Chuyên gia Indonesia cảnh báo rủi ro tiềm ẩn sau thông báo thuế quan của Mỹ

Giám đốc Điều hành Celios Bhima Yudhistira Adhinegara cho rằng Indonesia cần cảnh giác với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ dự kiến tăng mạnh, chẳng hạn như dầu khí, sản phẩm điện tử, phụ tùng máy bay, ngũ cốc và lúa mì, dược phẩm sau tuyên bố của Tổng thống Trump.

Chuyên gia kinh tế Indonesia hôm nay (16/7) cho rằng, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Indonesia được hưởng lợi, nhưng cần thận trọng với cán cân thương mại sau thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump về mức thuế 19% đối với hàng xuất khẩu của Indonesia sang Mỹ, trong khi Indonesia sẽ gỡ bỏ toàn bộ hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ.

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto đến Washington DC đàm phán về thuế quan. (Ảnh: Antara)

Bộ trưởng Điều phối Kinh tế Indonesia Airlangga Hartarto đến Washington DC đàm phán về thuế quan. (Ảnh: Antara)

Theo thông báo, hàng hóa Indonesia nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu mức thuế 19%, thấp hơn nhiều so với mức 32% mà ông Trump từng thông báo trước đó. Indonesia đã cam kết mua 15 tỷ USD năng lượng của Mỹ, 4,5 tỷ USD nông sản của Mỹ và 50 máy bay Boeing, nhiều trong số đó là máy bay 777.

Tổng thống Trump cũng thông báo Indonesia sẽ gỡ bỏ toàn bộ hàng rào thuế quan và phi thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, trong khi hàng hóa trung chuyển từ một quốc gia có mức thuế cao hơn, nhưng mức thuế đó sẽ được cộng vào mức thuế mà Indonesia phải trả.

Theo một chuyên gia kinh tế tại Viện nghiên cứu Celios, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Indonesia như giày dép, quần áo may sẵn, cao su và dầu cọ thô (CPO), được hưởng lợi từ mức thuế nhập khẩu 19% đối với Mỹ mà Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố.

Tuy nhiên, theo Giám đốc Điều hành Celios Bhima Yudhistira Adhinegara, Indonesia cũng cần cảnh giác với các mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ dự kiến tăng mạnh, chẳng hạn như dầu khí, sản phẩm điện tử, phụ tùng máy bay, ngũ cốc và lúa mì, dược phẩm sau tuyên bố của Tổng thống Trump rằng nước này sẽ được hưởng mức thuế 0% đối với Indonesia.

Ông Bhima nhấn mạnh, mức thuế 19% đối với hàng xuất khẩu của Indonesia sang Mỹ, trong khi Mỹ có thể được hưởng mức thuế 0%, thực sự tiềm ẩn rủi ro cao. Theo ông Bhima, các ngành dầu khí, điện tử, phụ tùng máy bay, ngũ cốc và lúa mì, dược phẩm ghi nhận giá trị nhập khẩu cao trong năm 2024. Do đó, cần theo dõi tác động của việc tăng nhập khẩu lên cán cân thương mại.

Theo ghi nhận, trong suốt năm 2024, tổng kim ngạch nhập khẩu của 5 loại sản phẩm này đạt 5,37 tỷ USD, tương đương 87,3 nghìn tỷ Rupiah. Mỹ sẽ được hưởng lợi đáng kể từ việc xuất khẩu lúa mì sang Indonesia nhờ mức thuế suất 0%. Điều này cũng đòi hỏi sự cảnh giác, vì chính phủ đã đặt mục tiêu tự cung tự cấp lương thực thông qua việc trao quyền cho nông dân và nhà sản xuất thực phẩm địa phương. Người tiêu dùng có thể vui mừng khi giá mì ăn liền và bánh mì giảm, nhưng các nhà sản xuất thực phẩm địa phương sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực. Hơn nữa, ông đánh giá rằng thuế quan đối với các sản phẩm của Indonesia sang Mỹ lý tưởng nhất là có thể được giảm thêm.

Trước khi rời Nhà Trắng để phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh ở Pittsburgh, Tổng thống Trump cho rằng, Indonesia nổi tiếng với đồng chất lượng cao và Mỹ sẽ sử dụng đồng. Điều này có thể đồng nghĩa với việc đồng của Indonesia có thể được hưởng mức thuế thấp hơn, hoặc thậm chí không phải chịu thuế, nếu Tổng thống Trump thực hiện cảnh báo áp thuế 50% đối với tất cả đồng nhập khẩu vào ngày 1 tháng 8.

Hiện chưa có quan chức đại diện chính phủ nào của Indonesia có phản hồi về thông báo thuế quan mới nhất của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Cựu Thứ trưởng Ngoại giao Indonesia Dino Patti Djalal phát biểu tại một sự kiện của Foreign Policy hôm qua cho biết những người trong chính quyền cho biết họ hài lòng với thỏa thuận mới.

Indonesia là đối tác thương mại lớn thứ 23 của Mỹ. Mỹ đã nhập khẩu 28 tỷ USD hàng hóa từ quốc gia này vào năm 2024. Quần áo và giày dép là hai mặt hàng được người Mỹ mua nhiều nhất. Trong khi đó, Mỹ đã xuất khẩu 10 tỷ USD hàng hóa sang quốc gia này vào năm 2024. Hạt có dầu, ngũ cốc và dầu khí là hai mặt hàng xuất khẩu hàng đầu.

Phạm Hà/VOV-Jakarta

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/chuyen-gia-indonesia-canh-bao-rui-ro-tiem-an-sau-thong-bao-thue-quan-cua-my-post1215189.vov