Chuyên gia nhận định những lợi thế giúp Mỹ 'dập lửa' lạm phát

Độc lập về năng lượng và lương thực, nguồn lao động nhập cư dồi dào, năng lực sản xuất mạnh mẽ và nguồn vốn đầu tư lớn sẽ giúp Mỹ đẩy lùi lạm phát.

Theo bà Dambisa Moyo - một nhà kinh tế học quốc tế, Mỹ có nhiều lợi thế giúp đất nước tránh được lạm phát, ngoài ra việc thực hiện các biện pháp tiết giảm lạm phát đúng lúc cũng là một trong những nguyên nhân giúp Mỹ giảm tỉ lệ lạm phát, theo trang Project Syndicate.

Mức lạm phát của Mỹ vẫn ở mức cao trong tháng 8 với 8,3% khiến nhiều nhà kinh tế tỏ ra thất vọng. Tuy nhiên, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đề xuất biện pháp tăng lãi suất để tiết chế mức cầu trong nước thì nhiều nhà kinh tế cho rằng biện pháp này có thể giúp Mỹ giảm tỉ lệ lạm phát xuống mức thấp hơn.

Ngoài ra, theo bà Moyo, nền kinh tế Mỹ vốn được “thiết kế” một cách đặc biệt có thể giúp Mỹ giảm tỉ lệ lạm phát tăng cao. Theo đó, bà chỉ ra rằng Mỹ là nước độc lập về năng lượng và lương thực, nguồn lao động nhập cư dồi dào, năng lực sản xuất mạnh mẽ và nguồn vốn đầu tư khủng để duy trì sản xuất trong nước.

Những lợi thế của Mỹ

Theo bà Moyo, trước tình hình lạm phát gia tăng tại nhiều nước phương Tây do ảnh hưởng từ việc gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga, Mỹ ít bị ảnh hưởng nhờ có nguồn nhiên liệu hóa lỏng (LNG) dồi dào.

Mỹ trở thành nước xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới trong nửa đầu năm 2022. ẢNH: WATT PRESS

Mỹ trở thành nước xuất khẩu LNG hàng đầu thế giới trong nửa đầu năm 2022. ẢNH: WATT PRESS

Theo Project Syndicate, Mỹ là một trong những nước xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới. Cụ thể, xuất khẩu năng lượng của Mỹ đã vượt quá nhập khẩu khoảng 3,8 triệu tỉ đơn vị nhiệt của Anh (Btu) trong năm 2021 và đạt tổng cộng 25,2 triệu tỉ Btu. Ngoài ra, trong nửa đầu năm 2022, Mỹ là nước xuất khẩu LNG nhiều nhất thế giới.

Một trong các nguồn lực khác giúp Mỹ chống lạm phát tăng cao là nguồn lao động nhập cư dồi dào. Tiền lương ở Mỹ tăng đáng kể trong những năm gần đây, cụ thể, một thước đo về chi phí lao động cho thấy tiền lương tại Mỹ đã tăng 9,3% tính từ mùa hè năm 2021 đến tháng 6–2022. Nhưng nhờ luồng nhập cư dồi dào thì Mỹ đã phần nào triệt tiêu được lạm phát tiền lương.

Cuối cùng, theo bà Moyo, Mỹ là nhà sản xuất lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc, đóng góp khoảng 18% năng lực sản xuất toàn cầu. Lĩnh vực sản xuất chiếm khoảng 2.300 tỉ USD trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ, theo đó Mỹ đã tuyển dụng hơn 12 triệu công nhân và hiện đang nỗ lực để đưa mức sản xuất phục hồi về mức 10 năm trước khi đại dịch COVID-19 ập đến. Theo số liệu từ công ty McKinsey - một công ty chuyên tư vấn quản trị toàn cầu có trụ sở tại Chicago (Mỹ), nền kinh tế Mỹ đã tạo ra 1,3 triệu việc làm trong lĩnh vực sản xuất trong giai đoạn 2010-2019.

Người dân Mỹ mua sắm tại siêu thị. ẢNH: CNBC

Người dân Mỹ mua sắm tại siêu thị. ẢNH: CNBC

Khi đại dịch xuất hiện, sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu đã khiến giá nhập khẩu tăng cao, trong khi các hộ gia đình Mỹ lại phụ thuộc quá nhiều vào hàng tiêu dùng nhập khẩu. Do các hạn chế nguồn cung này, nhiều khả năng các doanh nghiệp sẽ tiếp tục ưu tiên tính bền vững thay vì cắt giảm chi phí và đa dạng hóa. Điều này đồng nghĩa với việc họ sẽ đưa hoạt động sản xuất quay trở về Mỹ.

Bà Moyo nhận định điều này có thể nâng cao khả năng sản xuất nội địa, góp phần che chắn cho Mỹ trước cú sốc lạm phát bắt nguồn từ hàng nhập khẩu. Nhờ đó, Mỹ có thể giảm được biến động về giá cả và giảm thiểu tỉ lệ lạm phát.

Triển vọng lạc quan

Một số dấu hiệu cho thấy lạm phát ở Mỹ có thể đang hạ nhiệt khi giá nhập khẩu của Mỹ (không tính thuế quan) đã giảm 1,4% trong tháng 7 (mức giảm cao nhất kể từ tháng 12-2021).

Trong khi đó lạm phát lõi (không tính năng lượng và lương thực) giảm còn 5,9% trong tháng 7 sau khi leo lên 6,5% hồi tháng 3, trước khi tăng trở lại vào tháng 8.

Những con số trên không có nghĩa là Mỹ có thể kỳ vọng mức lạm phát sẽ sớm quay về mục tiêu 2% của FED. Nhưng theo các nhà kinh tế thì dự kiến lạm phát sẽ ổn định ở mức 4-6%. Triển vọng này có thể đem lại nguồn vốn đầu tư lớn hơn cho Mỹ, theo Project Syndicate.

Bà Moyo nhận định rằng hiếm có nền kinh tế nào khác có thể sánh được với Mỹ bởi nước này có nguồn tài nguyên dồi dào, lối quản lý hiệu quả, nguồn nhập cư dồi dào cùng với đồng tiền dự trữ toàn cầu lớn. Theo bà Moyo, đây chính là công cụ lý tưởng nhất để dập tắt lạm phát.

CHÍ THANH

Nguồn PLO: https://plo.vn/chuyen-gia-nhan-dinh-nhung-loi-the-giup-my-dap-lua-lam-phat-post699611.html