Chuyên gia nêu những hạn chế của logistics Đà Nẵng

Mặc dù có cả 3 tuyến vận tải chính là đường biển, đường hàng không và đường bộ, tuy nhiên logistics Đà Nẵng vẫn chưa đủ mạnh để trở thành trung tâm logistics vùng.

Đà Nẵng là cửa ngõ ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đến các nước vùng Đông Bắc Á thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây. Tuy diện tích không lớn, nhưng Đà Nẵng có lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, hệ thống giao thông kết nối liên vùng và khu vực.

Hiện, Đà Nẵng là một trong số ít địa phương có hạ tầng giao thông phát triển với 3 tuyến vận tải logistics chính đó là đường biển, đường hàng không và đường bộ giúp thành phố thuận lợi hơn trong phát triển kinh tế, thương mại, dịch vụ và du lịch.

 Cảng Đà Nẵng đưa vào khai thác khu bãi sau cầu cảng số 4, 5 bến cảng Tiên Sa (ảnh Danang Port)

Cảng Đà Nẵng đưa vào khai thác khu bãi sau cầu cảng số 4, 5 bến cảng Tiên Sa (ảnh Danang Port)

Nghị quyết 43 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 136 của Quốc hội mới đây định hướng Đà Nẵng trở thành thành phố cảng biển, trung tâm vùng về logistics, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò là cửa ngõ giao nhận, vận chuyển với các địa phương, quốc gia trong khu vực và quốc tế.

Phát biểu tại Hội nghị Kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu 2024 vừa qua, ông Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết, hiện nay, khu vực thương mại và dịch vụ là điểm sáng, đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế chung của TP Đà Nẵng. Trong đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của thành phố có dấu hiệu phục hồi và khởi sắc. Ước tính 6 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều đạt gần 1,6 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Mục tiêu năm 2024 với GRDP tăng 8%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng khoảng 6%, thành phố đang và sẽ nỗ lực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá và tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phát triển dịch vụ logistics; tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn thành phố; thúc đẩy tiêu dùng trong và ngoài nước; kiểm soát giá cả, bình ổn thị trường.

 Cảng Liên Chiểu (ảnh báo Đấu thầu)

Cảng Liên Chiểu (ảnh báo Đấu thầu)

Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cũng cho biết, Đà Nẵng đang tập trung nguồn lực để xây dựng và hoàn thiện cảng Liên Chiểu và kêu gọi đầu tư vào 10 trung tâm logistics cấp vùng.

Tuy nhiên, ông Dương Tiến Lâm - Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam tại Đà Nẵng, Tổng giám đốc Công ty AsiaTrans Việt Nam cho rằng, Đà Nẵng có đủ 3 loại hình vận tải quốc tế nhưng mỗi loại hình lại có những hạn chế nhất định, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu và trở thành trung tâm logistics của vùng.

Theo ông Dương Tiến Lâm, Đà Nẵng chỉ có 1 cảng biển quốc tế có thể tiếp nhận tàu container; về tàu hàng rời và một số loại hàng lỏng khác thì có nhiều bến cảng khác. Tuy nhiên, bến cảng tiếp nhận tàu container hiện chỉ có Cảng Tiên Sa. Dù đây là lựa chọn trên hành trình vận chuyển hàng hóa của nhiều hãng tàu hàng đầu thế giới, nhưng cảng này vẫn có năng suất giới hạn.

Ông Dương Tiến Lâm chia sẻ: “Một vấn đề đáng lo ngại đối với các doanh nghiệp xuất khẩu đó chính là tình trạng cước vận tải biển cao. Riêng tại Đà Nẵng, bắt đầu từ tháng 4/2024, cước vận tải biển tăng trở lại như thời điểm trước COVID-19, điều này ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp.

Ngoài khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, đa phần cước vận tải biển đến các khu vực khác đều tăng cao, điều này đòi hỏi doanh nghiệp cần có sự cân nhắc, tính toán với những biến động từ nay đến cuối năm”.

