Chuyên gia Mỹ: Lực lượng phòng không Ukraine đã 'đuối sức'
Cựu nhân viên Lầu Năm Góc Stephen Bryan cho rằng, lực lượng phòng không của Ukraine đã bị phá hủy, ngay cả khi hệ thống HAWK được khôi phục, cũng sẽ không đủ để bảo vệ các mục tiêu quan trọng của Ukraine.
Ukraine cần tăng cường vũ khí phòng không hơn lúc nào hết
Lực lượng Vũ trang Ukraine thừa nhận, họ đang rất cần tăng cường khả năng phòng không vào lúc này.
Hầu hết các hệ thống phòng không công nghệ cao được cung cấp trước đây từ Mỹ và châu Âu cho Ukraine đều đã bị phá hủy hoặc đã cạn nguồn cung đạn tên lửa. Cựu nhân viên Lầu Năm Góc Stephen Bryan đã viết về vấn đề này.
Hiện tại, NATO đang ráo riết tìm kiếm tên lửa và linh kiện dự phòng cho hệ thống phòng không Patriot. Giống như các nước châu Âu khác, Đức thông báo không còn tên lửa đánh chặn nào ở Ukraine dành cho tổ hợp Patriot.
Trong khi đó, Na Uy hứa với Kiev về tên lửa NASAMS mới. Tuy nhiên trước đó, phương Tây đã chuyển toàn bộ kho tên lửa IRIS-T của mình (về nguyên lý cấu tạo giống NASAMS) cho Ukraine và những tên lửa mới sẽ không xuất hiện cho đến năm 2025.
Và giờ đây, Mỹ tuyên bố sẽ cung cấp 138 triệu USD “hỗ trợ khẩn cấp” để sửa chữa các hệ thống phòng không HAWK trước đây đã được chuyển giao cho Ukraine.
Trước đó, Ukraine yêu cầu cung cấp cho họ các hệ thống phòng không HAWK hiện đại hóa. Mỹ đã đề nghị Đài Loan và Israel chuyển giao hệ thống tên lửa phòng không I-HAWK (HAWK cải tiến) cho Kiev.
Được biết, Đài Loan đã quyết định loại khỏi biên chế những hệ thống phòng không HAWK của họ. Israel tuyên bố rằng, HAWK của họ đang ở tình trạng kỹ thuật rất kém và “không thể sử dụng”.
Vào tháng 1 năm nay, Tây Ban Nha cung cấp cho Ukraine một tiểu đoàn và sau đó đồng ý cung cấp thêm một tiểu đoàn tên lửa HAWKS nữa.
Từ tất cả những điều trên có thể thấy rằng HAWKS có nguồn gốc từ Tây Ban Nha được đưa đến Ukraine đã bị hỏng, hoặc hầu hết chúng không thể hoạt động? Nếu không, Bộ Ngoại giao Mỹ đã không kêu gọi bán phụ tùng, linh kiện và tên lửa “khẩn cấp” cho Ukraine.
HAWK có thể giúp được gì cho Ukraine trong lúc “bĩ cực” này?
HAWK là hệ thống phòng không “bán cơ động”, được Mỹ phát triển từ thập niên 50 của thế kỷ trước. HAWK ban đầu sử dụng linh kiện điện tử đèn chân không và máy tính analog, nhưng phiên bản HAWK nâng cấp hiện nay được trang bị máy tính kỹ thuật số và một phần radar kỹ thuật số.
Hệ thống phòng không HAWK sử dụng 3 loại radar: một radar để trinh sát phát hiện mục tiêu, một radar để khóa mục tiêu và dẫn bắn cho tên lửa (radar điều khiển hỏa lực) và một radar bán chủ động trên đầu đạn tên lửa, để nhận nguồn radar chiếu xạ từ radar dẫn bắn, nhằm lái đạn đến mục tiêu.
Tên lửa đánh chặn HAWK sử dụng đầu đạn phân mảnh có sức công phá cao; tên lửa sử dụng ngòi nổ vô tuyến và chạm nổ.
Quân đội Mỹ đã loại khỏi biên chế hệ thống phòng không I-HAWK cuối cùng vào năm 2003 và đơn vị cuối cùng sử dụng loại tên lửa này là lực lượng Thủy quân lục chiến.
