Chuyên gia giao thông: Đảm bảo lợi ích, sẽ không còn tiêu cực trong đăng kiểm
Từ cuộc khủng hoảng đăng kiểm vừa qua, một câu hỏi lớn đặt ra: Trong tương lai phải làm gì để hệ thống đăng kiểm ổn định, bền vững? Phóng viên Kinh tế & Đô thị đã cuộc trao đổi với chuyên gia giao thông, thạc sĩ Vũ Hoàng Chung về vấn đề này.
Theo ông, nguyên nhân do đâu mà các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) có nhiều sai phạm?
- Điều tiếng về vòi vĩnh, tham nhũng trong ngành đăng kiểm đã có từ lâu. Đến nay mới có một cuộc điều tra quyết liệt và mở rộng như vậy. Có thể nói, sai phạm mang tính hệ thống từ trên xuống dưới, từ lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam đến từng cá nhân tại các TTĐK.
Trên thì bao che, dưới thì vi phạm. Nguyên nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng ngày hôm nay bắt nguồn từ những cá nhân tham lợi, vi phạm pháp luật.
Mặt khác, kiểm định xe cơ giới là ngành kỹ thuật đặc thù, có vai trò then chốt đối với sự vận hành của xe cơ giới. Nhưng từ trước đến nay các TTĐK vẫn do Cục Đăng kiểm Việt Nam quản lý, chính quyền và sở GTVT các địa phương không được giám sát chặt chẽ.
Kiểm định xe giống như thế giới riêng mà trong đó những người được trao quyền kiểm định tự tung tự tác. Nhất là từ khi có chủ trương xã hội hóa các TTĐK, vấn nạn chung chi ngày càng gây bức xúc hơn trong xã hội.
Vậy phải làm gì để thay đổi thực trạng đó, thưa ông?
- Khi những tập quán xấu trong đăng kiểm đã ăn sâu bén rễ, muốn thay đổi là rất khó khăn, cần quyết tâm rất lớn và lâu dài. Trước hết phải bắt đầu từ những đổi mới trong chính sách với xe cơ giới.
Ví dụ như: Miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô đăng ký mới; cho phép áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà sản xuất khi xe xuất xưởng làm tiêu chuẩn lưu hành… Như vậy sẽ hạn chế được một lượng lớn xe ô tô đi đăng kiểm, qua đó giảm tiêu cực, chung chi.
Bộ GTVT cần cơ cấu lại bộ máy tổ chức, làm thực chất, nghiêm minh công tác thanh tra, giám sát, quản lý, điều hành để hạn chế tối đa tiêu cực phát sinh. Cương quyết không để những cá nhân coi kiểm định xe cơ giới là miếng mồi béo bở tham gia vào công tác, nhất là quản lý cấp cao như cục trưởng, cục phó.
Kiểm định xe cơ giới là lĩnh vực có sinh lời, thực tế đã được xã hội hóa và nhận được hưởng ứng từ nhiều DN ngoài quốc doanh. Nhưng nguồn lợi lại chảy vào túi một số cá nhân, trong khi đại bộ phận người lao động làm việc tại các TTĐK có thu nhập thấp, không đảm bảo cuộc sống.
Muốn hệ thống đăng kiểm trong sạch rất cần có cơ chế rõ ràng, cho thu đúng, chi đủ. Đảm bảo kinh doanh có lời, đời sống người lao động ổn định, tiêu cực sẽ bị đẩy lùi bởi chính những người làm kiểm định.
Hiện nhiều địa phương như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đang chịu áp lực rất lớn do đăng kiểm ùn ứ. Nhưng thực tế là các TTĐK báo cáo hoạt động trực tiếp cho Bộ GTVT chứ không thuộc quản lý của địa phương.
Đó là nghịch lý và cũng là một yếu tố dẫn đến tiêu cực. Nếu các địa phương được giao tổ chức, quản lý, giám sát, hậu kiểm sẽ chấm dứt tình trạng một mình Cục Đăng kiểm quản lý không xuể cả hệ thống trên cả nước, để phát sinh tiêu cực như hiện nay.
Theo ông nhận định, cuộc khủng hoảng đăng kiểm này sẽ còn kéo dài bao lâu?
- Tôi cho rằng người dân nên kiên nhẫn, cuộc khủng hoảng này sẽ sớm chấm dứt. Chính phủ và tất cả các bộ, ngành, địa phương đang vào cuộc rất nghiêm túc, quyết liệt, đặc biệt là sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.
Có lẽ không đến một tháng nữa tình hình sẽ được ổn định hơn. Nhiều TTĐK bị đóng cửa sẽ mở trở lại, nhân sự, máy móc ngành kiểm định được bổ sung, tăng ca, tăng kíp sẽ dần dần giải quyết khó khăn trước mắt.
Tuy nhiên, với những xe chưa kịp đăng kiểm đợt này, đề nghị cơ quan chức năng nên xem xét nới lỏng các biện pháp xử phạt lỗi chậm kiểm định để chia sẻ khó khăn với người dân.