Nỗ lực vì mục tiêu bình đẳng giới

Dự án 8 'Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em' do Hội Liên hiệp Phụ nữ chủ trì thực hiện, là nỗ lực vì bình đẳng giới nhằm chăm lo, bảo vệ quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Dự án 8 đã mang lại nhiều kết quả tích cực với phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi.

Dự án 8 đã mang lại nhiều kết quả tích cực với phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số và miền núi.

Dự án 8 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021-2025. Mục tiêu của Dự án không chỉ dừng lại ở việc nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” xóa bỏ định kiến giới, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, loại bỏ những tập tục có hại đối với phụ nữ, trẻ em.

Đồng thời Dự án còn hướng đến chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho phụ nữ và trẻ em, nhất là các đối tượng người dân tộc thiểu số thuộc các hộ nghèo, cận nghèo, phụ nữ khuyết tật, nạn nhân bị mua bán, bạo lực gia đình và các vấn đề xã hội khác.

Đa dạng hóa các mô hình, câu lạc bộ

Tại tỉnh Đắk Lắk, tình trạng bất bình đẳng giới, một số tập tục, hủ tục lạc hậu, nhất là những quan niệm truyền thống, khuôn mẫu về vai trò phụ nữ và nam giới trong gia đình, vấn đề bất bình đẳng giới vẫn tồn tại ở trong từng gia đình, dòng họ, ảnh hưởng việc phát triển kinh tế-xã hội, đời sống của phụ nữ, trẻ em, nhất là phụ nữ, trẻ em dân tộc thiểu số còn gặp nhiều hạn chế.

“Qua nắm bắt, tìm hiểu, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh nhận thấy trên địa bàn còn những định kiến, khuôn mẫu giới thiên lệch, là rào cản ảnh hưởng sự phát triển của phụ nữ, trẻ em gái dân tộc thiểu số, những ràng buộc, tập tục của chế độ mẫu hệ trong gia đình. Bên cạnh đó, một số phong tục, tập quán lạc hậu vẫn tồn tại, thậm chí do ảnh hưởng của xã hội hiện đại, một số tập tục bị biến tướng, tác động tiêu cực đến đời sống của phụ nữ, trẻ em”, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thị Thu cho biết.

Trước thực trạng đó, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã thành lập, phát huy vai trò các mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng” trong tuyên truyền xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới, những tập tục văn hóa không còn phù hợp. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập hơn 330 mô hình “Tổ truyền thông cộng đồng”; tập huấn cách thức vận hành cho các thành viên mô hình và cán bộ Hội cơ sở. Tại huyện Ea Kar, xác định “Tổ truyền thông cộng đồng” làm nòng cốt, tiên phong trong tuyên truyền, vận động người dân vùng dân tộc thiểu số thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, xóa bỏ định kiến, khuôn mẫu giới cho nên các hoạt động truyền thông được Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện đổi mới và đa dạng hóa các hình thức và lựa chọn từng nội dung qua từng nhóm đối tượng, từng địa bàn.

“Với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” nhằm tạo sự gần gũi và nắm bắt sâu hơn, chính xác hơn những vấn đề mà phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số đang gặp phải, để có giải pháp giúp đỡ; đồng thời chúng tôi cũng khích lệ được những người phụ nữ dân tộc thiểu số trở thành tuyên truyền viên tích cực trong việc tham gia hiệu quả hoạt động truyền thông”, chị Vũ Thị Thanh Giang, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea Kar chia sẻ.

Toàn xã Ea Sô (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) có bảy tổ truyền thông thành lập từ năm 2022 đến nay với 70 thành viên. Các tổ truyền thông luôn chủ động xây dựng kế hoạch, đề xuất với Hội Liên hiệp Phụ nữ xã thành lập các đội tuyên truyền tư vấn pháp lý cho các chị em. Từ khi thành lập đến nay, tổ truyền thông đã tư vấn cho chị em phụ nữ vấn đề hôn nhân và gia đình; hướng dẫn cách nuôi dạy con; bảo vệ, chăm sóc phụ nữ trẻ em…

Chị Võ Thị Mộng Khương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Sô cho biết: “Sau khi triển khai Dự án 8 tạo nên những khởi sắc rất quan trọng đối với địa phương cũng như đời sống của phụ nữ dân tộc thiểu số. Tình trạng tảo hôn giảm mạnh, chị em phụ nữ có nhiều thay đổi trong nhận thức, tư duy về vấn đề hôn nhân, có kiến thức về phòng chống bạo lực gia đình, chăm sóc con cái. Số lượng nam giới quan tâm và tham gia các hoạt động truyền thông ngày càng đông, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức”.

Bên cạnh đó, Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” cũng đang phát huy hiệu quả trong việc triển khai Dự án 8. Đây là mô hình dành riêng cho trẻ em trong trường học và ở cộng đồng nơi các em sinh sống với mục đích cung cấp các kiến thức, kỹ năng nhận diện, ứng xử với các vấn đề tại gia đình, nhà trường và cộng đồng. Các thành viên câu lạc bộ trở thành những hạt nhân tiên phong trong thay đổi nhận thức, dần xóa bỏ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, bạo lực gia đình, mua bán trẻ em, bóc lột sức lao động trẻ em…

Năm 2022, 13 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” đã được thành lập ở 13 xã thuộc huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai với sự tham gia của 390 trẻ em độ tuổi từ 11-14 tuổi, trong đó có 231 học sinh nam và 159 học sinh nữ. “Các câu lạc bộ hoạt động hằng tháng với nhiều nội dung liên quan bình đẳng giới và trẻ em, nhất là trẻ em gái. Các em được trang bị kiến thức, kỹ năng giúp tự bảo vệ mình; thúc đẩy sự tham gia chủ động, có ý nghĩa của trẻ em, giúp trẻ em người dân tộc thiểu số thay đổi cách nghĩ, dám nói lên suy nghĩ của mình”, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Bắc Hà Bùi Thị Lý cho biết.

