Chuyên gia: Ngành địa ốc năm 2025 sẽ sáng hơn 2024, nếu mua bất động sản lúc này chỉ nên trích 30% vốn

Dưới góc nhìn của TS Nguyễn Trí Hiếu, tương lai của ngành địa ốc trong năm 2025 sẽ sáng sủa hơn năm 2024. Nếu có 10 tỷ trong tay, nên bỏ 50% vào ngân hàng, 30% cho bất động sản và 20% còn lại dành cho chứng khoán.

Chỉ còn 1 ngày nữa, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sẽ chính thức có hiệu lực, nhiều điểm mới chính sách sẽ được thực thi. Có nên xuống tiền giao dịch nhà đất trong nửa cuối năm nay là câu hỏi mà nhiều người băn khoăn lúc này?

Tại một hội thảo mới đây, ông Võ Hồng Thắng, Giám đốc Đầu tư DKRA Group nhận định, bất động sản giai đoạn này đang là cơ hội dành cho những cho người có lượng lớn tiền mặt. Trạng thái chuyển biến từ phân vân sang quyết định đầu tư của nhóm người này xảy ra rất nhanh, chỉ trong tíc tắc.

"Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào thì thị trường cũng đều có cơ hội, vấn đề là cơ hội đó dành cho số đông hay thiểu số, cho đối tượng nào và thuộc ngách nào. Lúc này lãi suất đang ở mức thấp, song trong điều kiện có quá nhiều biến số, nếu sử dụng đòn bẩy tài chính quá lớn thì phải cân nhắc rất kỹ.

Còn nếu sở hữu nhiều vốn sẵn có, nhà đầu tư nên cân nhắc giải ngân và xác định đánh cược trong khoảng thời gian trung và dài hạn thì sẽ có cơ hội sinh lời. Nửa cuối năm nay, các sản phẩm nhà ở, căn hộ vừa túi tiền sẽ tiếp tục đà phục hồi và dẫn dắt thị trường chung.

Theo quan sát của chúng tôi, trong vòng 3 quý gần đây, tỷ lệ người mua để ở tại các dự án căn hộ hạng B (dưới 65 triệu/m2) và C (dưới 35 triệu/m2) đã tăng so với giai đoạn trước. Cụ thể, trước năm 2019, tỷ lệ mua đầu tư của một dự án (dù là hạng A, B hay C) đều ở mức 70 - 80%. Song thời gian qua, một số dự án căn hộ ghi nhận tỷ trọng mua để ở đã chiếm 40%, tỷ lệ đầu tư 60%.

Sự dịch chuyển này là rất đáng kể và cho thấy một bộ phận người mua để ở đã nhìn thấy cơ hội ở giai đoạn này", ông Thắng nói.

(Ảnh tư liệu minh họa: Hoàng Huy).

(Ảnh tư liệu minh họa: Hoàng Huy).

Theo đại diện DKRA, cả nhà đầu tư cá nhân lẫn doanh nghiệp đều đang có tâm lý chung là trông chờ vào việc các luật mới sắp hiệu lực từ ngày 1/8 sẽ giúp tháo gỡ vướng mắc cho ngành địa ốc. Chỉ cần có tín hiệu rõ nét, quá trình đảo chiều sẽ diễn ra rất nhanh, hoàn toàn có thể chỉ trong vòng 1 tháng hay 1 quý là thị trường sẽ dần sôi động trở lại.

Việt Nam là quốc gia chuộng bất động sản. Tâm lý của người dân về việc tích lũy tài sản, nhất là sở hữu bất động sản luôn thường trực. Đây cũng là kênh đầu tư mà mọi người đều có thể tham gia, từ công nhân, nông dân, nhân viên văn phòng,... đến lãnh đạo quản lý, chủ doanh nghiệp lớn. Khác với một số kênh đầu tư khác như chứng khoán, crypto,... khi đòi hỏi người tham gia phải có chuyên môn kiến thức nhiều.

