Chuyên gia: 'Phục hồi sản xuất sau bão, cần những chính sách tương tự như COVID-19'
Theo các chuyên gia, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn rất nhiều rủi ro do phụ thuộc vào cầu bên ngoài khó kiểm soát được và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn thì những thiệt hại nặng nề của cơn bão số 3 cùng hoàn lưu bão đang ảnh hưởng đến mọi mặt của đời sống xã hội cùng với những mục tiêu kinh tế xã hội của năm 2024.
Trên cơ sở kết quả 8 tháng, Tổng cục thống kê dự báo tăng trưởng kinh tế (GDP) của Việt Nam quý III đạt kịch bản đề ra tại Nghị quyết 01 của Chính phủ (6,2-6,7%) và theo đó tăng trưởng năm 2024 có khả năng đạt được kịch bản phấn đấu của Chính phủ đề ra (6,5-7%).
Tuy vậy, ngay đầu tháng 9, Siêu bão Yagi được cho rằng mạnh nhất trong vòng 30 năm qua đã đổ bộ trực tiếp vào miền Bắc với cường độ mạnh giật lên cấp 17, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế tại nhiều tỉnh thành phía Bắc.
Sẽ tác động đến kinh tế trong cuối năm
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách (VEPR), trong ngắn hạn, các khu công nghiệp tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Thái Nguyên, … đều ghi nhận thiệt hại đáng kể. Nhiều doanh nghiệp bị tốc mái, một số tường bị xé, đổ, cổng hàng rào, biển báo, hệ thống camera, nhà xe, cửa tôn kéo bị lật, nước tràn vào nhà xưởng. Điều này khiến doanh nghiệp phải mất thời gian để xử lý và phục hồi hoàn toàn khâu sản xuất, làm chậm tiến độ sản xuất và giao hàng.
“Đáng quan ngại, ở khu vực xuất khẩu nông nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn khi khi nguồn cung đầu vào (từ thủy sản, nuôi trồng đến vựa trái cây) vào đều thiệt hại nặng”, ông Việt quan ngại.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, dù tăng trưởng năm nào cũng như nhau từ tăng 2 - 3%, nhưng quan trọng hơn đã tạo ra nền sinh kế bền vững và thu hút lực lượng lao động và hộ gia đình nghèo cận nghèo tham gia. Do đó, không phải chỉ có địa phương đón bão mà cả những địa phương chịu hoàn lưu của bão như lũ lụt, sạt lở đất,…cũng đã khiến nhiều gia đình và làng xã mất toàn bộ hoa màu thì không chỉ tác động đến kinh tế mà còn tác động đến đời sống của người dân.
Cùng với đó, ngành du lịch, cụ thể là khách du lịch trong nước và khách quốc tế đến Việt Nam cũng sẽ hạn chế đi rất nhiều và sẽ không đạt được những kỳ vọng ít nhất trong vòng 1 - 2 tháng tới. Từ đó, cũng sẽ ảnh hướng đến dịch vụ bán buốn bán lẻ, thị trường trong nước…
Về dài hạn, ông Việt lo ngại, những tháng cuối năm là cao điểm sản xuất và xuất khẩu, doanh nghiệp có nhu cầu nhập nguồn nguyên liệu đầu vào. Tuy vậy, khi các cơ quan chức năng phải hạn chế lại với các phương tiện vận tải để rà soát lại các cây cầu có tính nguy cơ mất an toàn thì sẽ dẫn đến đứt gẫy chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp ở các khu công nghiệp ở miền Bắc.
“Cơn bão này không chỉ ảnh hưởng mỗi Việt Nam mà cả Thái Lan, Lào và một loạt tỉnh của Trung Quốc thì sẽ gây thiếu hụt nguồn nguyên liệu dẫn đến tăng chi phí cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, ông Việt nêu rõ.