Là một trong những thành viên của Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, em Vàng Thị Hà, học sinh Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà, từ một cô bé ngại ngùng, bẽn lẽn trước đám đông nay đã trở nên tự tin, mạnh dạn và năng nổ hơn rất nhiều. Em Hà bày tỏ: “Từ khi tham gia câu lạc bộ, em đã mạnh dạn nói lên những suy nghĩ của bản thân. Chúng em còn được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm và thuyết trình trước đám đông. Chúng em hiểu rằng, muốn có một tương lai tốt đẹp, trước tiên cần học tập thật tốt, có công ăn việc làm, sau đó mới tính đến việc lập gia đình”.

Mô hình câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” của Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà có 30 học sinh, trong đó có 17 học sinh nữ và 13 học sinh nam. Đây cũng là một trong hai mô hình điểm của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam về thành lập và hoạt động câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”. Thầy giáo Nguyễn Văn Phẩm, Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở và trung học phổ thông Bắc Hà cho biết: Mỗi chủ đề sinh hoạt được thiết kế theo các hình thức đa dạng giúp các thành viên câu lạc bộ dễ dàng hiểu rõ hơn, từ đó tuyên truyền tới nhiều học sinh. Có thể thấy, Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là cách làm mới trong việc thúc đẩy bình đẳng giới tại trường học để phát huy vai trò, tiếng nói, sự tham gia của trẻ em.

Đem lại nhiều giá trị thiết thực

Theo báo cáo đánh giá Dự án 8 giai đoạn I của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, sau ba năm triển khai, đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, 4/9 chỉ tiêu cốt lõi của dự án đã vượt kế hoạch đặt ra ở giai đoạn I, như “Tổ truyền thông cộng đồng”, “củng cố/thành lập mới Địa chỉ tin cậy”, “Nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị”, Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”…

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Dự án 8 vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Thực tế, phụ nữ dân tộc thiểu số đang phải đối mặt với một số rào cản nhất định, ảnh hưởng sự phát triển của phụ nữ, trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, như: Vấn đề việc làm, sinh kế và định hướng nghề nghiệp; hạn chế trong tiếp cận với dịch vụ chăm sóc sức khỏe, tiếp cận thông tin, nguồn vốn, các dịch vụ xã hội; các vấn đề xã hội như: Tảo hôn, hôn nhân cận huyết, bạo lực gia đình. Nhiều ý kiến cho rằng, yêu cầu về chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội sẽ là thách thức không nhỏ đối với phụ nữ dân tộc thiểu số.

Mặc dù nhận thức của người dân đã dần được nâng cao, tuy nhiên vẫn còn một bộ người dân vùng khó khăn còn chịu nhiều ảnh hưởng của hủ tục, tập quán dân tộc, còn mang nặng các định kiến xã hội, phải chịu những hành vi bạo lực gia đình trong thời gian dài nhưng không tố cáo… Thiên tai, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nặng nề đời sống của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Lưu ý về những vấn đề còn gặp nhiều vướng mắc nêu trên, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền nhấn mạnh: Hoạt động của các mô hình cần xây dựng dựa trên thực trạng, nhu cầu của hội viên phụ nữ để đáp ứng đúng nguyện vọng và đem lại giá trị thiết thực cho hội viên, phụ nữ; tích cực huy động sự tham gia trực tiếp của phụ nữ, trẻ em và người dân cộng đồng vào quá trình khảo sát nhu cầu, lập kế hoạch và triển khai duy trì các mô hình, hoạt động của dự án để người dân chủ động đề xuất mong muốn, nguyện vọng trong việc giải quyết các vấn đề của chính họ.

Bên cạnh đó, các cơ quan hữu quan cần cung cấp tài liệu sinh hoạt và hướng dẫn, hỗ trợ các cấp Hội địa phương xây dựng đa dạng các tài liệu truyền thông phù hợp đặc thù văn hóa dân tộc, trình độ nhận thức của các thành viên mô hình và đối tượng truyền thông cộng đồng; đa dạng các chủ đề đối thoại, chú trọng những vấn đề mới nảy sinh tại địa phương, giải quyết và mở rộng đối tượng tham gia vào các hoạt động đối thoại, nhất là đối với các nhóm người dễ bị tổn thương như người khuyết tật, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thuộc vùng Dự án 8…

Dự án đã xây dựng và duy trì 10.638 tổ truyền thông cộng đồng (kế hoạch giai đoạn I là 9.000 tổ), thu hút hơn 214.770 thành viên là nam giới, nữ giới những người có uy tín tại cộng đồng tham gia làm tuyên truyền viên; xây dựng 2.673 địa chỉ tin cậy, hỗ trợ người bị bạo lực gia đình (kế hoạch giai đoạn I là 1.000 địa chỉ tin cậy); tư vấn cho khoảng 34.935 phụ nữ, trẻ em tại địa bàn dân tộc thiểu số và miền núi…

(Theo báo cáo của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam)

Minh Châu

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/no-luc-vi-muc-tieu-binh-dang-gioi-post853002.html