Chuyên gia, nhà đầu tư góp ý TPHCM phát triển công nghiệp hỗ trợ

Ngày 24-12, các chuyên gia kinh tế, nhà khoa học, nhà đầu tư quốc tế và doanh nghiệp sản xuất trong và ngoài nước, có kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển sản xuất công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ, đã chia sẻ thông tin, kinh nghiệm cần thiết cho sự hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tại TPHCM.

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Thaco Group, góp ý kiến tại sự kiện. Ảnh: Lê Hoàng

Thiếu công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ngoại sẽ rút đi

Ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco), cho rằng nhất thiết phải phát triển công nghiệp hỗ trợ vì nó được ví như “bộ rễ” của cây trồng. Nếu không có bộ rễ hoặc bộ rễ yếu thì cây trồng không thể tồn tại và phát triển được. Tuy nhiên theo ông Dương, mỗi loại cây có bộ rễ khác nhau thì cần cách chăm sóc khác nhau mà người trồng cần phải nghiên cứu kỹ.

Chủ tịch Thaco cảnh báo nếu không cải thiện công nghiệp phụ trợ thì khi doanh nghiệp FDI đem linh kiện vào sản xuất mà thấy không hiệu quả họ cũng sẽ rút đi.

Với dự án khu công nghiệp hỗ trợ, ông Dương đề xuất TPHCM cần tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, điện-điện tử và phát triển công nghiệp cho ngành chế biến thực phẩm. Nếu làm được khu công nghiệp hỗ trợ cho 2 ngành này sẽ là thành công rất lớn cho TPHCM.

Theo lý giải của ông Dương, làm gì cũng cần cơ khí vì ngành cơ khí là nền tảng của tất cả các lĩnh vực sản xuất. Vật liệu kim loại, hợp kim, phi kim suy cho cùng vẫn phải kết hợp với cơ khí; nhiều loại máy móc đều cần đến cơ khí và hệ thống điện.

Ông gợi ý TPHCM xây dựng mô hình trung tâm nguyên vật liệu cho cơ khí, các loại thép. Đây không chỉ là địa điểm tập trung mà có sự tương tác để ra sản phẩm rẻ nhất, trong đó có cả phòng thí nghiệm, gia công, bán thành phẩm. Do đó, theo ông, nếu các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất các linh kiện tại chỗ với giá thành cạnh tranh hơn nhập khẩu thì sẽ chiếm ưu thế.

Mô hình thứ hai được ông đề xuất là khu công nghiệp hỗ trợ chuyên cho thực phẩm. Nguyên liệu của ngành này xuất phát từ ngũ cốc, trong đó đáng chú ý là từ gạo và trái cây. Trong lĩnh vực này, chi phí vận chuyển tác động lớn đến giá sản phẩm. Theo ông, vai trò TPHCM chính là thị trường tiêu thụ lớn nhất nên nếu xây dựng trung tâm chế biến thực phẩm tại thành phố sẽ tiết kiệm đáng kể chi phí logistics. Do đó, công nghiệp hỗ trợ để sơ chế, xử lý nguyên liệu thô tại TPHCM là rất cần thiết.

Ông Dương cho rằng vị trí cho khu công nghiệp hỗ trợ này cần nằm ở tuyến đường vành đai thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa và đáp ứng tính tức thời cho nhà sản xuất. Mặt khác, việc đặt tên khu công nghiệp hỗ trợ là hợp lý nhưng gắn với việc ứng dụng công nghệ cao thì cần cân nhắc xem lại. “Với doanh nghiệp sản xuất, có những công đoạn làm đòi hỏi công nghệ cao nhưng cũng có công đoạn làm thô, không cần phải ứng dụng công nghệ cao”, ông Dương nói, và theo ông, cần phải có bộ quy tắc hàm lượng như thế nào là “cao” để doanh nghiệp có thể vào sản xuất.

Tạo điều điện thuận lợi cho nhà sản xuất và kết nối

TS. Dương Minh Tâm, Chủ tịch Hội Cơ khí TPHCM (HAME), cũng đề nghị khu công nghiệp hỗ trợ này tập trung phát triển ngành cơ khí chế tạo và kiến nghị thành phố hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dần dần làm chủ một số công nghiệp nền cho đa số sản phẩm, như khuôn mẫu, chế tạo chip công nghiệp, cảm biến… vốn cần nhiều tiền đầu tư và cũng nhiều rủi ro.

