Chuyên gia kinh tế gợi ý mua sắm xe công vụ là xe điện nội địa

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, để thúc đẩy thị trường xe xanh phát triển, Chính phủ phải tiến hành nhiều giải pháp tổng thể, bao gồm cả ưu tiên mua sắm công bằng xe điện.

Chia sẻ tại Hội thảo "Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến" diễn ra vào ngày 29/8, TS. Lê Xuân Nghĩa - Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, Viện trưởng Viện tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) cho biết năng lượng pin, gắn với xu hướng sử dụng xe điện là nguồn năng lượng hiện nay đang được phát triển rất mạnh và có thị phần rất lớn ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc.

Ưu điểm của xe điện là nhẹ, có thể lưu thông trên những con đường ngắn và dài, có thể bố trí các trạm sạc hoặc thay pin lưu động. Tuy nhiên, nhược điểm lớn nhất của loại năng lượng này là xử lý pin phế liệu có thể gây ô nhiễm môi trường lớn và hiện nay nhiều nước đang nghiên cứu công nghệ tạo ra pin xe điện có độ bền rất cao có thể lên tới 20-30 năm.

Vì vậy, xe điện cũng là một loại phương tiện giảm phát thải khí nhà kính đầy triển vọng trong những thập kỷ tới.

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa (Ảnh: BTC).

Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa (Ảnh: BTC).

Đối với thị trường trong nước, TS. Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh Việt Nam có một thị trường lớn để có thể phát triển ô tô điện và xe máy điện đồng thời cũng có nguồn tài nguyên đất hiếm để sản xuất pin.

Tuy nhiên, Nhà nước và doanh nghiệp cần phải có chính sách và chiến lược phát triển dài hạn để làm giảm phát thải khí nhà kính, vừa phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo hùng mạnh, ứng dụng được cho cả tiêu dùng vận tải, vận chuyển và quốc phòng.

Để phát triển được thị trường xe điện, ông Nghĩa cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn, cần phải có khối lượng tín dụng lên đến hàng trăm triệu đô la Mỹ thậm chí hàng tỷ đô la Mỹ với lãi vay thấp và kỳ hạn vay dài cho một lần đầu tư. Đây có thể coi là một trong những thách thức lớn của các doanh nghiệp ô tô ở Việt Nam.

"Hệ thống ngân hàng Việt Nam được phân hóa lớn với phần lớn là ngân hàng nhỏ cạnh tranh nhau khốc liệt và dựa trên nền tảng cho vay bất động sản hoặc thế chấp bằng tài sản là bất động sản.

Tình hình này đã đẩy mặt bằng lãi suất lên cao mà các ngành công nghiệp khác, đặc biệt là công nghiệp cơ khí chế tạo hiện nay không thể phát triển được cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Đặc biệt là công nghệ liên quan đến công nghiệp cơ khí chế tạo trong đó có cả công nghệ phát triển ô tô điện và các hạng mục khác có liên quan đến giảm phát thải khí nhà kính", TS. Lê Xuân Nghĩa giải thích thêm.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, ở một số nước trong giai đoạn đầu phát triển công nghiệp ô tô thường duy trì hệ thống ngân hàng lớn đủ tiềm lực tài chính tài trợ cho phát triển công nghiệp nặng hoặc Chính phủ bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay bên ngoài để phát triển ngành công nghiệp này. Do đó, Việt Nam có thể coi đây là một kinh nghiệm tốt, có thể nghiên cứu để vận dụng, phù hợp với điều kiện của đất nước.

Chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng phải có sự "đỡ đầu" của Nhà nước đối với ngành công nghiệp ô tô nội địa bởi việc mở cửa thị trường ngành công nghiệp ô tô hoàn toàn như hiện nay cũng là một trở ngại lớn cho sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô nội địa.

"Mở cửa tất nhiên đây là yêu cầu của toàn cầu hóa, tuy nhiên, kinh nghiệm của một số nước cho thấy, vẫn có những chính sách hỗ trợ của các Chính phủ mà không làm ảnh hưởng đến môi trường cạnh tranh ví dụ như tài trợ thông qua giá đất, mua sắm công như xe công vụ phải là xe điện nội địa hoặc khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xe điện nội địa, hoặc là sản phẩm của ngành công nghiệp nội địa nói chung.

Tấm gương lớn về phương diện này là Hàn Quốc nên đã hình thành một thói quen tiêu dùng hỗ trợ doanh nghiệp nội địa không chỉ trong công nghiệp ô tô mà còn nhiều ngành khác", ông Nghĩa nói.

Lô xe điện được Bộ Công an sử dụng làm xe chỉ huy chiến đấu và phục vụ các sự kiện quan trọng.

Lô xe điện được Bộ Công an sử dụng làm xe chỉ huy chiến đấu và phục vụ các sự kiện quan trọng.

Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cho rằng cần phát triển hệ thống giao thông ô tô công cộng chạy bằng nhiên liệu ít phát thải khí nhà kính hoặc là điện như Thái Lan hay một số quốc gia khác đang thực hiện chạy bằng ga, hoặc khí hóa lỏng. Nhà nước tài trợ giá vé để khuyến khích người tiêu dùng sử dụng loại phương tiện này.

Ngoài ra, có thể thực hiện một số chính sách khác như thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, phí cầu đường, cơ sở hạ tầng cho các trạm sạc điện để đảm bảo doanh nghiệp có thể phát triển trạm sạc ở nhiều nơi với địa điểm thuận tiện cùng chi phí thấp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô điện giảm thiểu được chi phí trạm sạc, duy tu, bảo trì sửa chữa pin…

Lê Mạnh Quốc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/chuyen-gia-kinh-te-goi-y-mua-sam-xe-cong-vu-la-xe-dien-noi-dia-204240829162404911.htm