Chuyên gia giao thông: 'Không thể cứ thấy tai nạn là đổ lỗi cho con đường'
Vị chuyên gia về tư vấn thiết kế giao thông vận tải nói thẳng: 'Không chỉ ở Việt Nam, ngay ở những nước phát triển cũng có những tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe, mỗi chiều 1 làn. Quá trình vận hành, khai thác tuyến mới là yếu tố quan trọng, không thể cứ xảy ra tai nạn thì đổ lỗi con đường'.
Đầu tư cao tốc phải "liệu cơm gắp mắm"
Sau vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn hôm 18/2 làm 3 người chết, cơ quan chức năng đã có kết luận ban đầu do tài xế xe con vượt ẩu. Tuy nhiên, trong dư luận xã hội những ngày qua cũng có một số luồng ý kiến cho rằng, bên cạnh lỗi của người lái xe cũng có bất cập trong thiết kế, đầu tư xây dựng cao tốc 2 làn xe.
Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, chuyên gia có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn thiết kế các công trình giao thông - ông Võ Hoàng Anh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Nghiên cứu phát triển, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) cho biết, vụ tai nạn ở cao tốc Cam Lộ - La Sơn hôm 18/2 là sự việc rất thương tâm và xót xa. Hiện nay, Bộ GTVT và các cơ quan chuyên môn, nhà khoa học đang phân tích rõ nguyên nhân để xảy ra vụ TNGT này.
Theo ông Hoàng Anh, có nhiều nguyên nhân dẫn tới các vụ tai nạn giao thông. Trong đó, ý thức chủ quan của người lái xe là yếu tố quan trọng nhất. "Khi ý thức và kỹ năng của người lái xe không tốt thì không có con đường nào đảm bảo sẽ không xảy ra tai nạn giao thông", ông Hoàng Anh nói và cho biết, ai cũng mong muốn có những tuyến cao tốc hoàn chỉnh để đưa vào khai thác, nhưng khi nguồn lực còn hạn chế thì cần phải phân kỳ đầu tư trên từng tuyến căn cứ trên lưu lượng dự báo nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư.
Trong bối cảnh nguồn lực còn thiếu thì chúng ta phải liệu cơm gắp mắm khi đầu tư xây dựng các tuyến cao tốc như trong thời gian qua
Võ Hoàng Anh, Trưởng phòng Quản lý chất lượng và Nghiên cứu phát triển, Tổng Công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI)
Dẫn chứng thực tế đầu tư xây dựng các tuyến đường cao tốc ở nước ngoài, ông Hoàng Anh nói thêm: "Không chỉ ở Việt Nam, ngay cả nhiều nước phát triển cũng có những tuyến cao tốc chỉ có 2 làn xe, mỗi chiều 1 làn. Quá trình vận hành, khai thác tuyến mới là yếu tố quan trọng. Không thể cứ xảy ra tai nạn thì đổ tại con đường".
Theo ông Hoàng Anh, điều kiện vận hành, khai thác của những tuyến cao tốc chưa hoàn thiện theo đúng quy chuẩn thì phải đi kèm với những hạn chế trong việc lưu thông. Điều quan trọng nhất không phải số làn, mà là sự đáp ứng các điều kiện đảm bảo cho xe chạy.
Tuyến đường dù có 2 làn, 4 làn, 6 làn hay nhiều làn hơn nữa thì để xác định là cao tốc hay không phải dựa trên yếu tố vận hành con đường. Số lượng làn xe được quyết định dựa trên căn cứ về lưu lượng, tốc độ vận hành khai thác.
"Không phải cứ đường to là đường cao tốc. Tuyến đường được xác định là đường cao tốc khi đáp ứng được các yếu tố, điều kiện vận hành. Cụ thể đường cao tốc phải đảm bảo các điều kiện vận hành về khổ đường, làn đường, bề rộng… và có các yếu tố đảm bảo ATGT, hệ thống trang thiết bị trên đường… , ông Hoàng Anh nói.
Do đó, ông Hoàng Anh cho rằng, trong tương lai gần, chúng ta cần tập trung đầu tư hoàn thiện các tuyến cao tốc, bao gồm cả những tuyến đang khai thác và đang triển khai. Đồng thời phải đặc biệt chú trọng đầu tư vào điều kiện vận hành, khai thác và nâng cao văn hóa giao thông, ý thức, kỹ năng của người lái xe.
