Chuyên gia Đức: Tấn công Nga bằng vũ khí NATO có thể gây chiến tranh toàn cầu

Bà Helga Zepp-LaRouche, người sáng lập Viện Schiller của Đức, cho rằng việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga sẽ dẫn đến leo thang xung đột, có thể ở quy mô toàn cầu.

Bức ảnh được Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk đăng ngày 3/6 cho thấy 1 hệ thống phòng không bị tấn công bên trong lãnh thổ Nga. (Ảnh: Facebook Iryna Vereshchuk)

Bức ảnh được Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk đăng ngày 3/6 cho thấy 1 hệ thống phòng không bị tấn công bên trong lãnh thổ Nga. (Ảnh: Facebook Iryna Vereshchuk)

Sau khi Mỹ cho phép Ukraine dùng vũ khí Mỹ để tấn công hạn chế vào lãnh thổ Nga, bà Zepp-LaRouche nói với hãng thông tấn Tass của Nga rằng: Đây có phải là cách Tổng thống Mỹ Joe Biden cố gắng "tránh Thế chiến thứ ba" hay không.

Sau khi Mỹ thay đổi quan điểm, Đức cũng cho phép Ukraine dùng vũ khí Đức để bảo vệ vùng Kharkiv trước các cuộc tấn công của Nga. Bà Zepp-LaRouche nhấn mạnh rằng Nga đã tuyên bố sẽ có “phản ứng bất cân xứng đối với sự leo thang này".

“Mối nguy hiểm lớn nhất là các cơ quan phương Tây đã tự thuyết phục họ tin rằng Nga chỉ đang nói chơi, trong khi họ nghĩ họ có thể tiếp tục ‘luộc con ếch Nga’”, bà nói với hãng thông tấn Tass.

Ngày 4/6, Thủ tướng Hungary Victor Orban nói trên đài phát thanh Kossuth rằng châu Âu đang chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại Nga.

“Nếu quỹ đạo điên rồ này không dừng lại, chúng ta sẽ sớm có Armageddon. Chuông báo động phải rung lên thật lớn để mọi người nghe thấy”, bà LaRouche nói.

Ngày 31/5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken xác nhận Tổng thống Biden đã cho phép sử dụng vũ khí Mỹ để tấn công lãnh thổ Nga. Ông cho biết, Ukraine chỉ có thể dùng vũ khí Mỹ để tấn công các khu vực của Nga giáp Kharkiv. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ không loại trừ khả năng mở rộng phạm vi tấn công trong tương lai.

Cùng ngày, Nội các Đức thông báo vũ khí của Đức có thể được sử dụng để bảo vệ Kharkiv khỏi các cuộc tấn công của Nga.

Ngày 28/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, việc lựa chọn mục tiêu và kích hoạt các hệ thống tấn công hiện đại có thể được các quốc gia phương Tây thực hiện từ xa hoặc tự động mà "không cần sự hiện diện của binh lính Ukraine".

Ông nói rằng điều này được thực hiện bởi những bên sản xuất và cung cấp vũ khí cho Ukraine. Nhà lãnh đạo Nga cảnh báo các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) phải "nhận ra họ đang chơi trò gì".

Ngày 31/5, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev nhấn mạnh tất cả vũ khí tầm xa được chuyển giao cho Ukraine đều “do quân nhân NATO trực tiếp kiểm soát” và những hành động như vậy có thể là cái cớ cho các cuộc tấn công trả đũa.

Kết quả đầu tiên

Đầu tuần này, một quan chức cấp cao Ukraine ám chỉ Kiev đã tấn công hệ thống tên lửa bên trong lãnh thổ Nga bằng vũ khí phương Tây, chỉ vài ngày sau khi các đồng minh chấp thuận việc tấn công vào đất Nga.

Bất chấp những cảnh báo từ Nga, Ukraine đã thể hiện dấu hiệu cho thấy họ sẵn sàng làm quyết liệt khi đối mặt với thực tế mới. Điều đó khiến các nhà quan sát đặt câu hỏi về hàm ý của nó đối với cuộc chiến rộng lớn hơn.

Trong bài đăng trên Telegram, nay đã bị xóa, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk đăng bức ảnh cho thấy vật thể dường như là chiếc xe tải quân sự đang bốc cháy.

“Nó đang cháy dữ dội. Đây là S-300 của Nga. Trên lãnh thổ Nga. Những ngày đầu tiên sau khi được phép sử dụng vũ khí phương Tây trên lãnh thổ đối phương”, bà viết.

Phó Thủ tướng Vereshchuk không cung cấp bất kỳ thông tin chi tiết nào về vị trí của hệ thống tên lửa được cho là đã bị bắn trúng hay thời điểm tấn công. Bà cũng không cho biết có phải vũ khí của phương Tây đã được sử dụng trong vụ này hay không.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (tại Mỹ) cũng viết trong báo cáo hằng ngày hôm 3/6 rằng “lực lượng Ukraine đã tấn công hệ thống phòng không S-300/400 của Nga ở tỉnh Belgorod”, rất có thể bằng hệ thống tên lửa pháo binh cơ động cao (HIMARS) vào ngày 1/6 hoặc 2/6.

Một số nhà phân tích quân sự phương Tây không tin Nga có thể phản ứng quá mạnh, bất chấp nhiều lời cảnh báo gay gắt.

Ông Michael Clarke, giáo sư nghiên cứu chiến tranh tại trường King’s College London, nói với NBC News: “Ukraine phải chứng tỏ họ có thể làm được điều này và S-300 là mục tiêu quân sự chính đáng”.

Ông Clarke cho rằng Mátxcơva có thể sẽ tìm biện pháp phi quân sự để đáp trả các nước NATO.

“Phản ứng hạt nhân vẫn hoàn toàn là một con cá trích đỏ (mang ý nghĩa “đánh lạc hướng”), dù họ sẽ tiếp tục nói ra điều đó để khiến đối phương sợ hãi”, ông Clarke nói.

Thu Loan

Theo Tass, NBC News

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-gia-duc-tan-cong-nga-bang-vu-khi-nato-co-the-gay-chien-tranh-toan-cau-post1643630.tpo