Chuyên gia lý giải vì sao thời tiết nóng nực, ngột ngạt dù nhiệt độ không quá cao

Khí áp khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình giảm thấp khiến trời nắng nóng càng trở nên ngột ngạt hơn, con người cảm thấy nóng nực hơn.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 12/6, ở khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình có nắng nóng, có nơi nắng nóng gay gắt với nhiệt độ 13h phổ biến 35-36 độ, có nơi trên 36 độ như: TP.Hòa Bình 37.6 độ, Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) 36.4 độ, Láng (Hà Nội) 37.2 độ, Phủ Lý (Hà Nam) 37.7 độ, Nho Quan (Ninh Bình) 36.9 độ…; khu vực Trung Bộ có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ 13h phổ biến 36-37 độ, có nơi trên 37 độ như: Tĩnh Gia (Thanh Hóa) 37.2 độ, Tp.Hà Tĩnh 37.4 độ, Tuyên Hóa (Quảng Bình) 37.6 độ, Tam Kỳ (Quảng Nam) 37.5 độ, Hoài Nhơn (Bình Định) 38.2 độ,… độ ẩm 13h phổ biến 55-60%.

Theo thống kê lúc 13h trưa nay, có đến 22 điểm đo có mức nhiệt trên 37 độ C gồm trạm Láng ở Hà Nội 37.2 độ C, Lạc Sơn ở Hòa Bình 37.6 độ C, Phủ Lý ở Hà Nam 37.7 độ C, Tĩnh Gia ở Thanh Hóa 37.2 độ C, Đô Lương ở Nghệ An 38.1 độ C, Tương Dương ở Nghệ An 37.3 độ C...

Dù nhiệt không quá cao song nhiều tỉnh thành miền Bắc rất oi bức do khí áp xuống thấp.

Dù nhiệt không quá cao song nhiều tỉnh thành miền Bắc rất oi bức do khí áp xuống thấp.

Ngày 14/6, khu vực trung du, đồng bằng Bắc Bộ, phía Nam Sơn La và Hòa Bình có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 35-38 độ, có nơi trên 38 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-60%. Từ ngày 15/6 nắng nóng có xu hướng dịu dần.

Ngày 14-15/6, khu vực từ Thanh Hóa đến Bình Thuận có nắng nóng và nắng nóng gay gắt, có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 36-39 độ, có nơi trên 39 độ; độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến 50-55%.

Dự báo chi tiết:

TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai cho biết, dù nhiệt độ không quá cao nhưng cảm giác oi bức rất khó chịu. Khí áp khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận như Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Bình giảm xuống mức 998hPa và 998hPa (So với khí áp thông thường và tốt cho sức khỏe là từ 9007-1013hPa). Sự giảm áp suất khí quyển (khí áp) sẽ khiến trời nắng nóng càng trở nên ngột ngạt hơn và mọi người sẽ cảm thấy nóng nực hơn.

"Giai đoạn này cũng là giai đoạn gần Hạ Chí nên thời gian chiếu sáng của mặt trời dài nhất trong năm. Chính vì vậy những người già, trẻ em và người nhạy cảm với các yếu tố thời tiết hạn chế ra ngoài trời nắng.

Mọi người sử dụng các thiết bị điện phù hợp để tránh quá tải hệ thống điện. Không nên bật điều hòa lạnh thấp hơn 26 độ, Nên sử dụng chung 1 điều hòa cho cả nhà trong giờ cao điểm. Hạn chế sử dụng đồng thời nhiều thiết bị điện trong giờ cao điểm", TS Nguyễn Ngọc Huy khuyên.

Nắng nóng ở khu vực Trung Bộ có khả năng kéo dài trong nhiều ngày tới. Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp nên có nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

Lưu ý, nhiệt độ dự báo trong các bản tin nắng nóng và nhiệt độ cảm nhận thực tế ngoài trời có thể chênh lệch từ 2-4 độ, thậm chí có thể cao hơn phụ thuộc vào các điều kiện mặt đệm như bê tông, đường nhựa.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gia-ly-giai-vi-sao-thoi-tiet-nong-nuc-ngot-ngat-du-nhiet-do-khong-qua-cao-169240613153511079.htm