Chuyên gia nói gì về phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương?

Sau phiên chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Công Thương chiều 4/6 và sáng 5/6, các chuyên gia đã chia sẻ với Tạp chí Công Thương những đánh giá khách quan về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

PGS.TS Trần Đình Thiên - Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam: Phần trả lời tự tin, cụ thể, đảm bảo tính thuyết phục và tinh thần cầu thị, nghiêm túc, đáp ứng được yêu cầu thực tế

Tôi có theo dõi rất kĩ cả từ buổi chiều ngày 4/6 và một phần của sáng ngày 5/6, thì nhìn nhận một cách khách quan, về mặt nội dung, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trả lời rất sát với thực tế, cụ thể đối với từng câu hỏi. Tất nhiên, với hơn 40 câu hỏi, mỗi câu ở một góc độ khác nhau, có độ trùng nhất định là khó tránh khỏi.

Những giải trình của Bộ trưởng đã đảm bảo được tính thuyết phục, điều mà tôi cho là không đơn giản, bởi ngành Công Thương thực sự khá phức tạp, chịu nhiều tác động bởi các yếu tố toàn cầu thời gian qua.

Về thái độ, tôi đánh giá Bộ trưởng khá tự tin khi trả lời trước Quốc hội. Trước đó, tôi cũng có lo ngại có thể Bộ trưởng sẽ hơi rối, hơi cuống, nhưng kết quả Bộ trưởng đã trả lời với thái độ tự tin và tính độc lập cao, thậm chí sẵn sàng tranh luận lại trực tiếp tại nghị trường để làm rõ cho nội dung trả lời của mình, hay tại sao mình lại trả lời như vậy.

Một điểm có thể thấy nữa là tinh thần cầu thị thể hiện trong phiên chất vấn, nhất là khi Bộ trưởng nói là suốt đêm đã thức đọc lại các câu hỏi, 31 câu hỏi và 4 câu tranh luận, để nhìn nhận lại các câu trả lời của mình xem là đúng chưa, phù hợp chưa, còn thiếu điểm nào không. Tôi cho rằng đây là thái độ rất cầu thị và nghiêm túc, trách nhiệm.

Ngoài ra, tôi thấy với những vấn đề chưa giải quyết được, hoặc là đang có vướng mắc, thì Bộ trưởng nói là Bộ chịu trách nhiệm, đây là thái độ nghiêm túc và sẵn sàng nhận trách nhiệm. Nhưng mặt khác, Bộ trưởng cũng nói rằng để giải quyết vấn đề ấy thì không phải chỉ một mình Bộ Công Thương làm được, mà phải cần có sự phối hợp liên ngành, giữa các Bộ ngành ra sao, từ Trung ương xuống địa phương ra sao, thậm chí giữa Chính phủ và Quốc hội ra sao,... Thì tôi cho rằng đây cũng là sự sòng phẳng, rõ ràng, và nhìn sâu vào vấn đề để phân tích nguyên nhân, từ đó vạch ra cơ sở để tìm cách phối hợp tốt hơn để giải quyết. Nếu như cứ nhận hết trách nhiệm về mình rồi xin phép là tới đây sẽ thế nọ, thế kia, một sự cam kết như lời hứa trước đại biểu Quốc hội, cử tri nhưng sau đó lại không thực hiện được thì sẽ mất lòng tin.

Nhìn chung, trong một thời gian ngắn, trước áp lực của hàng loạt câu hỏi với nhiều nội dung khác nhau, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có phần trả lời khá rành mạch, rõ ràng, đáp ứng được yêu cầu thực tế.

Dù vậy, tôi thấy rằng có một điểm ở phiên chất vấn vừa qua, mà có lẽ vấn đề này bắt đầu từ phía các câu hỏi. Tôi đã mong rằng các câu hỏi chú trọng hơn vào vai trò, chức năng của Bộ Công Thương mà trong đó Bộ trưởng là người đứng đầu, đó là chức năng quản lý nhà nước nhưng ở khía cạnh thiết kế chính sách, định hướng chiến lược chứ không chỉ ở góc độ quản lý, xử lý. Có như vậy thì các câu hỏi và câu trả lời sẽ đều có tầm hơn, đánh giá được rõ nét hơn năng lực, trình độ và khả năng đáp ứng của Bộ trưởng đối với các yêu cầu đặt ra trong thực tiễn.

Ví dụ như hỏi về thương mại điện tử thì có thể đặt vấn đề về câu chuyện là hiện nay tỷ trọng hàng hóa Việt Nam trên sàn thương mại điện tử là bao nhiêu, hàng hóa sản xuất tại nước ngoài là bao nhiêu? Đây là vấn đề rất quan trọng, bởi tỷ lệ nội địa hóa ảnh hưởng đến cấu trúc thương mại điện tử, và ảnh hưởng đến toàn bộ cấu trúc thương mại cũng như cấu trúc phát triển của nền kinh tế.

