Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Tăng giá điện không ảnh hưởng nhiều tới kiểm soát lạm phát năm nay
Thực tế trong năm nay, doanh nghiệp thiếu vắng đơn hàng, nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu nên việc tăng giá điện tuy có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế nhưng không nhiều.
Tập đoàn Điện lực Việt Nam vừa quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân với mức tăng 4,5%. Đây cũng là lần tăng giá điện thứ 2 trong năm với mức tăng tổng cộng 7,5%. Để hiểu rõ hơn tác động của giá điện tăng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát cũng như những giải pháp để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội trong năm nay, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê xung quanh nội dung này.
Phóng viên:Ngày 8/11/2023, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân với mức tăng 4,5%. Thưa ông, việc điều chỉnh này sẽ tác động thế nào tới mục tiêu kiểm soát lạm phát và tác động thế nào tới tăng trưởng kinh tế trong năm nay?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Tỷ trọng chi cho tiêu dùng điện trong tổng chi tiêu dùng của hộ gia đình chiếm 3,31%. Khi giá bán lẻ điện bình quân tăng 10% sẽ tác động làm lạm phát của nền kinh tế (chỉ số CPI) tăng 0,331 điểm phần trăm. EVN vừa quyết định tăng 4,5% giá bán lẻ điện bình quân và có hiệu lực từ ngày 9/11/2023, với mức tăng này sẽ tác động làm CPI tăng 0,15 điểm phần trăm.
Lạm phát của nền kinh tế bình quân 10 tháng năm 2023 chỉ ở mức 3,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn khá nhiều so với mức lạm phát mục tiêu 4,5% của năm 2023. Chỉ còn hơn 1 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2023, với sự chủ động chuẩn bị nguồn hàng phục vụ tiêu dùng cuối cùng cho tháng cuối năm, cùng với chính sách khuyến mại, giảm giá để kích cầu tiêu dùng nên việc điều chỉnh tăng giá điện không ảnh hưởng tới mục tiêu kiểm soát lạm phát của năm nay.
Vào thời điểm chỉ còn hơn 1 tháng kết thúc năm 2023, tôi cho rằng, khi bức tranh lạm phát và tăng trưởng kinh tế cả năm đã khá rõ nét, lúc này là thời điểm để các nhà quản lý đưa ra quyết định có điều chỉnh giá các mặt hàng chiến lược do Nhà nước quản lý hay không.
Điện là mặt hàng nhiên liệu quan trọng không chỉ trong tiêu dùng mà được sử dụng trong gần như tất cả các ngành, các hoạt động sản xuất. Tăng giá điện sẽ làm tăng chi phí sản xuất, giảm lợi nhuận của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và hệ quả tất yếu làm giảm tăng trưởng kinh tế.
Với công nghệ sản xuất hiện nay của nền kinh tế, nếu giá điện tăng 10% làm GDP giảm 0,45 điểm phần trăm. Năm 2023, qua hai lần EVN tăng giá điện với tổng mức tăng 7,5% sẽ tác động làm GDP giảm 0,33 điểm phần trăm. Thực tế trong năm nay, doanh nghiệp thiếu vắng đơn hàng, nhu cầu tiêu dùng trong nước yếu nên việc tăng giá điện tuy có ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế nhưng không nhiều.
Phóng viên: Ông vừa đề cập tới tổng cầu tiêu dùng trong nước yếu, việc tăng giá điện sẽ làm giảm chi tiêu của người dân trong khi Chính phủ đang thực thi chính sách kích cầu tiêu dùng cho tăng trưởng. Quan điểm của ông về việc này như thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Hiện nay, giá bán lẻ điện bình quân được chia thành 6 nhóm, theo mức tiêu thụ điện của các hộ dân cư. Hộ dân có thu nhập thấp, mức tiêu thụ điện ít được hưởng giá bán lẻ điện thấp hơn mức giá bình quân chung. Giá bán lẻ điện được tính lũy tiến, với chính sách giá bậc thang, theo lượng điện tiêu thụ, phù hợp với mức thu nhập của các hộ dân cư nhằm khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm.
Điện là mặt hàng chiến lược, do Nhà nước quản lý giá. Nhà nước cũng như ngành điện áp dụng chính sách giá điện bậc thang phù hợp với các nhóm dân cư hướng tới bảo vệ và hỗ trợ người có thu nhập thấp khi điều chỉnh giá điện; đồng thời, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng điện tiết kiệm; càng sử dụng nhiều, giá điện càng cao.
Việc điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện ngày 8/11/2023 vừa qua, những hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng không đáng kể vì mức chi phí chỉ tăng thêm 3.900 đồng/tháng đối với hộ sử dụng dưới 50 kWh/tháng; tăng thêm 7.900 đồng/tháng đối với hộ sử dụng 100 kWh/tháng; ngay cả những hộ có mức sử dụng điện cao với 400 kWh/tháng cũng chi trả thêm 42.000 đồng/tháng.