Trong khi đó, để phục hồi sản xuất, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp cần đầu tiên là vốn để xây dựng lại nhà xưởng, mua lại máy móc, thiết bị đã bị hỏng. Nhưng sau bão, chất lượng tài sản và khả năng đảm bảo vay bị giảm nên tiếp cận được nguồn vốn phù hợp lại càng khó khăn. Ngoài ra, việc xây dựng lại cơ sở vật chất của doanh nghiệp cũng có thể gặp khó khăn do liên quan đến thủ tục, trình tự quy trình xây dựng và quy trình nhập khẩu thiết bị.
Còn theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trước khi cơn bão diễn ra, nhiều dự báo cho rằng kinh tế Việt Nam có thể đạt cận trên mục tiêu do Quốc hội và Chính phủ đề ra, hoặc có thể khả quan hơn, khoảng 6,5 - 6,7% (kịch bản tích cực).
Tuy vậy, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn rất nhiều rủi ro do phụ thuộc vào cầu bên ngoài là yếu tố khó kiểm soát được và khu vực trong nước vẫn còn nhiều khó khăn khi số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường so với với con số gia nhập thị trường có độ chênh chưa nhiều thì những thiệt hại do con bão này dù chưa tính toán được nhưng chắc chắn sẽ tác động mạnh đến kinh tế trong cuối năm.
“Ngoài số người thiệt mạng, đằng sau đấy là tài sản nguồn lực để cho sản xuất kinh doanh bị mất trắng. Rõ nhất là nông nghiệp hoa màu, chăn nuôi, thủy sản, sản xuất công nghiệp ở nhiều vùng, kho bãi, hệ thống giao thông vận tải bị tàn phá”, ông Thành nêu rõ.
Cần những chính sách tương tự như COVID-19
Để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, ông Thành cho rằng có hai chính sách giống như thời kỳ COVID-19 có thể triển khai được luôn là tiền tệ liên quan đến khoanh nợ, hỗ trợ cho vay và giảm lãi suất; và chính sách tài khóa liên quan đến miễn giảm hoãn các loại thuế. Hay, trước đó, có nhiều gói hỗ trợ chưa thực hiện được thì có thể tính toán nguồn lực này hỗ trợ trực tiếp cho những hộ gia đình, cơ sở sản xuất kinh doanh phục hồi sau lũ.
"Các cơ chế hỗ trợ tài chính cần được tính toán làm thế nào để nhanh hơn và hiệu quả hơn", ông Thành nêu rõ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Việt cũng cho rằng, Nhà Nước cũng cần nhanh chóng công bố những chính sách miễn giảm hoãn thuế đã rất thành công trước đây. Theo đó, bất kể khu vực nông nghiệp của các hộ kinh doanh, hộ gia đình nuôi trồng, thủy hải sản hay trong sản xuất kinh doanh xuất khẩu để giúp doanh nghiệp sử dụng nguồn lực tiết kiệm để nhanh chóng tái đầu tư, khôi phục lại sản xuất kinh doanh.
“Nhà nước sẽ phải cân đối nguồn lực, một mặt để cứu trợ hỗ trợ trực tiếp cho đối tượng tổn thương, mặt khác cũng phải cân đối làm sao giãn miễn giảm cho khu vực sản xuất là yếu tố cần thiết”, ông Việt nêu rõ.
Cùng với đó, các ngân hàng dưới vai trò của Ngân hàng Nhà nước cũng có thể xem xét lại đánh giá rủi ro của các khoản vay, khoanh lại các khoản nợ và tạo cơ chế để cho nhóm đối tượng xác định được thiệt hại rõ ràng thì sẽ tiếp tục cấp kinh phí dự án khả thi trong việc phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, cần rà soát đánh giá tổng thể các hệ thống cơ sở hạ tầng kể cả khu vực nông thôn, khu công nghiệp, kết nối hạ tầng giữa các vùng để có giải pháp ứng phó, hỗ trợ kịp thời, thông suốt về giao thông vận tải, logistics cho các khu vực.
“Tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi thống thoáng để không chỉ doanh nghiệp bị thiệt hại mà những doanh nghiệp không bị thiệt hại cũng hứng khởi đầu tư vào hoạt động sản xuất kinh doanh và tiếp tục sản xuất bù đắp cho những thiệt hại vừa qua đảm bảo mục tiêu tăng trưởng 2024”, ông Việt nhấn mạnh.