Chuyên gia lý giải hiện tượng sương mù trắng xóa tại Hà Nội

Theo ông Hoàng Phúc Lâm, tình trạng sương mù dầy và mưa phùn sẽ còn có khả năng kéo dài đến khoảng sáng ngày 4/2, từ ngày ngày 5/2 sương mù và mưa phùn sẽ có xu hướng giảm do có một bộ phận không khí lạnh yếu di chuyển xuống các tỉnh miền Bắc nước ta.

Sáng nay (2/2), đúng ngày ông Công ông Táo, Thủ đô Hà Nội chìm trong màn sương mù dày đặc, tầm nhìn rất hạn chế. Cả thành phố như bị “nuốt chửng” trong màn sương dày đặc khiến nhiều người ví von Hà Nội như Sa Pa, Tam Đảo… Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn đã có những lý giải về hiện tượng này.

Hà Nội đang trải qua đợt sương mù dày đặc những ngày cuối năm.

Hà Nội đang trải qua đợt sương mù dày đặc những ngày cuối năm.

PV: Thưa ông, xin ông cho biết nguyên nhân gây hiện tượng sương mù dày đặc, trắng xóa ở Hà Nội và các tỉnh miền Bắc hôm nay?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Sương mù là hiện tượng hơi nước ngưng tụ thành các hạt nhỏ li ti trong lớp không khí sát mặt đất, làm giảm tầm nhìn ngang xuống dưới 1km, sương mù dày đặc có thể làm giảm tầm nhìn xuống dưới 50m.

Nguyên nhân gây sương mù là do: Độ ẩm không khí lớn, trong những ngày vừa qua không khí ẩm từ Vịnh Bắc Bộ theo đới gió Đông Nam ở rìa phía Tây Nam lưỡi áp cao lạnh lục địa suy yếu lệch Đông. Bên cạnh đó, không khí lạnh liên tục bổ sung nhưng chỉ ở lớp mỏng sát bề mặt, khiến cho nhiệt độ bề mặt thấp hơn so với nhiệt độ ở khoảng độ cao 900m, tạo ra lớp nghịch nhiệt, khiến không khí, bụi bẩn, hơi ẩm bị dồn nén ở lớp sát mặt đất gây ra hiện tượng mưa phùn, sương mù và ô nhiễm không khí. Ngoài ra, lặng gió khiến cho không khí ít bị xáo trộn, tập trung ở bề mặt.

Sương mù ở nước ta thường xảy ra thường xuyên vào các tháng từ cuối mùa Thu đến cuối mùa Xuân, nhiều và mạnh nhất vào các tháng mùa Đông.

Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

Ông Hoàng Phúc Lâm - Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia, Tổng cục Khí tượng Thủy văn.

PV: Dự báo tình trạng sương mù đặc quánh này kéo dài đến bao giờ thưa ông?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Theo dự báo của chúng tôi, tình trạng sương mù dầy và mưa phùn sẽ còn có khả năng kéo dài đến khoảng sáng ngày 4/2, từ ngày ngày 5/2 sương mù và mưa phùn sẽ có xu hướng giảm do có một bộ phận không khí lạnh yếu di chuyển xuống các tỉnh miền Bắc nước ta.

PV: Dự báo thời tiết từ nay đến Tết Nguyên đán như thế nào thưa ông?

Ông Hoàng Phúc Lâm: Từ hôm qua (1/2), Trung tâm đã ra bản tin dự báo phục vụ dịp Tét nguyên đán Giáp Thìn, thông tin được đăng tải trên các website và cập nhật hàng ngày lúc 16h30 phút.

Theo dự báo hiện tại, ở các tỉnh miền Bắc từ nay đến ngày 7/2 thời tiết chủ đạo vào là mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù và đêm và sáng, trưa chiều trời có nắng, riêng khu vực Đồng Bằng và Hà Nội khả năng xuất hiện nắng là không cao. Các tỉnh miền Trung và Miền Nam duy trì trang thái thời tiết tốt.

Từ ngày 8-9/2 (từ 29 tháng Chạp): khả năng không khí lạnh sẽ được tăng cường kết thúc mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù ở các tỉnh miền Bắc nhưng sẽ khiến những ngày tết Nguyên Đán trời sẽ chuyển rét, vùng núi rét đậm, có nơi rét hại. Các tỉnh miền Trung khả năng xuất hiện mưa tập trung ở khu vực Trung Trung Bộ là chính. Thời tiết tại các tỉnh miền Nam là nơi có thời tiết nắng mạnh trong những ngày tết Nguyên Đán, rất ít khả năng xuất hiện mưa, ban ngày trời nắng nhất là khu vực Nam Bộ có nơi xuất hiện nắng nóng trên 35 độ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hoàng Lâm/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/chuyen-gia-ly-giai-hien-tuong-suong-mu-trang-xoa-tai-ha-noi-post1075252.vov