Chuyên gia hiến kế hạ nhiệt giá cả hàng hóa

Theo các chuyên gia, cơn 'bão' giá hàng hóa cơ bản, năng lượng... đang tăng từng ngày và khoảng 3 tháng nữa, sẽ phản ánh vào giá bán, lúc đó chỉ số CPI sẽ tăng mạnh...

Doanh nghiệp Việt phải làm chủ hệ thống phân phối.

Báo cáo về tình hình kinh tế xã hội tháng 3 và quý 1/2022 do Tổng cục Thống kê vừa công bố cho thấy, tính chung quý 1, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, tuy cao hơn mức tăng 0,29% của quý 1/2021 nhưng thấp hơn mức tăng của quý 1 các năm 2017-2020. Lạm phát cơ bản tăng 0,81%.

Trong quý 1, dồn dập giá nhiều loại hàng hóa, nguyên nhiên vật liệu trên thế giới tiếp tục có xu hướng tăng cao do chịu ảnh hưởng từ diễn biến xung đột địa - chính trị trên thế giới cũng như do nhu cầu gia tăng từ đà hồi phục của kinh tế toàn cầu, tạo áp lực rất lớn đến chi phí sản xuất, nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu được dự báo sẽ tăng khi nước ta mở cửa.

NẶNG GÁNH CHI PHÍ

Phân tích những yếu tố gây sức ép đến CPI quý 1 tăng so với cùng kỳ năm trước, Tổng cục Thống kê cho rằng, một là, giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm. Chỉ trong 1 quý, sau 7 đợt điều chỉnh, giá xăng A95 tăng 5.900 đồng/lít; giá xăng E5 tăng 5.780 đồng/lít và giá dầu diezen tăng 6.060 đồng/lít. Giá gas tăng 21,04%, tác động làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm.

Hai là, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 8,08% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào, tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm.

Phân tích kỹ hơn nguyên nhân sâu xa áp lực lạm phát, mặt bằng giá cả nhích tăng ngay từ những quý đầu tiên của năm 2022, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, nguyên Phó giám đốc Sở Thương mại, nguyên Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội chỉ rõ, tác động của tình hình địa chính trị thế giới và đặc biệt là cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine hiện nay và những biến động sau đại dịch Covid làm cho giá các nguyên liệu đầu vào của sản xuất kinh doanh dịch vụ đều tăng khá mạnh như xăng dầu, phân bón, nguyên phụ liệu cho dệt may da giầy, hóa chất, nhựa các loại…

Trong khi đó, sản xuất kinh doanh dịch vụ ở Việt Nam còn phụ thuộc khá lớn vào năng lượng, nguyên nhiên vật liệu, phụ liệu của các nước khác, đặc biệt là các ngành như điện tử, dệt may da giày, nhựa, sắt thép, hóa chất..., gây bất lợi cho chúng ta.

Mặt khác, các chuỗi cung ứng đứt gãy chưa được nối lại hoàn toàn, làm cho chi phí sản xuất kinh doanh dịch vụ vẫn ở mức cao ảnh hưởng đến giá thành hàng hóa, giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ở thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, sau một thời gian bị giãn cách, cầu tiêu dùng bị nén lại, nay được bung ra một cách mạnh mẽ hơn, làm cho nhu cầu mua sắm du lịch, dịch vụ phát triển nhanh chóng với số lượng lớn hơn và chu kỳ mua sắm tăng lên, bù đắp những thiếu hụt trong thời gian có dịch.

Chính vì vậy, sẽ tạo ra sức ép lạm phát ngay từ đầu năm, mà cụ thể là áp lực tăng do mua sắm, du lịch, trong đợt trước, trong và sau Tết nguyên đán Nhâm dần 2022.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú.

