Chuyên gia lo ngại vị thế TPHCM 'xói mòn', đứng trước nhiều thách thức
Chuyên gia Vũ Thành Tự Anh cho rằng, cấu trúc kinh tế TPHCM hiện có sự suy giảm về sản xuất công nghiệp, khi chỉ chiếm khoảng 24% trong GRDP. Điều này, theo ông, thành phố có dấu hiệu 'giải công nghiệp hóa sớm' và làm cho tốc độ tăng trưởng chậm đi.
Tại hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) TPHCM giai đoạn 2026-2030, do UBND TPHCM tổ chức ngày 24/8, TS Vũ Thành Tự Anh – Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright cho rằng, so với các địa phương khác trong nước và một số đô thị lớn của khu vực Đông Nam Á, vị thế của TPHCM đang bị xói mòn và đứng trước nhiều thách thức. Thành phố có sự suy giảm trong tỷ lệ đóng góp cho tổng sản phẩm cả nước (GDP), cho ngân sách cũng như tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu.
“TPHCM nói riêng và vùng Đông Nam bộ nói chung đang có sự suy giảm về tầm quan trọng, vị thế và khả năng cạnh tranh so với vùng Đồng bằng sông Hồng”, ông Tự Anh nhìn nhận và cho rằng thành phố cần đặt mục tiêu khôi phục lại vị thế của mình trong kế hoạch phát triển giai đoạn 2026-2030.
Vị chuyên gia cũng cho rằng, cấu trúc kinh tế TPHCM hiện có sự suy giảm về sản xuất công nghiệp, khi chỉ chiếm khoảng 24% trong GRDP. Điều này, theo ông, thành phố có dấu hiệu “giải công nghiệp hóa sớm” và làm cho tốc độ tăng trưởng chậm đi.
TS Vũ Thành Tự Anh nêu rõ, mục tiêu của TPHCM là giúp Việt Nam vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình và duy trì tốc độ tăng trưởng từ 9-9,5% trong giai đoạn 2021-2030 thì công nghiệp phải là mặt trận hàng đầu, nhất là trong giai đoạn tăng tốc, tăng trưởng.
“Trong khi đó, dịch vụ – thương mại hiện nay của thành phố cũng chưa thể đủ vững chắc đưa thành phố đi đến giai đoạn phát triển mới để đạt mức độ tăng trưởng trung bình 9-9,5%”, ông Anh nói và nhấn mạnh không thể bỏ công nghiệp, vấn đề là “công nghiệp nào” và thực hiện nó ra sao.
Đổi mới tư duy, giải bài toán ngược
TS Trần Du Lịch – Chủ tịch Hội đồng Tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 của Quốc hội – nhấn mạnh cần lấy mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo tinh thần Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị để lý giải bài toán phát triển TPHCM trong giai đoạn 2026-2030 với 3 yếu tố là “tận dụng thời cơ - khai thác nguồn lực - tăng trưởng nhanh, bền vững”.
Theo ông Lịch, phải tiếp cận theo bài toán ngược để định hình chính sách và giải pháp phát triển với quyết tâm chính trị cao nhất, để vừa giải quyết có hiệu quả những vấn đề đang tồn tại, vừa tạo nền tảng cho việc xây dựng thành phố toàn cầu, ngang tầm với các đô thị lớn trên thế giới.
Cũng theo vị chuyên gia, trong 5 năm tới, TPHCM cần tập trung chỉnh trang và phát triển đô thị. Thành phố cần tập trung xử lý toàn bộ nhà ở trên và ven kênh rạch, chỉnh trang các khu dân cư ở các con hẻm sâu thiếu an toàn cùng các không gian sống. Cùng với đó là triển khai cơ chế đặc thù để xây dựng hoàn thiện hệ thống đường sắt theo kế hoạch đề ra đến năm 2035. “Để đạt mục tiêu tăng trưởng đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, TPHCM phải đổi mới tư duy, giải bài toán ngược với cơ chế khác và cách làm khác”, TS Lịch lưu ý.
Ông Phạm Phú Trường - Phó Chủ tịch Công ty Tư vấn hội nhập toàn cầu (GIBC) cho biết, khối doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ lệ lớn ở nhóm các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) còn là điểm nghẽn lớn trong phát triển KT - XH của thành phố trong tương lai.
“TPHCM cần xem xét đưa nhóm SME này thành một chủ thể quan trọng trong phát triển KT - XH trong giai đoạn tới với những chiến lược, kế hoạch triển khai cụ thể, đặc biệt chú trọng đến chất lượng doanh nghiệp”, ông Trường góp ý kiến.
Tại hội thảo, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết quy hoạch KT - XH đề ra từ nay đến năm 2030 thành phố tăng trưởng 8,5-9%. Theo đó, giai đoạn 2026-2030, thành phố cần khoảng 4,4 triệu tỷ đồng vốn đầu tư. Chia ra 5 năm, mỗi năm TPHCM cần khoảng 900.000 tỷ đồng.
Ông Mãi tính toán, kỳ trung hạn 2026-2030 tổng nhu cầu vốn đầu tư công khoảng 1,1 triệu tỷ đồng, chiếm 22,5% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.