Chuyên gia, học giả Nga đánh giá cao triển vọng phát triển quan hệ Nga-Việt

Ngày 22/4, tại thủ đô Moskva của Liên bang Nga đã diễn ra hội thảo khoa học 'Triển vọng phát triển quan hệ Nga-Việt trong giai đoạn mới' do Trung tâm Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại Dương thuộc Viện Đông phương học Viện Hàn lâm Khoa học Nga tổ chức.

Quang cảnh tại hội thảo. (Ảnh: THÙY VÂN)

Quang cảnh tại hội thảo. (Ảnh: THÙY VÂN)

Đây là năm thứ 5 hội thảo quy tụ các chuyên gia, học giả uy tín và quen thuộc, có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam và được tổ chức dưới dạng trực tiếp và trực tuyến.

Tại hội thảo, phần lớn các học giả tập trung phân tích, đánh giá những khía cạnh trong mối quan hệ giữa Nga và Việt Nam trong bối cảnh địa chính trị thế giới có nhiều biến động và sự quan tâm thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược Nga-Việt của lãnh đạo hai nước.

Các học giả trao đổi tại Hội thảo. (Ảnh: THÙY VÂN)

Các học giả trao đổi tại Hội thảo. (Ảnh: THÙY VÂN)

Qua các tham luận trình bày và thảo luận có thể thấy rõ, các học giả đánh giá cao về hình ảnh và vị thế của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Các chuyên gia Nga đều chung nhận định bối cảnh quốc tế hiện tại mang đến cả thách thức lẫn cơ hội để củng cố quan hệ với Việt Nam. Các lệnh trừng phạt kinh tế từ phương Tây khiến Nga phải tìm kiếm các đối tác mới, Việt Nam trở thành một lựa chọn chiến lược quan trọng trong chính sách “xoay trục sang châu Á” của Nga.

Đặc biệt, chuyến thăm của Thủ tướng Mikhail Mishustin tới Việt Nam vào tháng 1/2025 được coi là dấu mốc quan trọng trong việc tăng cường hợp tác song phương đặt nền tảng cho việc triển khai các dự án chung trong nhiều lĩnh vực và khẳng định mong muốn của cả hai nước trong việc tăng cường hợp tác trên trường quốc tế.

Ông Petr Tsvetov, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học lịch sử tại Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga khi đề cập đến chủ đề làm thế nào để nâng kim ngạch thương mại Nga-Việt lên 15 tỷ USD vào năm 2030, đánh giá cao chuyến thăm của lãnh đạo hai nước và kỳ vọng vào thực hiện những kết quả đàm phán tốt đẹp từ các chuyến thăm này.

Ông Petr Tsvetov, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học lịch sử tại Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga. (Ảnh: THÙY VÂN)

Ông Petr Tsvetov, Phó Giáo sư, Tiến sĩ khoa học lịch sử tại Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Nga. (Ảnh: THÙY VÂN)

Tham dự trực tuyến, Giáo sư, Tiến sĩ khoa học lịch sử Vladimir Kolotov, Trưởng Bộ môn lịch sử các nước Viễn Đông, Giám đốc Viện Hồ Chí Minh thuộc Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg (Liên bang Nga) cũng có những đánh giá đồng nhất khi cho rằng Việt Nam là một trong những quốc gia đặc biệt trong chiến lược phát triển về phía Đông của Nga và sự phát triển quan hệ giữa Nga-Việt hoàn toàn phù hợp lợi ích quốc gia của cả hai bên.

Cùng với nhiều ý kiến khác trong hội thảo, các chuyên gia đều nhận định việc củng cố mối quan hệ giữa hai nước trở thành một hướng đi hết sức quan trọng, mặc dù vẫn còn tồn tại những khó khăn và vấn đề cần được quan tâm để phát triển hơn nữa quan hệ đối tác.

Đó là tác động của lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga đến hợp tác kinh tế. Bên cạnh đó, việc tăng trưởng thương mại của Việt Nam với một số quốc gia, bao gồm Mỹ, Liên minh châu Âu, Trung Quốc và Nhật Bản cũng là một cạnh tranh lớn đối với Nga ở thị trường này.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học kinh tế Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Trung Quốc và châu Á đương đại, Viện Hàn lâm Khoa học Nga. (Ảnh: THÙY VÂN)

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học kinh tế Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Trung Quốc và châu Á đương đại, Viện Hàn lâm Khoa học Nga. (Ảnh: THÙY VÂN)

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học kinh tế Vladimir Mazyrin, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam và ASEAN thuộc Viện Trung Quốc và châu Á đương đại, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cho rằng, triển vọng phát triển quan hệ Nga-Việt đang bước vào giai đoạn mới.

Ông cũng đánh giá cao việc Tổng Bí thư Tô Lâm đưa ra những cải cách rất triệt để như trong vấn đề cải cách hành chính của Việt Nam, thực hiện sát nhập các tỉnh thành. Tiến sĩ Vladimir Mazyrin cho rằng, đây cũng sẽ là giai đoạn mới với nhiều triển vọng đối với quan hệ Nga-Việt.

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. (Ảnh: THÙY VÂN)

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. (Ảnh: THÙY VÂN)

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học lịch sử Dmitry Mosyakov, Giám đốc Trung tâm Đông Nam Á, châu Úc và châu Đại Dương thuộc Viện Đông phương học Viện Hàn lâm Khoa học Nga có bài tham luận về tình hình quan hệ Nga-Việt từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, điểm lại những đặc điểm quan trọng trong quan hệ Nga-Việt.

Tiến sĩ Dmitry Mosyakov nhìn nhận một cách tích cực, cho rằng mối quan hệ này trong lịch sử cũng có những lúc thăng lúc trầm, nhưng quan hệ Nga-Việt đang bước vào một giai đoạn quyết định mới, mở ra nhiều cơ hội hợp tác kinh tế trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới đang có nhiều biến động.

Có thể nói, quan hệ Nga-Việt có chiều dài lịch sử. Các nỗ lực củng cố mối quan hệ hai bên từ thời Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay đã luôn được duy trì ở cấp lãnh đạo nhà nước và ngày nay việc củng cố này lại mạnh mẽ hơn bao giờ hết.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng tập trung thảo luận về việc tạo ra bước đột phá trong hợp tác kinh tế, hợp tác văn hóa, giáo dục. Đối với việc đào tạo sinh viên Việt Nam và sinh viên Nga tại Việt Nam các chuyên gia đều nhấn mạnh đây là chính sách cho tương lai. "Điều này ngày nay đã trở nên rõ ràng và chúng ta phải có mặt ở đó", ông khẳng định.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ ngôn ngữ Anatoli Sokolov, cán bộ khoa học của Viện Đông phương học, Viện Hàn lâm Khoa học Nga cũng đưa ra một tham luận minh chứng lịch sử về chuyến thăm của tàu tuần dương Nga Zabryaka tới Việt Nam từ tháng 1/1894, củng cố thêm sự hiện diện của Nga ở Việt Nam.

Kết luận tại hội thảo, Tiến sĩ khoa học lịch sử Dmitry Mosyakov trong vai trò người điều phối hội thảo bày tỏ tin tưởng, giới lãnh đạo hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy những dự án mang lại lợi ích chung nhằm làm sâu sắc hơn quan hệ hữu nghị, truyền thống tốt đẹp giữa Liên bang Nga và Việt Nam.

THÙY VÂN Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/chuyen-gia-hoc-gia-nga-danh-gia-cao-trien-vong-phat-trien-quan-he-nga-viet-post874350.html