Hành khách đến Sân bay Đà Nẵng

Hành khách đến Sân bay Đà Nẵng

Đối với vận tải hàng không của Đà Nẵng, ông Lâm đánh giá không được như kỳ vọng. Lượng hàng hóa khai thác qua Sân bay Đà Nẵng tăng trưởng chậm và có quy mô nhỏ so với 2 đầu Hà Nội và TPHCM.

Theo ông Lâm, một trong các hạn chế trong khai thác hàng hóa tại sân bay Đà Nẵng hiện tại là diện tích kho bãi của ga hàng hóa còn rất nhỏ, chưa có kho lạnh. Hy vọng trong thời gian tới, vấn đề này sẽ được giải quyết khi TP Đà Nẵng đang xây dựng đề án trong đó có mở rộng ga hàng hóa quốc tế của sân bay Đà Nẵng.

Vận tải đường bộ được các nhà xuất nhập khẩu ở khu vực quan tâm và thường xuyên sử dụng, đặc biệt là các quốc gia có tiếp giáp đường biên giới hoặc có chung đường biên giới với nước ta như Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia… Khi có những đơn hàng gấp thì “đường bộ xuyên biên giới” chiếm ưu thế hơn vì nhanh hơn đường biển nhưng rẻ hơn đường hàng không.

Tuy nhiên, một trong những tuyến quan trọng là Hành lang Kinh tế Đông - Tây kết nối đến tận Myanmar vẫn chưa được tận dụng hiệu quả.

Đường bộ là giải pháp triển vọng để doanh nghiệp xuất nhập khẩu cân nhắc sử dụng khi vận chuyển hàng hóa cho các quốc gia có chung đường biên giới. Các cửa khẩu chính và gần Đà Nẵng nhất là cửa khẩu Lao Bảo, cửa khẩu La Hay (Quảng Trị) nhưng khai thác rất ít.

Cửa khẩu rất gần Đà Nẵng, nhưng hiện tại khai thác không tốt là cửa khẩu qua Nam Giang đi Dak Ta Ook của Lào. Hàng container qua cửa khẩu này về cảng Đà Nẵng rất ít, chủ yếu là hàng tinh bột sắn, nông sản, đông lạnh khác còn lượng hàng qua cửa khẩu chủ yếu lại là hàng rời. Mặt khác, đường giao thông kết nối lên cửa khẩu Nam Giang tại Quảng Nam rất tệ và chưa được nâng cấp dẫn đến thu hút hạn chế cho việc kết nối giữa cảng Đà Nẵng và vùng Nam Lào – Trưởng Văn phòng đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam tại Đà Nẵng đánh giá.

Thảo luận tại Tại Hội nghị Kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu 2024, ông Lê Hoàng Khánh Nhựt - Tổng giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng (một trong những doanh nghiệp xuất khẩu lớn tại Đà Nẵng) cho rằng, trong xu hướng cạnh tranh vô cùng khốc liệt này, logistics chiếm vai trò quyết định đối với xuất khẩu khi Việt Nam chưa có các hãng vận tải lớn để đồng hành cùng doanh nghiệp. Đơn cử như Thái Lan, Chính phủ có chính sách hỗ trợ chi phí logistics cho doanh nghiệp. Bởi vậy cùng một container hàng từ Thái Lan xuất khẩu đi Mỹ luôn có chi phí thấp hơn 100 - 200 USD so với Việt Nam.

Ông Lê Hoàng Khánh Nhựt hi vọng, chính quyền cần tăng cường kết nối các doanh nghiệp có chung đặc thù xuất khẩu, đảm bảo có dung lượng lớn container vào thị trường trọng điểm để có cơ sở đàm phán giá với các hãng vận tải, giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí logistics.

Mời độc giả xem thêm video Xe khách cố định Chi nhánh Công ty TNHH Mai Linh – Willer tại Thanh Hóa vi phạm kinh doanh vận tải:

Hàn Băng

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/xa-hoi/chuyen-gia-neu-nhung-han-che-cua-logistics-da-nang-2017745.html