Chuyên gia định hướng phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018

Tiểu ban Giáo dục phổ thông, Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực vừa tổ chức bàn về định hướng phát triển Chương trình giáo dục phổ thông 2018 khi cả nước đã triển khai đầy đủ chu trình từ lớp 1 đến lớp 12.

Chương trình GDPT 2018 cần có sự rà soát, đánh giá toàn diện sau khi được thực hiện trọn vẹn ở các cấp học

Chương trình GDPT 2018 cần có sự rà soát, đánh giá toàn diện sau khi được thực hiện trọn vẹn ở các cấp học

Năm học 2024-2025 là năm thực hiện đầy đủ chu trình Chương trình giáo dục phổ thông 2018 từ lớp 1 đến lớp 12. Theo đó, đã có những tổng kết, đánh giá tổng thể về việc triển khai chương trình này.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GDĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã bám sát các mục tiêu, yêu cầu và cụ thể hóa các nội dung đặt ra trong Nghị quyết 88/2014/QH13 của Quốc hội, có tính kế thừa và phát triển, tiếp thu các thành tựu khoa học và kinh nghiệm trên thế giới, có nhiều đổi mới, tiến bộ so với các Chương trình giáo dục phổ thông trước đây.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được thiết kế theo hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Hệ thống môn học được thiết kế theo hướng bảo đảm cân đối nội dung các lĩnh vực giáo dục, phù hợp với từng cấp học, lớp học, khắc phục sự trùng lặp giữa các môn; giảm số môn học và hoạt động giáo dục, giảm số tiết học, đồng thời áp dụng một số biện pháp nhằm khắc phục tình trạng quá tải, tích hợp sâu ở các lớp học dưới, phân hóa dần ở các lớp học trên.

Tuy nhiên, khi ban hành Chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa đủ một số môn Ngoại ngữ; chưa có chương trình nâng cao của các môn chuyên; còn có sự bất cập về nội dung của môn học, kết quả triển khai chưa được đồng đều ở các vùng miền; công tác truyền thông về đổi mới giáo dục phổ thông chưa đồng bộ, kịp thời, hiệu quả.

Việc tổ chức thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn do điều kiện và thời gian chuẩn bị chưa đáp ứng yêu cầu; giáo viên chưa thực sự hiểu sâu chương trình mới (như dạy học tích hợp, hoạt động giáo dục trải nghiệm, giáo dục địa phương), phương pháp phát triển năng lực; khả năng tiếp thu của học sinh không đồng đều, một bộ phận gặp khó khăn.

Trong đó, số lượng giáo viên chưa đáp ứng định mức theo quy định. Tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên dạy các môn học mới diễn ra phổ biến. Cơ cấu đội ngũ giáo viên chưa cân đối giữa các môn học trong cùng một cấp học, giữa các vùng miền.

Kinh phí để bảo đảm điều kiện tối thiểu thực hiện đổi mới Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn khó khăn. Cơ chế huy động các nguồn lực cho đổi mới chương trình giáo dục phổ thông chưa đầy đủ, còn nhiều vướng mắc. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học chưa đáp ứng tiêu chuẩn đã ban hành.

Xác định giáo viên là yếu tố quan trọng trong thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Phó Giám đốc Sở GDĐT Ninh Bình Đinh Văn Khâm đề nghị, trong định hướng phát triển chương trình thời gian tới cần đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên, liên tục chuẩn bị nguồn nhân lực, giáo viên thực hiện chương trình đặc biệt là những môn học mới, môn học tích hợp đồng thời cung cấp đủ kinh phí bố trí cho công tác này.

Nhấn mạnh yếu tố mấu chốt là con người trong quá trình triển khai, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng đề nghị cần tăng cường tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn thường xuyên cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên thực hiện chương trình. Cùng với đó là công tác đào tạo nguồn nhân lực ngành sư phạm đáp ứng yêu cầu của chương trình.

Duy Anh

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-gia-dinh-huong-phat-trien-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-2018-post599609.antd