Chuyên gia HR: 'Nói Gen Z thiếu gắn bó là không thỏa đáng'
Quyết định chuyển đổi công việc nhanh chóng của một bộ phận nhân sự Gen Z đến từ nhận thức tốt về giá trị bản thân, phúc lợi không xứng đáng và tình trạng thiếu sự ghi nhận.
Nhận định cho rằng Gen Z nhảy việc nhanh, thiếu tính gắn bó có thể tìm thấy ở nhiều diễn đàn, hội nhóm thảo luận trên mạng xã hội. Tuy nhiên, quan điểm này không thỏa đáng, vô hình trung phủ nhận công sức, sự nỗ lực của một bộ phận nhân sự trẻ có ý chí, thành tích tốt và phát triển nhanh.
Theo góc nhìn của tôi, người lao động Gen Z nhận thức tốt hơn về giá trị bản thân, quan tâm nhiều đến phúc lợi, mưu cầu thăng tiến nhanh, cần những công việc đem đến cơ hội phát triển trong thời gian ngắn. Họ thường đưa ra quyết định nghỉ việc khi doanh nghiệp không thể đáp ứng các nhu cầu trên.
Thế hệ đề cao bản thân, muốn thăng tiến nhanh
Với kinh nghiệm trong lĩnh vực nhân sự, tôi nhận định một số nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn đến quyết định nhảy việc của nhóm người lao động trẻ.
Về nguyên nhân chủ quan, tôi cho rằng mỗi thế hệ đều có những quan điểm, phương châm sống khác nhau. Khi còn trẻ, chúng ta thường đưa ra nhiều quyết định dựa trên cảm xúc thay vì lý trí. Đây là tình trạng chung đối với tất cả thế hệ, không chỉ xảy ra với riêng Gen Z.
Vì còn trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm, nhóm nhân sự này dễ dàng bị tác động bởi ngoại cảnh, thường lung lay trước nhiều luồng ý kiến.
Nhân sự sinh sau năm 1997 sinh ra và trưởng thành trong thời đại công nghệ số. Họ có cơ hội tiếp cận sớm với Internet, phương tiện truyền thông, các nền tảng số và mạng xã hội.
Trong thời đại thông tin nhanh, Gen Z dễ dàng bị ảnh hưởng bởi xu thế. Nhịp sống nhanh hơn là điều tất yếu đối với nhân sự thuộc thế hệ này.
Ngoài ra, Gen Z cũng có ý thức về bản thân tốt, đề cao giá trị cá nhân. Vì vậy, khi đối mặt với những khó khăn trong công việc, một số có xu hướng thể hiện ý kiến, quan điểm, mong muốn rõ ràng hơn thế hệ trước. Các hành động như nghỉ việc nhanh hoặc chống đối cũng có thể xảy ra.
Nhân sự thuộc thế hệ này cũng mưu cầu sự thăng tiến nhanh, do đó ưu tiên các công việc mang lại cơ hội học hỏi, phát triển kỹ năng trong thời gian ngắn. Khi công việc không đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng cá nhân, họ thường lựa chọn giải pháp nhảy việc.
Truyền thông cũng ảnh hưởng lớn đến quyết định nghỉ việc của Gen Z. Những nội dung đề cao lối sống YOLO (You only live once, tạm dịch: "Bạn chỉ sống một lần") tác động ít nhiều đến tâm lý, gây ra sự dao động ở nhân sự trẻ.
Việc tiếp thu thông tin từ các phương tiện truyền thông, hưởng ứng phương châm sống mới không sai. Tuy nhiên, trước khi ứng dụng vào đời sống cá nhân, Gen Z cũng cần tìm hiểu kỹ, sàng lọc thông tin, tiếp thu kiến thức phù hợp.