Hay về hoạt động xuất nhập khẩu, có những đại biểu hỏi rất hay là xuất khẩu có nghiêng về đầu tư nước ngoài, thì điều đó nói lên điều gì về doanh nghiệp Việt Nam, về thực chất của nền công nghiệp Việt Nam? Có những câu hỏi như vậy, nhưng chưa đủ tập trung để Bộ trưởng thể hiện được đầy đủ tư duy chiến lược mà qua các lần tiếp xúc tôi nhận thấy là ý tưởng này đã đang được định hình rất tốt.

TS Vũ Đình Ánh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính)

TS Vũ Đình Ánh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính)

TS Vũ Đình Ánh - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài chính): Phiên chất vấn sôi động, thiết thực, đưa ra rất nhiều giải pháp phù hợp với thực tế và khả thi

Bộ trưởng Bộ Công Thương đã trả lời tới trên dưới 40 câu hỏi của các đại biểu Quốc hội liên quan đến rất nhiều lĩnh vực khác nhau của ngành Công Thương và tôi cho rằng những nội dung trả lời của Bộ trưởng đã phản ánh một cách khá đầy đủ, toàn diện và đúng những vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm.

Nội dung mà tôi cho rằng Bộ trưởng đã dành nhiều thời gian và đã có những phân tích cũng như đưa ra những giải pháp có thể nói là phù hợp và khả thi, đó chính là liên quan đến thương mại điện tử - lĩnh vực đang phát triển rất nhanh ở Việt Nam chúng ta và thậm chí là có tốc độ thuộc hàng đầu ở trên thế giới, đặc biệt là cũng gắn với các vấn đề về dân sinh.

Việc quản lý hoạt động thương mại điện tử vừa qua, qua nội dung trình bày của Bộ trưởng, cho thấy là chúng ta đã có những nỗ lực rất lớn và đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Để lĩnh vực thương mại điện tử có thể phát triển trong thời gian tới, đặc biệt là liên quan đến vấn đề đảm bảo an ninh, an toàn, chống thất thu ngân sách và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng khi tham gia các hoạt động thương mại điện tử thì Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có những nội dung trả lời khá cụ thể và sát các vấn đề về thực tiễn, cũng như đưa ra hướng mà chúng ta sẽ tăng cường quản lý đối với thương mại điện tử trong thời gian tới. Tôi cho rằng đó là những nội dung phù hợp với sự quan tâm của đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước.

Riêng với vấn đề thuốc lá điện tử, đây là một vấn đề còn khá nhạy cảm. Bản thân trên thế giới có những quốc gia đã công nhận và cho phép hợp pháp hóa, có những quốc gia lại cấm một cách rất nghiêm ngặt. Liên quan đến nội dung này, ở góc độ của Bộ Công Thương về quản lý thị trường, quản lý các sản phẩm nhạy cảm như thuốc lá điện tử, thì nội dung trả lời của Bộ trưởng là phù hợp với thực tiễn hiện nay, có tham khảo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới.

Tôi cho rằng, có lẽ cần có tiếng nói từ nhiều phía, liên quan tới cả những cơ quan chức năng như phía Bộ Y tế về chất lượng và ảnh hưởng của thuốc lá điện tử đến sức khỏe, chứ không chỉ dừng lại ở vấn đề về quản lý thị trường, để có một cái nhìn toàn diện, phù hợp kể cả trước mắt cũng như về lâu dài.

Rõ ràng Công Thương là ngành mang tính đa ngành, đa lĩnh vực, có rất nhiều vấn đề sát sườn, liên quan đến đời sống dân sinh, do đó các câu hỏi chất vấn cũng như cách thức trả lời chất vấn của Bộ trưởng đã tạo ra một không khí rất sôi động ở nghị trường. Tôi đánh giá rằng các nội dung trao đổi ở phiên chất vấn vừa qua thật sự thiết thực và không chỉ góp phần làm rõ hiện trạng của vấn đề, mà quan trọng hơn, qua đó chúng ta thấy được những triển vọng phát triển trong thời gian tới và các biện pháp có thể triển khai, mà tôi xin nhấn mạnh một lần nữa là trong đó có rất nhiều giải pháp phù hợp với thực tế và khả thi.

Thy Thảo (thực hiện)

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/chuyen-gia-noi-gi-ve-phien-chat-van-cua-bo-truong-bo-cong-thuong-122080.htm