Triển vọng tài khóa của Việt Nam tương đối ổn định

Ông Paulo Medas - Trưởng đoàn tham vấn Điều khoản IV của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đánh giá, theo các kết quả phân tích của IMF, nhìn chung triển vọng tài khóa của Việt Nam tương đối ổn định.

Bà Hoàng Diệu Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) điều hành Tọa đàm.

Bà Hoàng Diệu Linh - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) điều hành Tọa đàm.

Trong khuôn khổ chương trình làm việc với Đoàn tham vấn Điều khoản IV của IMF, chiều ngày 24/6, Bộ Tài chính và IMF phối hợp tổ chức Tọa đàm về phân tích của IMF đối với các vấn đề tài khóa.

Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia kinh tế của IMF; đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia của IMF đã có bài trình bày về 03 nội dung: Tính bền vững của nợ công và khả năng tiếp cận vốn trên thị trường của các quốc gia cũng như sơ bộ về tính bền vững của nợ công dựa trên dữ liệu cập nhật của Bộ Tài chính cung cấp; Sự minh bạch tài khóa và chia sẻ kinh nghiệm của các quốc gia trong việc cải thiện báo cáo tài khóa và lợi ích của tăng cường minh bạch tài khóa; Những vấn đề thách thức đối với thị trường trái phiếu Chính phủ (TPCP) tại Việt Nam và những khuyến nghị của IMF đối với sự phát triển của thị trường TPCP tại Việt Nam.

Đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Vụ Ngân sách Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) và đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có những trao đổi, thông tin với IMF về các nội dung liên quan đến nợ công, TPCP và minh bạch ngân sách nhà nước.

Ông Paulo Medas - Trưởng đoàn tham vấn Điều khoản IV của IMF phát biểu tại Tọa đàm.

Ông Paulo Medas - Trưởng đoàn tham vấn Điều khoản IV của IMF phát biểu tại Tọa đàm.

Liên quan đến nội dung về tính bền vững của nợ công, ông Paulo Medas - Trưởng đoàn tham vấn Điều khoản IV của IMF đánh giá, theo các kết quả phân tích của IMF, nhìn chung triển vọng tài khóa của Việt Nam tương đối ổn định. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam tương đối cao so với các quốc gia mới nổi khác. Nợ công trong trung hạn của Việt Nam vẫn trong phạm vi kiểm soát.

Theo ông Paulo Medas, trong thời gian qua, do chịu ảnh hưởng của các cú sốc, mức nợ công của hầu hết quốc gia của khu vực châu Á tương đối cao, thậm chí một số quốc gia đã tăng gấp đôi và hơn gấp đôi mức nợ. Tuy vậy, Việt Nam là một trong số trường hợp ngoại lệ khi duy trì được mức nợ bền vững và tương đối thấp so với một số quốc gia khác trong khu vực.

Đại diện IMF cũng cho rằng, một số khó khăn, thách thức mà Việt Nam đang gặp phải là xu hướng chung khá phổ biến ở châu Á.

Về phát triển thị trường TPCP, đại diện Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính cho hay, cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, từ năm 2017, Việt Nam đã tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động quản lý nợ, trong đó bao quát thị trường TPCP. Ngay từ thời điểm đó, nhiều yếu tố nền tảng cho sự phát triển thị trường này đã tiếp tục hoàn thiện nhằm hướng tới mục tiêu đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, xây dựng đường cong lãi suất để làm tham chiếu cho thị trường tài chính.

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã tích cực thực hiện các giải pháp phát triển thị trường TPCP theo thông lệ quốc tế, đáp ứng nhu cầu huy động vốn cho ngân sách nhà nước và làm tham chiếu về lãi suất cho các thị trường tài chính. Khối lượng phát hành trái phiếu Chính phủ gắn kết chặt chẽ với nhu cầu chi đầu tư phát triển, trả nợ gốc của ngân sách trung ương, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, lãi suất phát hành được điều hành phù hợp với tình hình thị trường và gắn với mục tiêu tái cơ cấu nợ công theo hướng bền vững, góp phần cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia.

Quang cảnh Tọa đàm.

Quang cảnh Tọa đàm.

Thời gian tới, bám sát Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, Bộ Tài chính sẽ tích cực thực hiện một số giải pháp để thị trường TPCP tiếp tục phát triển: đa dạng hóa các sản phẩm và kỳ hạn TPCP để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư, góp phần hoàn thiện đường cong lãi suất chuẩn trên thị trường tài chính; tiếp tục phát hành định kỳ TPCP với kỳ hạn dài để thu hút các nhà đầu tư là các công ty bảo hiểm, các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí và các định chế tài chính phi ngân hàng khác.

Cùng với đó, tiếp tục phối hợp với các tổ chức quốc tế nghiên cứu các giải pháp để đưa TPCP vào rổ chỉ số trái phiếu quốc tế để nâng cao tính cạnh tranh và thu hút nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư vào thị trường TPCP Việt Nam….

PV.

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/chuyen-gia-quy-tien-te-quoc-te-trien-vong-tai-khoa-cua-viet-nam-tuong-doi-on-dinh.html