Đài Loan đã ngừng sử dụng hệ thống HAWK cách đây vài năm, thay thế bằng hệ thống phòng không Sky Bow III (Thiên Cung III) do Đài Loan tự phát triển. Còn Israel thay thế HAWK bằng hệ thống phòng không David's Sling do Israel và Mỹ hợp tác sản xuất.
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố, các hệ thống HAWK ở Ukraine đang cần được sửa chữa và hiện đại hóa khẩn cấp; cho rằng, các bộ phận và tên lửa dự phòng có thể được lấy từ các kho hàng ở Mỹ hoặc nước ngoài.
Nhiều linh kiện bán dẫn điện tử trong hệ thống phòng không HAWK được sản xuất vào những năm 1980, có nghĩa là hầu hết các mạch tích hợp tầm trung (MIC) đã ngừng sản xuất từ lâu, nên khó có nhà sản xuất linh kiện điện tử nào đồng ý sản xuất một số bộ phận riêng lẻ như vậy.
Do đó, máy tính, hệ thống dẫn đường, hệ thống điều khiển hỏa lực, radar và thiết bị điện tử của hệ thống phòng không HAWK rất khó có thể sửa chữa và khôi phục trong thời gian ngắn. Chủ yếu là do linh kiện và phụ tùng các hệ thống phòng không này hiện không còn nhiều; nếu sản xuất đơn lẻ, giá thành sẽ rất cao.
Khả năng chiến đấu thực tế của hệ thống HAWK như thế nào?
Trên thực tế, Mỹ chưa bao giờ sử dụng hệ thống phòng không HAWK hoặc I-HAWK mà họ chế tạo trong chiến đấu thực sự. Tuy nhiên, các đồng minh chủ chốt và bạn bè của Washington đều đã sử dụng chúng.
Ngay cả Iran, quốc gia sở hữu HAWK (Tehran đã nhận được các hệ thống này trước cuộc cách mạng năm 1979) và chế tạo phiên bản Mersad của riêng mình, cũng đã sử dụng. Kuwait cũng sử dụng chúng để chống lại Iraq, nhưng các hệ thống phòng không HAWK của Kuwait đã bị Iraq phá hủy hoặc chiếm giữ. Israel cũng đã sử dụng hệ thống HAWK trong chiến đấu.
Hiện chưa rõ HAWK có thể chống lại các mục tiêu hiện đại hiệu quả đến mức nào. Lầu Năm Góc lập luận rằng, hệ thống HAWK là cần thiết để chống lại các mục tiêu bay thấp của Nga như máy bay không người lái tự sát tầm xa Geran-2.
Mặc dù radar HAWK đã được nâng cấp để có thể chống lại tác chiến điện tử của đối phương và có thể phát hiện được UAV tự sát hoặc tên lửa hành trình bay thấp, nhưng không ai có thể khẳng định, liệu hệ thống này có thể phát hiện và theo dõi chính xác các UAV hay tên lửa hành trình được làm bằng vật liệu composite hay không?
Ngoài những thách thức với các mối đe dọa đơn lẻ, khả năng của hệ thống phòng không HAWK trong việc chống UAV tấn công theo bầy đàn hoặc các mối đe dọa hỗn hợp, như các cuộc tấn công kết hợp từ UAV, tên lửa hành trình, bom lượn và tên lửa siêu tốc… hiện vẫn chưa rõ ràng?
Trong chiến đấu, khi phóng hai tên lửa vào một mục tiêu (phóng kép), khả năng sát thương của tên lửa HAWK đối với máy bay được cho là khoảng 85%. Tuy nhiên, HAWK liệu có thể chống lại tên lửa đạn đạo chiến thuật, UAV bay thấp hay không, thì cũng chưa có ai dám khẳng định.
Tầm bắn hiệu quả tối đa của tên lửa HAWK nâng cấp dao động từ 45 đến 50 km, như vậy chúng được xếp vào loại hệ thống tên lửa phòng không “tầm trung”.
Trong khi đó, tầm bay của bom dẫn đường UMPC của Nga là khoảng 40 km, vì vậy nếu Ukraine mạo hiểm bố trí chúng sát khu vực chiến tuyến, hy vọng có thể đánh chặn được một số máy bay thả bom lượn có điều khiển của Nga.