TS Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, nhà đầu tư vốn khỏe có thể tham gia thị trường ngay từ bây giờ, với điều kiện người mua phải tìm hiểu thông tin, có sự am hiểu đầy đủ về phân khúc dự định đầu tư.

Còn nếu nhà đầu tư sở hữu vốn ít, có thể tìm đến các sản phẩm vùng ven có mức giá mềm hơn và nằm trong khả năng tài chính. Giai đoạn này nhiều người đang bị kẹt vốn, muốn bán hàng ngộp để xoay tiền trả nợ, có thể chớp thời cơ nắm bắt.

"Nếu chưa sẵn sàng, nhà đầu tư cũng có thể đợi khoảng 3 - 4 tháng nữa, khi các tín hiệu khởi sắc của thị trường hiện diện một cách rõ nét hơn sau khi các luật mới hiệu lực. Tuy nhiên, tôi nghĩ lúc này cũng sẽ khó tìm được cơ hội hơn vì đã có sự xuất hiện thêm của nhiều nhà đầu tư khác cùng tham gia, thị trường có sự cạnh tranh, hét giá hơn", ông Nghĩa nói.

"Ngâm" tài sản tối thiểu 18 - 24 tháng

Bàn việc nên đầu tư như thế nào, TS Nguyễn Trí Hiếu, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính & Bất động sản Toàn Cầu chia sẻ, bản thân là người theo xu hướng "ăn chắc mặc bền". Vị này tiết lộ 3 tiêu chí ở góc độ cá nhân cho các nhà đầu tư cùng tham khảo.

"Thứ nhất là an toàn. Thứ hai là sinh lời. Thứ ba là có tính thanh khoản, bất cứ lúc nào cần đổi ra tiền mặt cũng có thể thực hiện được ngay.

Tại thời điểm này, tôi ưu tiên tiêu chí an toàn và tính thanh khoản nhiều hơn. 5 kênh đầu tư phổ biến là bất động sản, chứng khoán, vàng, ngoại tệ và tiền gửi. Ví dụ có 10 tỷ trong tay, tôi sẽ bỏ 5 tỷ vào ngân hàng, tức chiếm 50%.

Lý do bởi hàng tháng có thể nhận được khoản tiền trả lãi, càng về cuối năm càng cao. Tôi sẽ chọn gửi theo kỳ hạn ngắn, khi đáo hạn có thể linh hoạt chuyển sang hưởng tiếp mức lãi suất khác cao hơn, lúc cần cũng tiện rút ra.

Với số tiền còn lại, bỏ 3 tỷ vào bất động sản (chiếm 30% vốn). Tôi nhìn thấy tương lai của ngành địa ốc trong năm 2025 sẽ sáng sủa hơn năm 2024. Trên thị trường giờ cũng đang xuất hiện nhiều sản phẩm tiềm năng, có lợi nếu đầu tư. Còn lại 2 tỷ, bỏ vào chứng khoán (chiếm 20%).

Vàng và ngoại tệ là 2 kênh đầu tư tôi không hướng đến lúc này. Lý do bởi thị trường vàng đang trong giai đoạn điều chỉnh rất mạnh mẽ, nếu nhảy vào có thể gặp phải những rủi ro nằm ngoài tầm kiểm soát. Còn ngoại tệ thì phải có giấy phép kinh doanh".

Ngoài câu chuyện về vốn và cách phân bổ dòng tiền thì thời gian nắm giữ tài sản cũng là yếu tố quan trọng được các chuyên gia lưu ý khi đưa ra lời khuyên cho nhà đầu tư trong nửa cuối năm.

"Thời điểm này có quá nhiều biến số phải giải. Vậy nên tôi nghĩ khung thời gian phải dài hạn hơn, tối thiểu 18 - 24 tháng thì mới có thể hiện thực hóa ý định của chúng ta", ông Trần Tuấn Tài, Giám đốc Đầu tư SonKim Retail bổ sung.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-gia-nganh-dia-oc-nam-2025-se-sang-hon-2024-neu-mua-bat-dong-san-luc-nay-chi-nen-trich-30-von.html