"Các chi phí về vận chuyển logistics vẫn chưa hạ nhiệt, cộng thêm những yếu tố như tâm lý tăng giá, "té nước theo mưa" và cả sự yếu kém của hệ thống phân phối, sự đứt gãy của các chuỗi cung ứng trong và ngoài nước vẫn chưa được hàn gắn góp phần làm cho chỉ số giá tăng khá mạnh trong thời gian qua".

Đáng lưu ý, nhắc đến lạm phát không thể không nói đến vai trò của hệ thống phân phối quốc gia.

Ông Phú khẳng định, kinh nghiệm trong 2 năm chống dịch cho thấy, một khi chợ, siêu thị bị tạm thời đóng cửa với số lượng lớn thì tiêu dùng bị gián đoạn.

"Hàng hóa, nhất là hàng nông sản không có người thu hoạch và vận chuyển đến nơi tiêu thụ khiến ở các kênh bán lẻ, hàng hóa bị thiếu hụt, gây ra những hiện tượng đầu cơ, nâng giá.

Khi đó, giá hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng lẻ tăng gấp 3-4 lần, gây tâm lý bất ổn cho thị trường về giá cả và túi tiền của người tiêu dùng bị xâm hại một cách vô lý", vị chuyên gia này phân tích.

Nhiều nghiên cứu cho thấy chi phí logistics ở Việt Nam ở mức rất cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vì giá thành sản phẩm mất đi tính cạnh tranh.

TÌM CÁCH HẠ GIÁ THÀNH SẢN PHẨM, NÂNG CAO NĂNG LỰC CẠNH TRANH

Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, mục tiêu kiểm soát lạm phát cả năm nay là 4% đòi hỏi một sự cố gắng vượt bậc bằng nhiều giải pháp và chính sách cụ thể từ tầm vĩ mô cho đến các doanh nghiệp và cả người tiêu dùng.

Để chỉ tiêu lạm phát trong năm 2022 đạt được chỉ tiêu đề ra, góp phần vào việc hoàn thành nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của cả nước, ông Phú cho rằng, một là, cần phải khắc phục những khó khăn ở trên bằng cách từng bước chủ động dự trữ năng lượng, tìm kiếm những nguyên vật liệu, phụ liệu ở trong nước cũng như ở các nước khác để tránh phụ thuộc vào một vài quốc gia khi có những biến động làm bất lợi cho nền kinh tế nước nhà.

Hai là, cần khuyến khích tiết kiệm, tiêu dùng hợp lý trong các tầng lớp dân cư, tập trung mua sắm vào những mặt hàng thiết yếu, giải tỏa tâm lý tích trữ hàng hóa.

Ba là, nâng cao năng lực cạnh tranh của năng lực Việt, sản phẩm Việt ở thị trường nội địa và xuất khẩu.

Cần tăng cường công tác liên kết vùng, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu cho hàng hóa Việt, tạo sức mạnh chung của cộng đồng các doanh nghiệp Việt Nam trong giai đoạn hiện nay cũng như mãi mãi về sau.

Khẩn trương kết nối lại các chuỗi cung ứng phục vụ cho xuất nhập khẩu, hàng hóa, nguyên vật liệu và tiêu thụ ở thị trường nội địa. Đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông, giảm bớt các chi phí vận chuyển, logistics nhằm hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt ngay tại thị trường nội địa nhằm giảm bớt áp lực lạm phát.

Đi đôi với phát triển sản xuất, cần tổ chức lại hệ thống phân phối quốc gia, xây dựng cơ sở hạ tầng cho thương mại dịch vụ, khôi phục các chuỗi cung ứng, đảm bảo tiêu thụ hiệu quả của cải vật chất làm ra.

"Doanh nghiệp Việt phải làm chủ hệ thống phân phối của mình, bởi mất phân phối là mất cả sản xuất", ông Phú nhấn mạnh.

"Cần phải tiếp tục củng cố hệ thống phân phối nội địa một cách vững chắc, bao gồm việc thực hiện giao dịch mua bán hàng hóa công khai, minh bạch, không ép cấp, ép giá, chiết khấu. Kiên quyết xử lý hiện tượng thao túng ở khâu bán lẻ của một số thương hiệu có thế mạnh làm cho giá cả bị đẩy lên một cách vô lý trên thị trường", ông Phú khẳng định.