Nhưng nếu Ukraine mạo hiểm như vậy, thì các hệ thống HAWK có thể biến thành mục tiêu dễ dàng của các loại đạn pháo dẫn đường hay UAV tự sát lảng vảng Lancet của Nga. Nên nhớ là khả năng cơ động của các hệ thống HAWK là không được tốt cho lắm.
Hiện tại, các hệ thống phòng không của Ukraine chủ yếu bảo vệ các thành phố quan trọng như Kiev. Đánh giá về các cuộc không kích của Nga vào các thành phố khác (Odessa, Kharkov), thì ở đó không có hệ thống phòng không hiệu quả.
Lực lượng Vũ trang Ukraine đã sử dụng hệ thống phòng không Patriot trong cuộc phản công vào mùa hè năm ngoái; nhưng theo một số thông tin, một số đã bị phá hủy. Mới đây, một hệ thống Patriot khác đã bị tên lửa Nga phá hủy ở vùng ngoại ô Kiev.
Hệ thống phòng không rất cần thiết để bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng và trên chiến trường, nhằm đẩy lùi các cuộc tấn công trên không. Ngay cả khi hệ thống HAWK ở Ukraine được sửa chữa, điều này sẽ không đủ để bảo vệ các mục tiêu quan trọng của Lực lượng Vũ trang Ukraine.
Tóm lại: Ukraine không còn hệ thống phòng không hiệu quả có khả năng bảo vệ cơ sở hạ tầng quan trọng hoặc ngăn chặn máy bay chiến đấu của Nga trên hoặc gần chiến trường.
Tướng Mỹ: “Có vấn đề nảy sinh” trong việc đào tạo phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16
Theo kế hoạch, đến tháng 7 năm nay, Ukraine có thể nhận được những chiếc F-16 cũ từ phương Tây; nhưng liệu chúng có thực sự thay đổi được cục diện chiến trường, hay “né tránh” hệ thống phòng không Nga hay không là một câu hỏi lớn.
Trong khi đó, Tổng tư lệnh NATO châu Âu, tướng Christopher Cavoli tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vừa qua, đã nêu ra những thách thức chính mà các phi công Ukraine phải đối mặt, trong quá trình huấn luyện lái máy bay chiến đấu F-16.
Tướng Cavoli chỉ ra rằng, các phi công Ukraine được đào tạo dựa trên tiêu chuẩn phi công quân sự của Liên Xô, điều này làm phức tạp đáng kể quá trình chuyển đổi sang tiêu chuẩn phi công quân sự của phương Tây.
Những khó khăn chính liên quan đến việc thiếu phi công có trình độ và không đủ kiến thức về tiếng Anh, vốn rất quan trọng để nắm vững tài liệu kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng máy bay F-16.
Việc chuyển loại từ lái máy bay Liên Xô sang lái máy bay chiến đấu theo chuẩn NATO như F-16 đã đặt ra một thách thức đáng kể. Đặc biệt là tất cả các tài liệu kỹ thuật và hướng dẫn lái máy bay F-16 đều bằng tiếng Anh.
Trong quá trình huấn luyện, như tướng Cavoli lưu ý, mức độ sẵn sàng của các phi công Ukraine sẽ được đánh giá. Những người đã có các kỹ năng cần thiết sẽ bắt đầu đào tạo lái F-16 ngay lập tức; trong khi những người khác được đào tạo chuyên môn bổ sung.
Ngay cả những phi công giàu kinh nghiệm của Ukraine cũng phải đối mặt với những thách thức trong việc thích ứng với máy bay mới, làm nổi bật sự khác biệt đáng kể giữa máy bay chiến đấu của Liên Xô và phương Tây.
Tóm lại, do thiếu hệ thống phòng không hiệu quả, hiện Nga thống trị không phận Ukraine, minh chứng là các trận ném bom ở tiền tuyến và các cuộc tấn công bằng tên lửa và UAV tự sát vào sâu lãnh thổ Ukraine trong thời gian qua, Ukraine không thể đánh chặn; trong khi ngày về của F-16 vẫn xa vời vợi. Thực sự lực lượng phòng không Ukraine đã “đuối sức”.