Chuyên gia Nga nói về biến thể phụ của Delta: AY.4.2 có nguy hiểm hơn?
Ngày 27/10, ông Vladimir Gushchin, đứng đầu phòng thí nghiệm về cơ chế biến đổi quần thể của mầm bệnh thuộc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ, Vi sinh Quốc gia Nga Gamaleya cho hay, biến thể phụ của Delta có tên gọi AY.4.2 hay Delta Plus không nguy hiểm hơn Delta.
Delta Plus hiện được ghi nhận ở 42 quốc gia trên thế giới, song số lượng chủ yếu tập trung ở Anh, chiếm khoảng 6% số ca mắc mới và đang tăng dần tại nước này.
AY.4.2 chứa đột biến A222V và Y145H có khả năng xâm nhập được vào tế bào. Theo AP, ngày 25/10, Bộ Y tế Israel cho biết, biến thể phụ AY.4.2 dễ lây lan hơn chủng Delta khoảng 15% song không gây chết người hơn hay kháng vaccine Covid-19.
Tuy vậy, chuyên gia Nga Vladimir Gushchin nhận định: "Trên thực tế, AY.4.2 là một trong những dòng truyền thừa. Hiện tại, chúng tôi không có dữ kiện nào để khẳng định rằng biến thể này đang thực sự lan rộng hơn hoặc nhanh hơn".
Theo ông Gushchin, cho tới nay, chưa có dữ liệu về cách Delta Plus có thể "gây ra mối đe dọa mới hay có khả năng tránh được khả năng miễn dịch hiện có được tạo ra do từng nhiễm bệnh hoặc nhờ vào các loại vaccine".
Người đứng đầu phòng thí nghiệm thuộc Trung tâm Gamaleya giải thích rằng, các đột biến phụ thường chỉ ảnh hưởng đến một hoặc hai loại kháng thể do hệ thống miễn dịch của con người tạo ra, tuy nhiên, cơ thể con người sẽ tạo ra hàng chục kháng thể khác nhau để ngăn chặn virus, vì vậy, "những thay đổi đơn lẻ này không quá quan trọng".
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng chưa đưa AY.4.2 vào danh sách "biến thể đang được điều tra" hoặc "biến thể cần đặc biệt quan tâm", đồng nghĩa với việc biến thể này chưa được xác định là có những thay đổi di truyền ở mức nguy hiểm liên quan tới khả năng lây nhiễm, mức độ nghiêm trọng của bệnh, khả năng lẩn tránh được hệ miễn dịch và khó chẩn đoán, điều trị.
Bên cạnh đó, chuyên gia Nga nhấn mạnh, vaccine Covid-19 Sputnik V do Trung tâm này nghiên cứu và phát triển cho thấy mức độ bảo vệ tốt trước các đột biến khác nhau. Đối với người tiêm đủ 2 mũi vaccine, nguy cơ mắc bệnh thấp hơn ít nhất 6 lần, nguy cơ nhập viện thấp hơn ít nhất 10 lần và nguy cơ tử vong thấp hơn 20 lần so với những người không tiêm chủng.
Đối với biến thể Delta, ông Gushchin cho hay, Sputnik V cung cấp sự bảo vệ đối với người tiêm đủ liều lên tới hơn 95% khỏi nguy cơ tử vong, 90% khỏi nguy cơ nhập viện và 80-85% khỏi các biểu hiện lâm sàng.
Liên quan tình hình Covid-19 tại Nga, nước này đang chứng kiến làn sóng thứ 4 của đại dịch, với số ca mắc bệnh và tử vong theo ngày cao chưa từng có, trung bình hơn 35.000 ca mắc và hơn 1.000 trường hợp không qua khỏi mỗi ngày.
Nga đang chuẩn bị bước vào tuần nghỉ làm có hưởng lương từ 30/1-7/11 nhằm ngăn chặn sự lây lan của đại dịch. Tuy vậy, các hãng tin địa phương trích dẫn các khảo sát cho biết, hơn 33% người dân nước này lên kế hoạch đi du lịch trong thời gian nghỉ trên.
Trước tình hình đó, ngày 27/10, Điện Kremlin khuyến cáo người dân hạn chế đi lại trong thời gian không phải đi làm.
Chính quyền Nga hiện chưa có kế hoạch áp dụng lệnh cấm đi lại và cấm du lịch đối với người dân vào những ngày không làm việc theo quyết định của Tổng thống Vladimir Putin.
Theo kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Dư luận toàn Nga (VTsIOM) công bố ngày 27/10, hơn 50% người Nga sợ nhiễm virus SARS CoV-2.
Cụ thể, 52% số người được hỏi bày tỏ “lo sợ ở một mức độ nào đó” bị nhiễm bệnh, đồng thời lo lắng cho sức khỏe của người thân, trong khi 15% trả lời là “rất sợ”.
12% tin rằng sẽ không có chuyện gì xảy ra với mình, 12% khác cho biết họ và người thân của mình đã bị mắc Covid-19, 7% thì không nghĩ đến vấn đề này.
Ngoài ra, 77% số người được hỏi cho rằng, việc tiêm chủng là “việc cá nhân của mỗi người”, trong khi 20% phản đối. 73% phản đối việc thúc giục người khác đi tiêm vaccine ngừa Covid-19, trong khi 23% không đồng tình với quan điểm này.
Đối với luận điểm từ chối tiêm chủng sẽ gây nguy hiểm đến tính mạng, 64% số người được hỏi đồng ý, trong khi 28% phản đối.