Chuyên gia khí tượng Trung Quốc và Nhật Bản đánh giá cơn bão số 3 ra sao?

Các trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 3 tiếp tục duy trì cấp siêu bão cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam. Sau đó, bão số 3 di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ còn mạnh cấp 13-14, giật cấp 16; khi ảnh hưởng đất liền cường độ có khả năng còn mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14.

Chiều 5/9, Cơ quan khí tượng thủy văn Quốc gia đã đưa ra nhận định sơ bộ về bão số 3, theo đó bắt đầu từ tối 1/9, bão Yagi hình thành trên vùng biển ngoài khơi miền Trung Philippin. Sáng 2/9, bão Yagi vượt qua khu vực phía Bắc đảo Lu-Dông (Philippin) đi vào khu vực phía Đông của Biển Đông trở thành cơn bão số 3 trong năm 2024.

Hiện nay (chiều 5/9), bão đang ở trên khu vực phía Bắc của khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 500km về phía Đông. Cường độ bão mạnh cấp 16 (cấp siêu bão), giật trên cấp 17.

 Hình ảnh cơn bão nhìn từ vệ tinh chiều nay.

Hình ảnh cơn bão nhìn từ vệ tinh chiều nay.

Đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh cấp 8 có bán kính khoảng 250km, vùng có gió mạnh cấp 10 khoảng 150km, vùng có gió mạnh cấp 12 khoảng 80km xung quanh tâm bão.

Các trung tâm dự báo bão quốc tế đều có chung nhận định bão số 3 tiếp tục duy trì cấp siêu bão (từ cấp 16 trở lên) cho đến khi vào đến vùng ven biển phía Đông đảo Hải Nam. Sau đó, bão số 3 di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ còn mạnh cấp 13-14, giật cấp 16, khi ảnh hưởng đất liền cường độ có khả năng còn mạnh cấp 9-12, giật cấp 13-14.

Bão số 3 nhận được sự theo dõi cũng như quan tâm của nhiều đài khí tượng thủy văn của nhiều quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Vương Quốc Anh.

Sau khi Việt Nam trao đổi nghiệp vụ giữa các cơ quan khí tượng thủy văn trong khu vực, phía các chuyên gia dự báo của cơ quan Khí tượng Trung Quốc đánh giá Bão Yagi đạt cấp siêu bão và sẽ đi qua khu vực giữa đảo Hải Nam và bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), vào vịnh Bắc Bộ trong sáng 7/9. Bão sẽ gây mưa to và gió mạnh cho khu vực vịnh Bắc Bộ, khoảng 250-300mm và gió vùng ven biển có thể đạt cấp 10-13).

Còn đối với ý kiến chuyên gia dự báo Nhật Bản đánh giá bão Yagi dự kiến sẽ có cường độ gió cuối cấp 12 (70kts) ngay trước khi đổ bộ vào gần Việt Nam, sau đó tốc độ gió dự kiến sẽ giảm nhanh sau khi đổ bộ. Mặc dù tốc độ gió bão được dự báo sẽ giảm nhanh sau đổ bộ nhưng hoàn lưu bão số 3 có thể gây mưa rất lớn trên diên rộng, ngay cả khi tâm bão không đổ bộ vào Việt Nam.

Sau đó, bão số 3 sẽ duy trì cấp 16, giật trên cấp 17 cho đến khi di chuyển vào vùng biển phía Đông của đảo Hải Nam. Dự báo khoảng đêm ngày 6/9, bão sẽ vượt qua khu vực phía Bắc đảo Hải Nam di chuyển vào Vịnh Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng trực tiếp đến toàn bộ các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa; khoảng chiều và đêm ngày 7/9 bão di chuyển vào đất liền các tỉnh Bắc Bộ, sau đó di chuyển sang phía Tây Bắc Bộ, suy yếu thành vùng áp thấp và tan dần.

Do tác động của bão, từ gần sáng ngày 7/9, vùng ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão (Quảng Ninh, Tp. Hải Phòng, Thái Bình, Bắc Nam Định) cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11.

 Mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất (ảnh minh họa).

Mưa lớn gây ngập lụt, sạt lở đất (ảnh minh họa).

Từ đêm 6/9 đến sáng 9/9, ở khu vực các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Giang, Phú Thọ, Hòa Bình, khu vực đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có Thủ đô Hà Nội) và Thanh Hóa có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 150-350mm, cục bộ có nơi trên 500mm. Các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ phổ biến 100-150mm.

Từ chiều 7/9 đến hết ngày 8/9 trên khu vực phía Tây Bắc Bộ có mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 100-200mm. Riêng các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Sơn La 150-250mm, cục bộ có nơi trên 350mm.

Cơ quan khí tượng cũng đưa ra trường hợp nếu lưỡi áp cao cận nhiệt đới rút nhanh ra phía Đông (trường hợp này có xác suất 20%), Bão số 3 sẽ di chuyển lệch nhiều lên phía Bắc, đi qua khu vực đảo Lôi Châu, ảnh hưởng khu vực tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), tại Việt Nam khu vực chịu tác động chính sẽ là vùng biển vịnh Bắc Bộ, đất liền sẽ là các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng. Các tác động về mưa, gió sẽ giảm đi đáng kể.

Dự báo từ nay đến hết năm 2024 còn khoảng 6-8 cơn bão/áp thấp nhiệt đới; trong đó có khoảng 3-4 cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền (không kể cơn số 3)

Với kịch bản ảnh hưởng của La Nina năm nay nguy cơ xảy ra bão và mưa lớn dồn dập tại khu vực Miền Trung trong các tháng cuối năm 2024. Có khả năng tháng 1/2025 vẫn còn xuất hiện xoáy thuận nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông.

Quang Hùng

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-gia-khi-tuong-trung-quoc-va-nhat-ban-danh-gia-con-bao-so-3-ra-sao-post310744.html