Chuyên gia quân sự của tạp chí "Kho vũ khí của Tổ quốc" - ông Alexei Leonkov đã đặt câu hỏi về sự tham gia của quân đội Mỹ và các nước thành viên Liên minh quân sự NATO trong cuộc xung đột vũ trang ở Donbass.
Theo quan điểm của ông Leonkov, Washington khó có khả năng gửi quân trực tiếp tới khu vực giao tranh để hỗ trợ các hành động thuộc chiến dịch tổng tấn công của quân đội Ukraine.
Tuy vậy chuyên gia Leonkov thừa nhận rằng bất kỳ quốc gia nào của Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương, về lý thuyết đều có thể giúp lực lượng vũ trang Ukraine đảo ngược tiến trình của cuộc đối đầu ở miền Đông bằng cách gửi không quân của họ đến đó.
Nhưng trong trường hợp này, phương Tây sẽ nhận được một "bất ngờ từ phía Nga", nhất là khi mới đây Tổng thống Vladimir Putin đã khẳng định rằng "sẽ không bỏ rơi Donbass".
Vị chuyên gia quân sự này khẳng định bầu trời Donbass sẽ được bảo vệ bởi lực lượng phòng không Nga. Kết quả là một vùng cấm bay sẽ được hình thành ở đó, và quân đội Ukraine sẽ lại đánh mất lợi thế của mình.
Ông Leonkov khẳng định với diễn biến trên, không quân Ukraine sẽ chẳng thể hỗ trợ hỏa lực cho binh sĩ của mình từ trên cao, điều đó có nghĩa Kiev sẽ không thể lật ngược tình thế trong cuộc đối đầu với phe ly khai miền Đông.
Một cuộc chiến tranh quy mô lớn sẽ tạo cho Moskva lý do để can thiệp vào tình hình, bởi vì có hơn 250 nghìn người mang quốc tịch Nga ở Donbass. Ông Leonkov nhớ lại vào tháng 4/2019, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh cấp hộ chiếu Nga cho người dân miền Đông Ukraine.
“Tất cả phụ thuộc vào việc Ukraine có kiềm chế hay không. Nếu họ cố gắng tổ chức một cuộc tấn công thay vì khiêu khích, đây sẽ là một cái cớ. Giờ đây mọi thứ trở nên căng thẳng đến mức chỉ chờ bùng nổ”, ông Leonkov phát biểu trên sóng của kênh YouTube Countdown.
Trong lúc này tại thực địa, quân đội Ukraine đang dồn số lượng lớn binh sĩ, xe tăng, thiết giáp, pháo binh và cả máy bay chiến đấu cũng như các tổ hợp tên lửa phòng không tới sát giới tuyến ngừng bắn.
Với sự hỗ trợ trực tiếp từ Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ và nhiều nước NATO khác, chính quyền Kiev ngày càng thể hiện rõ quyết tâm giải quyết vấn đề ly khai miền Đông bằng giải pháp quân sự để thu hồi toàn vẹn chủ quyền.
Những cuộc đụng độ vũ trang trên khu vực Donbass đã diễn ra từ tháng 4/2014. Khi đó chính quyền Ukraine đã phát động một "hoạt động chống khủng bố" chống lại các nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk và Lugansk tự xưng (DPR và LPR).
Theo số liệu mới nhất của Liên hợp quốc, hơn 13 nghìn người đã trở thành nạn nhân của cuộc chiến tranh Kể từ ngày 27-7-2020, một lệnh ngừng bắn vô thời hạn khác đã có hiệu lực ở Donbass, nhưng các bên thường xuyên cáo buộc nhau về những vi phạm.
Vấn đề giải quyết tình hình ở phía Đông Nam Ukraine đang được thảo luận trong những cuộc họp của nhóm liên lạc ba bên, cũng như tại hội nghị thượng đỉnh theo định dạng Normandy, nhưng vẫn chưa có kết quả.
Giới phân tích cho rằng tương quan lực lượng lúc này thì sức mạnh nghiêng hẳn về phía quân đội Ukraine, nếu thiếu sự trợ giúp từ Nga thì ly khai miền Đông khó chống chịu được quá 3 tuần.
Phản ứng của Nga cũng được đánh giá là chưa chắc đã cứng rắn như những gì Moskva tuyên bố, bởi chính quyền Mỹ và châu Âu lúc này có quan điểm rất cứng rắn với họ và luôn chuẩn bị sẵn các lệnh trừng phạt cực kỳ khắc nghiệt.
Bạch Dương