Vai trò của lãnh đạo, doanh nghiệp
Về các yếu tố khách quan, tôi nhận thấy nhiều nhân sự trẻ mong muốn được đồng hành, hướng dẫn, kèm cặp để phát triển. Họ thậm chí chấp nhận mức lương thấp, sẵn sàng làm nhiều việc hơn, muốn có cơ hội học hỏi quản lý, lãnh đạo tài năng.
Đây là một trong những cách giúp người lao động trẻ rút ngắn thời gian phát triển sự nghiệp. Song, nhiều quản lý chưa trang bị tốt kỹ tăng huấn luyện, hướng dẫn cấp dưới.
Tình trạng thiếu sự ghi nhận đúng thời điểm cũng là một trong những nguyên nhân khách quan dẫn đến quyết định nhảy việc của nhân sự trẻ. Hành động công nhận và khen thưởng không nhất thiết phải được thực hiện thông qua hình thức trao thưởng tiền mặt hay nâng cao phúc lợi.
Một lời khen ngợi, động viên đúng lúc góp phần thúc đẩy tinh thần làm việc của đội ngũ nhân sự. Đây được xem là điểm chạm cảm xúc mà nhiều quản lý, lãnh đạo bỏ qua, dẫn đến trạng thái thất vọng, chán nản, không thỏa mãn ở nhóm nhân sự Gen Z khao khát khẳng định bản thân.
Người lao động sinh sau năm 1997 cũng có cơ hội vươn ra thế giới thông qua Internet và trải nghiệm thực thế. Do đó, họ tất yếu có mong muốn đặt chân đến nhiều vùng đất, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau.
Cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân trở thành ưu tiên hàng đầu của nhóm nhân sự này. Đặc biệt, khi xu hướng làm việc từ xa trở nên thịnh hành sau đại dịch Covid-19, các công việc freelance ngày càng được ưa chuộng, giúp nhân sự có thể vừa di chuyển vừa có nguồn thu nhập ổn định.
Ngoài ra, môi trường không phù hợp, áp lực công việc cao hay phúc lợi không tương xứng với kỳ vọng cũng là những lý do dẫn đến quyết định nhảy việc của nhân sự trẻ.
Các startup ngày càng xuất hiện nhiều, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân sự nhanh chóng rời khỏi vị trí làm việc cũ. Nhiều người tìm được bến đỗ mới trước khi thỏa thuận, đàm phán với công ty cũ.
Doanh nghiệp ưu tiên giữ chân nhân sự Gen Z
Trong thị trường lao động hiện nay, nhu cầu tuyển dụng vẫn tương đối cao. Trên các hội nhóm, nền tảng tuyển dụng, những bài đăng chiêu mô nhân sự của các doanh nghiệp không còn được quan tâm nhiều.
Song, những bài viết giới thiệu bản thân, tìm kiếm cơ hội việc làm lại nhận được số lượng lớn tương tác. Bộ phận nhân sự của các công ty bước vào “cuộc chiến” tranh giành ứng viên.
Theo quan sát của tôi, đa số doanh nghiệp hiện nay liên tục thay đổi để thích ứng với nhóm nhân sự chủ lực Gen Z. Đây là lực lượng lao động nòng cốt ở thời điểm hiện tại và trong tương lai.
Vì thế, các công ty có xu hướng chú trọng giữ chân nhân sự thông qua các phương pháp gia tăng sự gắn bó như sau.
Xây dựng môi trường làm việc, văn hóa doanh nghiệp tốt.
Tập trung đào tạo và phát triển đội ngũ nhân sự nguồn.
Thiết kế lộ trình phát triển sự nghiệp lâu dài, cụ thể, cung cấp chế độ phúc lợi rõ ràng để thúc đẩy năng suất lao động
Bồi dưỡng kiến thức quản trị cho đội ngũ lãnh đạo. Đây là phương pháp giúp quản lý cấp trung và cấp cao xây dựng thương hiệu cá nhân, đồng thời gia tăng mong muốn gắn bó lâu dài với doanh nghiệp.