Chuyên gia dự báo giá xăng dầu sẽ duy trì ở mức ổn định trong năm 2025

Theo dự báo của các chuyên gia, giá xăng dầu năm 2025 sẽ duy trì ở mức ổn định, thậm chí giảm do sự chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sạch và việc tăng cường tiết kiệm năng lượng. Điều này sẽ đóng góp vào việc ổn định chỉ số giá cả và giảm chi phí sản xuất cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu.

Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

Ngày 9/1, tại Hà Nội, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo "Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2024 và dự báo năm 2025".

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính cho biết, trong nửa đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều thách thức, tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,66% trong quý I và CPI tăng 3,97% so với cùng kỳ năm trước. Các yếu tố như xung đột địa chính trị, tăng giá cước vận tải và sự mạnh lên của đồng USD đã tạo nhiều áp lực lên tỷ giá, lãi suất và lạm phát.

PGS.TS. Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính (Ảnh: Đình Khương)

PGS.TS. Nguyễn Đào Tùng - Giám đốc Học viện Tài chính (Ảnh: Đình Khương)

Tuy nhiên, từ quý II/2024, tình hình đã có những chuyển biến tích cực. Sự phục hồi của xuất khẩu và sản xuất công nghiệp đã thúc đẩy tăng trưởng GDP ở các quý sau đó. Lạm phát có xu hướng giảm dần, đạt đỉnh ở mức 4,45% vào tháng 5/2024. Kết quả, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu kép với tăng trưởng GDP 7,09% và CPI trung bình chỉ tăng 3,63% so với năm trước.

Những kết quả này một phần là nhờ vào sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ, thông qua các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Cùng với đó là những yếu tố thuận lợi từ môi trường kinh tế thế giới như tăng trưởng GDP toàn cầu ước tính 3,2%, lãi suất giảm và giá dầu ổn định.

Dự báo năm 2025, nền kinh tế thế giới được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) dự kiến tiếp tục tăng trưởng ổn định, tạo điều kiện để Việt Nam hướng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5 - 7%. Tuy nhiên, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu do lãi suất cao kéo dài và khả năng đồng USD tăng giá vẫn là những rủi ro đáng lưu ý.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cho biết, Việt Nam đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4% trong 10 năm liên tiếp. Với các yếu tố như tốc độ tăng cung tiền, lãi suất, tỷ giá tương đối cân bằng, giá dầu ổn định, lạm phát trung bình trong năm 2025 được dự báo sẽ xoay quanh mức 3,0% (+/- 0,5%).

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính (Ảnh: Đình Khương)

TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính (Ảnh: Đình Khương)

Trong năm 2024, tình hình tiền tệ được kiểm soát ở mức thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2014-2023, là yếu tố quan trọng giúp kiểm soát lạm phát trong năm 2025. Tuy nhiên, lãi suất thực và tốc độ tăng giá USD đang cao hơn mức trung bình, có thể tạo áp lực lên giá cả trong thời gian tới.

Bên cạnh các yếu tố tiền tệ và tỷ giá, lạm phát năm 2025 còn phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế thế giới, giá dầu và nguyên vật liệu đầu vào. Theo dự báo, kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ổn định ở mức 3,2%, giá dầu và hàng hóa cơ bản có xu hướng giảm nhẹ. Tuy nhiên, tỷ giá và lãi suất vẫn là các yếu tố bất định, ảnh hưởng đến giá cả ở Việt Nam.

Dựa trên các giả định, có thể xem xét 3 kịch bản cho lạm phát năm 2025: Kịch bản cơ sở: Lạm phát trung bình khoảng 3,0%; Kịch bản cao: Lạm phát trung bình khoảng 3,3%; Kịch bản thấp: Lạm phát trung bình khoảng 2,7%.

Các dự báo trên chưa tính đến khả năng Chính phủ điều chỉnh giá dịch vụ y tế, giáo dục, hoặc kinh tế thế giới rơi vào suy thoái. Các yếu tố này có thể ảnh hưởng đáng kể đến lạm phát, khiến mức lạm phát trung bình năm 2025 ở mức 3,5% (kịch bản cao) hoặc 2,5% (kịch bản thấp).

