nước và sự vào cuộc quyết liệt hơn từ phía các địa phương” – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho hay.

Ở khía cạnh khác, GS.TS Hoàng Văn Cường – Phó Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước cho rằng, NƠXH là sản phẩm mà Đảng, Nhà nước đang hướng đến đối tượng thụ hưởng là những người thu nhập thấp tại các đô thị và công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp.

“Vì vậy, tôi đề nghị phải xây dựng một cơ chế riêng về nguồn vốn tín dụng cho NƠXH, trong đó ưu tiên các dự án NƠXH chỉ để cho thuê như vậy sẽ hỗ trợ một cách thiết thực hơn đối với người lao động thu nhập thấp. Đối với nguồn vốn ưu đãi dành cho chủ đầu tư dự án NƠXH cho thuê thì cần phải tăng thời gian vay để đảm bảo doanh nghiệp có đủ một chu kỳ đầu tư, thu hồi vốn” – GS.TS Hoàng Văn Cường đề xuất.

Doãn Thành

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/chuyen-gia-de-xuat-giai-phap-tin-dung-cho-chu-dau-tu-nha-o-xa-hoi.html