"Đây là những yếu tố chặt chẽ, quan trọng nhất để hạn chế tai nạn giao thông. Bởi, đường có làm tốt đến mấy mà vận hành, khai thác cũng như ý thức, kỹ năng của người lái xe không tốt thì tai nạn vẫn sẽ xảy ra", ông Hoàng Anh nói.
Số làn đường phụ thuộc vào lưu lượng xe
Trao đổi với Tạp chí Giao thông vận tải, một chuyên gia giao thông từng là lãnh đạo của Hội Khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam cho rằng, để đạt chỉ tiêu về số kilomet đường cao tốc thì thực hiện phân kỳ đầu tư. Nguyên tắc này đang được áp dụng trên toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam.
"Với kinh phí hạn hẹp, độ dài toàn tuyến không thay đổi thì mặt cắt ngang sẽ chưa thể làm hoàn chỉnh ngay theo quy hoạch. Tức là tuyến đường trong giai đoạn trước mắt sẽ chỉ làm 1 - 2 làn mỗi chiều", vị này cho biết thêm, mặt cắt ngang của nhiều tuyến cao tốc hiện nay sẽ được xây dựng hoàn chỉnh trong thời gian tới.
"Bây giờ phân kỳ đầu tư, làm theo từng giai đoạn, thì trước mắt chỉ có 1 - 2 làn mỗi chiều. Điều này tất yếu khiến tuyến đường chưa thể là đường cao tốc hoàn chỉnh, nên khi khai thác phải thực hiện các quy định riêng biệt, quy định hạn chế", vị chuyên gia này cho biết thêm, trên phương diện kỹ thuật, khoa học, những tuyến thực hiện phân kỳ đầu tư là những đường cao tốc chưa hoàn chỉnh. Khi chưa hoàn chỉnh thì phải kèm theo các điều kiện khai thác, do vậy cơ quan chức năng cần sớm rà soát lại để đưa ra các điều kiện hạn chế phù hợp.
Từng đảm nhiệm cương vị Cục trưởng Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), PGS.TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) nói với Tạp chí GTVT: "Tất cả các sự cố, tai nạn giao thông cần phải có phân tích khoa học, khách quan, cụ thể về nguyên nhân dẫn đến tai nạn, từ đó mới định hình được các biện pháp khắc phục".
Theo ông Trần Chủng, trước bối cảnh nguồn vốn khó khăn, eo hẹp trong khi nhu cầu đầu tư các dự án cao tốc rất cấp thiết thì cần phân kỳ đầu tư để từng bước hình thành nên tuyến cao tốc dọc đất nước. Tiêu chuẩn về đường cao tốc quy định rất rõ số làn xe trên tuyến được quyết định dựa vào lưu lượng xe. Lưu lượng phương tiện ít mà làm nhiều làn xe thì tất yếu dẫn đến lãng phí.
"Khi lưu lượng ít, kinh phí đầu tư xây dựng eo hẹp, thì trước mắt làm ít làn xe, nhưng phải tăng cường các biện pháp đảm bảo ATGT, hệ thống biển báo, hệ thống giải pháp tín hiệu, hệ thống giao thông thông minh… để quản lý hiệu quả vận hành, lưu thông an toàn trên đường cao tốc", ông Chủng nói và lưu ý, khi chưa đáp ứng được tiêu chuẩn công trình hoàn chỉnh thì phải có các biện pháp về tổ chức giao thông kèm theo. Khi xảy ra tai nạn giao thông, cơ quan chức năng cần phải xem lại xem yếu tố này đã được đảm bảo hay chưa?.
Theo ông Chủng, ngoài sự quyết liệt trong công tác đầu tư xây dựng hạ tầng đường cao tốc, thì một việc rất quan trọng đặt ra với cơ quan chức năng là phải tập trung xây dựng văn hóa giao thông trên đường cao tốc.
"Tôi nhận thấy, giờ ít ai để ý đến văn hóa giao thông trên đường cao tốc. Họ đơn thuần nghĩ chạy xe trên đường cao tốc cũng như đường bình thường. Tôi dẫn ví dụ, đi đường cao tốc là đi với tốc độ rất cao và liên tục trong khoảng thời gian dài. Đã lên xe là phải thắt dây an toàn đối với tất cả người ngồi trên xe, chứ không phải chỉ hai người ngồi ghế trước thắt dây an toàn. Đây là cách rất cần thiết là để bảo vệ chính tính mạng của mình khi ngồi trên xe chạy tốc độ cao", ông Chủng nói thêm, điều quan trọng nữa là các quy tắc giữ khoảng cách và chấp hành nghiêm các quy tắc vượt xe trên đường.