Chuyên gia dự báo tình hình nóng Kosovo: 'Nga sẽ vào cuộc hỗ trợ Serbia'
Các trường học của người Serbia ở phía Bắc Kosovo đã bị đình chỉ kể từ ngày 12/12 do căng thẳng gia tăng giữa Belgrade và Pristina.
Vào ngày 10/12, người Serb tại Kosovo đã dựng rào chắn trên các đường cao tốc ở phía Bắc khu vực, động thái của họ liên quan đến việc chính quyền địa phương bắt giữ cựu nhân viên Bộ Nội vụ của nước cộng hòa tự xưng - ông Dejan Pantic.
Viên cảnh sát bị cáo buộc là nghi phạm khủng bố khi "cùng với các thành viên của nhóm tội phạm đã thực hiện những cuộc tấn công vào cảnh sát Kosovo".
Cùng ngày, Belgrade thông báo họ có thể cử lực lượng vũ trang đến khu vực này theo Nghị quyết số 1244 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Bộ trưởng Ngoại giao Đức Annalena Berbock đã lên án tuyên bố trên và cho rằng đề xuất như vậy là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Thủ tướng Serbia Ana Brnabic ngay lập tức đáp trả mạnh mẽ bộ trưởng Đức. Bà Brnabic nhận xét quan điểm của Berlin là vô lý đến mức đáng kinh ngạc, bởi vì không quốc gia nào có thể quyết định thực hiện hay bỏ qua nghị quyết nào.
Tiếp đó, Lực lượng đặc biệt của Bộ Nội vụ nước Cộng hòa tự xưng Kosovo ngày 11/12 đã xâm nhập đập Gazivode và giành quyền kiểm soát, sau đó tiến hành hạ cờ Serbia.
Cơ sở này là nguồn cung cấp nước chính cho khu vực. Phần lớn nhất của hồ nằm ở đô thị Zubin Potok, nơi sinh sống chủ yếu của người Serb. Tình trạng tương tự cũng ghi nhận ở các khu vực khác.
Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic trước đây tuyên bố rằng đất nước của ông sẽ đấu tranh cho quyền của người dân bằng bất kỳ phương tiện nào có sẵn trong lĩnh vực pháp lý. Chính trị gia này cho biết để giảm leo thang, Pristina cần tạo ra một cơ cấu gồm các Cộng đồng người Serb, được nêu rõ trong Thỏa thuận Brussels 2013.
"Sự thật luôn đứng về phía Serbia, nhưng họ thật ngây thơ khi vẫn đang cố gắng tuân thủ luật pháp quốc tế", chuyên gia phân tích chính trị người Nga, tiến sĩ khoa học lịch sử - bà Ekaterina Guskova đã đưa ra phát biểu trên trong cuộc trò chuyện với tờ PolitExpert (PE).
Theo bà Guskova, để đáp trả Kosovo, Belgrade chỉ có thể sử dụng Nghị quyết số 1244 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, theo đó Serbia có quyền đưa cảnh sát vào Kosovo để bảo vệ người dân của mình, nhưng điều này chỉ có thể thực hiện sau khi được phương Tây cho phép.
“Serbia có thể yêu cầu triệu tập Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và thảo luận vấn đề này, Nga sẽ hỗ trợ đồng minh. Nhưng khả năng Brussels lại nói rằng Nghị quyết 1244 đã là dĩ vãng đối với họ, vì vậy không đáng để Serbia hy vọng được phép đưa cảnh sát vào Kosovo”, người đối thoại của tờ PE nói.
Theo Thỏa thuận Brussels năm 2013, có một biên giới giữa Serbia và Kosovo, cũng như giữa các quốc gia. Nhà khoa học chính trị giải thích rằng nếu thiếu “lý do chính đáng” thì việc gửi quân đến đây sẽ không hiệu quả.
“Nhận ra điều này, người Serb ở Kosovo dựng rào chắn để tự vệ. Họ dựng lều, chặn mọi ngả đường khiến cảnh sát Kosovo không thể tiếp cận được”, bà Guskova nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia Nga, những người gốc Albania tại Kosovo nhìn nhận cuộc đối đầu theo cách khác, họ sẽ không nhượng bộ đối thủ, họ tin rằng người Serb nên hòa nhập hoặc rời khỏi khu vực.
“Ngoài phía Bắc của Kosovo và Metohija - nơi phần lớn dân số Serbia sinh sống, còn có những khu vực khép kín được bao quanh bởi người Albania, theo thỏa thuận năm 2013, chính quyền phải chăm sóc họ bằng cách tạo ra một Cộng đồng Serbia".
"Nhưng người gốc Albania nói rằng họ sẽ không nhượng bộ bất kỳ điều gì trước người Serb. Đây là khu vực với nhiều người Albania sinh sống, vì vậy họ muốn tất cả mọi thuộc tính độc lập khác”, nhà khoa học chính trị người Nga nhấn mạnh.
Liên minh châu Âu đứng về phía người gốc Albania. Phương Tây muốn công nhận nền độc lập của Kosovo và Metohija càng sớm càng tốt. Bà Guskova dự đoán Brussels đang thúc đẩy bản kế hoạch do Pháp - Đức chủ trì, theo đó Belgrade được đề nghị không công nhận nền độc lập của Kosovo, nhưng nhắm mắt làm ngơ trước thực tế vùng lãnh thổ này được kết nạp vào Liên Hợp Quốc với tư cách một quốc gia riêng biệt.
“Hiện tại, Serbia không có đủ sức mạnh thông qua cảnh sát, quân đội để bảo vệ người dân của mình. Do đó, việc giảm căng thẳng ở Balkan sẽ kết thúc thông qua ngoại giao. Chúng tôi đang chờ đợi những quyết định sẽ được đưa ra tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Brussels,” người đối thoại của PE tin tưởng.
Theo PolitExpert