Giao dịch hàng hóa nội địa đảm bảo công khai minh bạch, chống ép cấp ép giá và sự thao túng của một số chuỗi bán lẻ trên thị trường liên quan tới giá mua, chiết khấu và các chi phí khác khi kí gửi hàng hóa.

Tình hình hiện nay, cung hàng hóa Việt khá dồi dào nhưng cổ họng bán lẻ còn hẹp và có lúc trục trặc không tiêu thụ hết.

Chính vì vậy, cần đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng bán lẻ bao gồm chợ, siêu thị và trung tâm thương mại, hệ thống các chợ đầu mối kiêm sàn giao dịch hàng hóa nông sản thực phẩm, các kho dự trữ, bảo quản hàng lạnh, hàng chuyên dùng.

Đồng thời, ứng dụng công nghệ số, sàn thương mại điện tử để giao dịch hàng hóa nhanh, ít chi phí, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trên các địa bàn, giáo dục thái độ nhân văn, chia sẻ trong chuỗi sản xuất phân phối bán lẻ ...

Bốn là, tăng cường công tác kiểm soát, quản lý thị trường, xử lý nghiêm những tổ chức cá nhân vi phạm, bảo vệ những doanh nghiệp tổ chức cá nhân làm ăn chân chính.

Tất cả những việc làm trên nhằm hạn chế những biến động về giá cả, góp phần vào việc hạn chế tốc độ tăng CPI chung trong năm 2022 và cả cho những năm tiếp theo.

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia này, muốn thực hiện được mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và chỉ tiêu CPI đề ra cả năm 2022, ở tầm vĩ mô, cần thực hiện tốt việc cân đối lớn các chỉ tiêu quan trọng của nền kinh tế, đảm bảo hài hòa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ cho thực hiện nhiệm vụ chính trị cả năm.

Đối với việc giải ngân gói hỗ trợ 350.000 tỷ cho doanh nghiệp và người dân, cần đúng địa chỉ, tiết kiệm kịp thời và chống lợi dụng, chống tiêu cực.

Đẩy mạnh việc đầu tư công những công trình trọng điểm về hạ tầng của đất nước như sân bay Long Thành, cao tốc Bắc Nam... vừa đảm bảo tiến độ, chất lượng để nâng cao năng lực phục vụ cho xã hội, kiên quyết chống lãng phí, tham nhũng.

Đồng thời, kiên quyết cắt giảm các thủ tục hành chính, các khoản phí thuế cao vô lý đang tồn tại làm tăng chi phí không đáng có cho các doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất kinh doanh dịch vụ, thích ứng với tình hình mới khi chúng ta mở cửa trở lại.

Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút đầu tư trong và ngoài nước có hiệu quả, đảm bảo tăng trưởng mạnh mẽ hơn, tăng trưởng xanh và từng bước thiết lập một nền kinh tế tuần hoàn.

Ngoài sự hỗ trợ nhiều mặt của nhà nước và các bộ, ngành thì các doanh nghiệp cần tự giác để luôn luôn đổi mới, hoàn thiện quy trình sản xuất kinh doanh để vượt qua mọi khó khăn trước mắt cũng như lâu dài.

Vị chuyên gia này tin tưởng rằng nếu thực hiện được những giải pháp cơ bản nêu trên thì khả năng có thể thực hiện được các chỉ tiêu kinh tế xã hội trong năm 2022, trong đó, có chỉ tiêu CPI 4%, từ đó, góp phần nâng cao vị thế của nền kinh tế Việt Nam khi hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế, đồng thời có điều kiện nâng cao phúc lợi xã hội cho nhân dân trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Ánh Tuyết -

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/chuyen-gia-hien-ke-ha-nhiet-gia-ca-hang-hoa.htm