Có thể thấy, việc chi trả thêm cho tiền điện khi giá điện tăng 4,5% không ảnh hưởng trực tiếp tới quyết định chi tiêu cho các mục đích tiêu dùng khác của hộ gia đình. Vì vậy, việc tăng giá điện vừa qua hầu như không có tác động ngược tới chính sách kích cầu tiêu dùng của Chính phủ.
Bộ Công Thương đang xin ý kiến các bộ, ngành để trình Chính phủ dự thảo Quyết định Quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân thay thế Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ.
Dự thảo quyết định đề xuất giảm thời gian điều chỉnh giá điện, trao quyền cho EVN điều chỉnh giá bán điện đối với biên độ giảm giá bán lẻ điện từ 1% trở lên, tăng giá bán lẻ điện từ 3% đến dưới 5% và trong khung giá. Đây là giải pháp xóa bỏ bất cập về giá bán lẻ điện hiện nay, dần hướng giá điện vận hành theo cơ chế thị trường cạnh tranh, có tăng, có giảm, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tạo nền tảng quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội.
Phóng viên: Thưa ông, để đảm bảo đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Chính phủ, Bộ Công Thương, các địa phương, các doanh nghiệp sản xuất điện và cộng đồng doanh nghiệp còn có vai trò như thế nào?
Chuyên gia Nguyễn Bích Lâm: Điện là mặt hàng chiến lược đặc biệt quan trọng của nền kinh tế. Nhu cầu sử dụng điện luôn tăng sẽ đặt ngành điện vào tình trạng cung không đủ cầu. Tình trạng này sẽ ngày càng gay gắt nếu giá bán lẻ điện thấp hơn giá thành sản xuất khiến ngành điện bị thua lỗ, không đủ nguồn tài chính để đầu tư mở rộng năng lực sản xuất; không thu hút được nguồn vốn từ các thành phần kinh tế đầu tư vào sản xuất, truyền tải và cung ứng điện.
Để đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, tôi cho rằng Chính phủ cần khẩn trương xây dựng Luật Điện lực sửa đổi để hoàn thiện chính sách về quy hoạch, đầu tư, điều hành giá điện, phát triển thị trường điện cạnh tranh, xử lý các vướng mắc, thể chế hóa cơ chế phát triển, tạo đột phá khuyến khích và thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo; tách bạch vai trò quản lý nhà nước với sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ khẩn trương xây dựng, ban hành các chính sách, giải pháp để giá điện dần vận hành theo cơ chế thị trường. Mặt khác nhanh chóng xây dựng thị trường năng lượng đồng bộ, cạnh tranh, minh bạch, đa dạng hóa hình thức sở hữu và phương thức kinh doanh. Chính phủ cũng ban hành và áp dụng các tiêu chuẩn, quy chuẩn bắt buộc kèm theo chế tài về sử dụng điện hiệu quả đối với những lĩnh vực, ngành có mức tiêu thụ điện cao.
Chính phủ chỉ đạo thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ ưu đãi nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu. Theo đó, chính quyền các cấp cần có giải pháp cụ thể, phù hợp với từng địa phương hỗ trợ, động viên các hộ dân cư dành một phần tài sản, hợp tác với nhà nước để lắp đặt điện mái nhà tự sản, tự tiêu, góp phần giảm nhu cầu sử dụng điện lưới quốc gia, giảm công suất cực đại vào giờ cao điểm của hệ thống điện, giảm tình trạng lưới điện bị quá tải.
Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp cần đổi mới công nghệ, đầu tư và sử dụng công nghệ, trang thiết bị tiết kiệm năng lượng; tập trung đầu tư chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo như điện mặt trời lắp đặt trên mái nhà xưởng sản xuất để chủ động ứng phó với các biến động không thuận về năng lượng, cắt giảm chi phí do giá năng lượng tăng cao; cải thiện hình ảnh thương hiệu, tạo sự khác biệt cho thương hiệu của doanh nghiệp trên thị trường, gia tăng lợi thế cạnh tranh và thu hút các nhà đầu tư. Doanh nghiêp cũng rèn luyện ý thức, yêu cầu thực hành tiết kiệm, xóa bỏ sự lãng phí trong sử dụng năng lượng điện đối với đội ngũ quản lý và người lao động trong doanh nghiệp.
EVN và các doanh nghiệp sản xuất điện khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn diện, tổng thể các tổ máy; duy tu, bảo dưỡng định kỳ, kịp thời sửa chữa, thay thế các thiết bị, bảo đảm độ khả dụng, sẵn sàng của các nhà máy phát điện và vận hành an toàn của hệ thống truyền tải điện.
Bộ Công Thương với trách nhiệm là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần phát huy hết trách nhiệm trong chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành, các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, đơn vị liên quan triển khai các nhiệm vụ thuộc Chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 280/QĐ-TTg ngày 13/3/2019 phê duyệt chương trình Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 - 2030.
Phóng viên: Xin trân trọng cám ơn ông!