Các doanh nghiệp Việt Nam giới thiệu sản xuất linh phụ kiện ở bên lề hội thảo. Ảnh: Lê Hoàng

Theo các diễn giả, khu công nghiệp hỗ trợ thường được phát triển theo kiểu cụm liên kết ngành. Các doanh nghiệp trong khu có thể tham gia vào chuỗi cung ứng của một sản phẩm/cụm linh kiện, từ khâu cung cấp nguyên liệu cho đến việc lắp ráp thành cụm chi tiết và giao cho nhà lắp ráp. Do đó, một khu công nghiệp hỗ trợ sẽ bao gồm không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, mà còn có thể bao gồm cả các nhà cung cấp nguyên liệu thô, các nhà thầu phụ gia công một phần công nghệ của sản phẩm, các doanh nghiệp cung cấp máy móc…

Đáng chú ý, để doanh nghiệp đầu tư vào khu này, TPHCM phải đáp ứng 3 tiêu chí là diện tích và giá thuê đất phù hợp, đầu tư minh bạch và hệ thống cung ứng hỗ trợ sẵn sàng. Bên cạnh đó, thành phố cần xác định rõ đối tượng ưu tiên thu hút đầu tư.

Theo TS. Huỳnh Thanh Điền (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành), việc quy hoạch khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao cần tính đến khả năng tạo chuỗi liên kết ngành cho doanh nghiệp nội tham gia, cần xây dựng các mô hình mẫu tổ chức sản xuất ở các ngành từ khâu nghiên cứu thị trường, thiết kế sản phẩm, tổ chức doanh nghiệp vệ tinh sản xuất các chi tiết, linh kiện… đến thiết lập hệ thống phân phối ra thị trường. Các cơ chế chính sách trọng tâm vào hỗ trợ, ưu đãi cho các doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành hoạt động trong tất cả các khâu đầu tư nghiên cứu, thiết kế, cung ứng sản phẩm phụ trợ, phân phối.

GS.TS. Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TPHCM, cho rằng TPHCM đã bước vào giai đoạn hậu công nghiệp do vậy các khu công nghiệp phải hoạt động chủ yếu dựa trên hiệu quả và nỗ lực đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Và theo ông, mô hình thích hợp dài hạn và bền vững cho giai đoạn hậu công nghiệp
của các khu chế xuất và khu công nghiệp TPHCM là mô hình khu công nghiệp sinh thái. Nơi đây bắt nguồn từ hai ý tưởng mạnh mẽ: tính bền vững về môi trường-xã hội và hệ sinh thái công nghiệp cộng sinh. Khi đầu tư vào đây thì yêu cầu các doanh nghiệp, nhà đầu tư phải ứng dụng công nghệ hiện đại, không ảnh hưởng đến môi trường.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Chính sách công và quản lý Fulbirght, Đại học Fulbright, nhấn mạnh vai trò của cơ quan quản lý để phát triển các khu công nghiệp kiểu mới với hàm lượng giá trị công nghệ cao là rất quan trọng. Theo ông, mô hình quản lý khu công nghiệp hiện tại khó thúc đẩy sự đổi mới sáng tạo. Do đó, để tạo ra những mô hình công nghiệp mới, cần có một ủy ban chiến lược điều phối với cơ chế đột phá.

Cần thiết phát triển khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao

TPHCM đang dành quỹ đất để hình thành khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao với quyết tâm nuôi dưỡng và phát triển công nghiệp hỗ trợ trong thời gian tới.

Tại hội thảo, theo ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM, thành phố đã ấp ủ từ lâu việc hình thành “Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao” với cơ sở hạ tầng kỹ thuật phù hợp, quy tụ tất cả các doanh nghiệp công nghệ cao, tạo ra một cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, làm cơ sở thúc đẩy phát triển ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ lớn mạnh, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, xứng tầm với vai trò trung tâm kinh tế của thành phố.

“Việc hình thành và đi vào hoạt động “Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao” là yêu cầu bức thiết, nhất là trong giai đoạn hậu công nghiệp hiện nay, việc chuyển đổi mô hình hoạt động của các khu công nghiệp hiện hữu là nhu cầu tất yếu khách quan, tạo ra động lực tăng trưởng mới cho kinh tế thành phố”, ông Hoan khẳng định.

Bắt nguồn từ sự trăn trở đó, thành phố đã chuẩn bị hơn 300 ha đất để hình thành khu công nghiệp hỗ trợ trợ ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, hình thành những doanh nghiệp thiết kế, sản xuất, cùng liên kết để cung cấp sản phẩm ứng dụng công nghệ cao cho công nghiệp hỗ trợ.

Mô hình “Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao” tuy phổ biến và đã phát huy hiệu quả tại các nước trên thế giới như Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan…, nhưng vẫn còn là vấn đề mới ở Việt Nam, các vấn đề về cơ chế hoạt động, thu hút đầu tư, mô hình vận hành, quản lý chưa được quy định cụ thể.

Lãnh đạo thành phố cho biết sau hội thảo, những ý kiến góp ý, đề xuất của các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà khoa học,… sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố hoàn thiện đề án phát triển “Khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao” tại TPHCM, giúp thành phố có thêm thông tin định hướng thu hút đầu tư khu công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao.

Hùng Lê

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/chuyen-gia-nha-dau-tu-gop-y-tphcm-phat-trien-cong-nghiep-ho-tro/