Bà Vũ Hương Trà, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính (Ảnh: Đình Khương)

Bà Vũ Hương Trà, Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính (Ảnh: Đình Khương)

Để đảm bảo thị trường giá cả ổn định và kiểm soát lạm phát, bà Vũ Hương Trà, Cục quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua các cơ quan quản lý nhà nước đã chủ động quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng, thiết yếu. Trong đó, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương đã nỗ lực điều hành giá xăng dầu một cách công khai, minh bạch và nhất quán. Điều này đã đảm bảo việc thực hiện cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước theo đúng quy định. Đáng chú ý, Bộ Tài chính đã trình các cấp có thẩm quyền ban hành Nghị quyết số 42/2023/UBTVQH15 ngày 18/12/2023, theo đó tiếp tục giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn kể từ ngày 1/1/2024 đến hết 31/12/2024. Điều này sẽ góp phần giảm áp lực lên giá xăng dầu trong nước.

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều biến động, việc dự báo và quản lý chỉ số giá tiêu dùng (CPI) là một trong những nhiệm vụ then chốt đối với các cơ quan quản lý nhà nước. Trong đó, theo bà Vũ Hương Trà, giá xăng dầu là một yếu tố đầu vào quan trọng của nền kinh tế, ảnh hưởng lớn đến CPI. Theo thông tin từ Bộ Công Thương, giá dầu thô trong năm 2025 được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp, đây là yếu tố thuận lợi giúp kiểm soát CPI.

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Ảnh: Đình Khương)

PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Ảnh: Đình Khương)

Trao đổi với PetroTimes, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh đã đưa ra dự báo về diễn biến giá xăng dầu trong năm 2025. Theo quan điểm của ông, giá xăng dầu có thể sẽ ở mức ổn định như hiện nay hoặc thậm chí thấp hơn.

Lý do chính là do chính sách năng lượng của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang hướng về việc sử dụng các nguồn năng lượng truyền thống nhằm thúc đẩy tăng trưởng và phát triển sản xuất của nền kinh tế Mỹ. Điều này sẽ dẫn đến việc nhu cầu sử dụng dầu sẽ tăng lên. Tuy nhiên, Chính phủ Mỹ sẽ không để giá dầu thế giới tăng cao, nhằm hỗ trợ cho sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc gia.

Trong bối cảnh này, ông Đinh Trọng Thịnh tin rằng giá xăng dầu năm 2025 sẽ ở mức ổn định hoặc thậm chí giảm so với hiện tại. Điều này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nền kinh tế Mỹ nói riêng và kinh tế toàn cầu nói chung.

Còn theo dự báo của PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng, giá xăng dầu năm 2025 có xu hướng giảm do sự chuyển dịch sang các nguồn năng lượng sạch và việc tăng cường tiết kiệm năng lượng. Điều này sẽ đóng góp vào việc ổn định chỉ số giá cả và giảm chi phí sản xuất cho các ngành công nghiệp sử dụng nhiên liệu.

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (Ảnh: Đình Khương)

PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng (Ảnh: Đình Khương)

Ông Lạng lý giải rằng, xu hướng giảm giá xăng dầu dự kiến trong năm 2025 là do các yếu tố như chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Tỷ trọng của các nguồn năng lượng sạch, tái tạo như năng lượng mặt trời, gió đang tăng nhanh, chiếm khoảng 25% tổng cầu năng lượng vào năm 2024. Điều này làm giảm nhu cầu đối với nhiên liệu hóa thạch truyền thống như xăng dầu. Cùng với đó là sự gia tăng của các loại xe điện và công nghệ sử dụng điện, khí hóa lạnh sẽ làm giảm cầu đối với xăng dầu. Hay các xung đột khu vực có thể gây tăng giá tạm thời nhưng sẽ nhanh chóng trở về mức cân bằng do nguồn cung dồi dào.

Nhìn chung, việc giá xăng dầu giảm sẽ tạo điều kiện để ổn định chỉ số giá tiêu dùng và giảm chi phí sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2025. Đây được xem là một cơ hội tốt để các ngành công nghiệp và sản xuất Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.

Đình Khương

Nguồn PetroTimes: https://kinhtexaydung.petrotimes.vn/chuyen-gia-du-bao-gia-xang-dau-se-duy-tri-o-muc-on-dinh-trong-nam-2025-722966.html