Chuyên gia tâm lý: Phụ huynh đừng vội tìm lớp học thêm

Ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội cho rằng, Bộ GD&ĐT siết chặt quản lý về dạy thêm học thêm, cha mẹ đừng vội hoang mang, thay vào đó hãy hướng con phát huy khả năng tự học.

Theo ông Sơn, lâu nay chúng ta đã chứng kiến tình trạng những đứa trẻ kết thúc một ngày học dài ở trường, lại phải nhai vội cái bánh mì để cha mẹ chở đến các lớp học thêm. Có những đứa trẻ rời nhà từ 6 giờ sáng và trở về lúc 22 giờ đêm với tinh thần mệt mỏi, sức lực kiệt quệ. Thử hỏi, trong một ngày đó, các em “tiêu hóa” được bao nhiêu tri thức? Mở rộng được bao nhiêu vốn sống?

Điều đáng nói, cả xã hội điên cuồng chạy đua với học thêm, mà mục tiêu chỉ nhằm phục vụ cho các kỳ thi. Từ trẻ mầm non học “tiền tiểu học”, đến lớp 1 phải rèn chữ đẹp, học thêm để tham gia các cuộc thi mang tầm quốc tế… làm đẹp học bạ đến ôn thi vượt cấp, thi vào trường chuyên, thi đại học…

Ông Sơn nói rằng, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 29 cùng với các quy định về dạy thêm, học thêm trong và ngoài trường học, những trường hợp không được học thêm, thầy cô muốn dạy thêm thì cần phải làm gì mà là rất đúng trong bối cảnh hiện nay.

Quy định này không chỉ nhằm hạn chế tình trạng học thêm tràn lan, mà còn tạo điều kiện để học sinh phát triển kỹ năng tự học, tư duy độc lập và chủ động tiếp cận tri thức.

Ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội.

Ông Nguyễn Đình Sơn, chuyên gia tâm lý tuổi vị thành niên, Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội.

Các nhà trường lúc này cần xây dựng lại kế hoạch dạy học đúng chương trình với mức độ, khối lượng kiến thức đảm bảo yêu cầu cần đạt của Bộ GD&ĐT. Ngoài thời gian học tập, trường học hình thành các câu lạc bộ, góc vui chơi, thư viện mở… để các em được vui chơi, nô đùa, tự đọc sách, tìm hiểu thêm kiến thức, gắn kết tình bạn để đến trường đúng nghĩa là “những ngày vui”, không chỉ có học và học.

Tăng cường quản lý về dạy thêm học thêm, nếu thực hiện nghiêm như chỉ đạo của Thủ tướng sẽ mở ra một hành trình mới, đó là hành trình tự học, tự khám phá, lĩnh hội tri thức.

Khuyến khích con chủ động học tập

Đối với nhiều học sinh lâu nay quen với lối học thụ động, được truyền thụ kiến thức theo kiểu “cho gì nhận nấy”, thầy cô đưa sẵn đáp án thì nay sẽ là một thách thức.

Tuy nhiên, phụ huynh đừng vội lo lắng, hoang mang và cũng đừng vội bổ nhào đi tìm trung tâm để con học thêm khi bỗng dưng giáo viên, nhà trường dừng tất cả các lớp học ngoài giờ chính khóa. Cha mẹ hãy thử nghĩ, một ngày ở trường con được thầy cô cung cấp một lượng kiến thức mới, khi về nhà cũng cần có thời gian làm bài tập, nghiền ngẫm thêm.

Chuyên gia gợi ý, học sinh có thể học cách rèn tư duy sâu bằng cách thường xuyên đặt các câu hỏi “tại sao”, "có cách nào khác không?"...

Chuyên gia gợi ý, học sinh có thể học cách rèn tư duy sâu bằng cách thường xuyên đặt các câu hỏi “tại sao”, "có cách nào khác không?"...

Em có năng lực, ham mê sẽ tò mò tìm hiểu sâu hơn nữa về các tác phẩm hay, gốc rễ của một vấn đề mà tài liệu hiện nay đầy rẫy ở mạng internet. Đây chính là cơ hội để con tự lập trong học tập và rèn tư duy độc lập và sáng tạo.

Hãy tưởng tượng có hai cái cây, trong đó cây thứ nhất được tưới nước đều đặn theo lịch trình, nhưng chỉ sống trong một chậu nhỏ, không có cơ hội vươn mình. Nếu không có bàn tay chăm sóc, nó khó có thể phát triển.

Cây thứ hai mang trong mình hạt giống đầy tiềm năng, được gieo trồng trong môi trường đa dạng, tự vươn rễ tìm nước, thích nghi với thời tiết và từng bước trở thành một cây cổ thụ vững chãi.

Hai cái cây này tượng trưng cho hai kiểu học tập đó là nội lực và ngoại lực trí tuệ. Khi học sinh biết tự học, tự khám phá tri thức, tư duy đa chiều sẽ hiểu sâu, rộng vấn đề và linh hoạt, sáng tạo. Còn ngược lại, học sinh chỉ học để đạt được điểm số nhất định, thụ động, phụ thuộc người dạy “cho gì” thay vì chủ động tìm kiếm tri thức.

“Một số phụ huynh bày tỏ sự lo lắng khi có nhiều thời gian rảnh rỗi, trẻ sẽ sa đà vào ham mê chơi điện tử, lướt điện thoại vô bổ điều đó cũng có lý tuy nhiên khi trẻ không ham mê, hứng thú với việc học, có ép đến các trung tâm học thêm, các em cũng không tập trung nghe giảng, khó lĩnh hội được kiến thức như cha mẹ kỳ vọng”, ông Nguyễn Đình Sơn, Hội Tâm lý Giáo dục học Hà Nội.

Cha mẹ đừng lo lắng mà tiếp tục ép con học thêm; khuyến khích con tự tìm tòi, đọc sách, khám phá những điều mới cũng như tạo môi trường học tập tích cực, nơi con không sợ sai, không ngại thử thách.

Muốn làm được điều đó, cha mẹ đừng đặt nặng điểm số, gây áp lực cho con mà kiên nhẫn đồng hành. Giáo dục không chỉ dừng lại ở điểm số mà cần rèn luyện tư duy học hỏi để con tự tin giải quyết các vấn đề trong cuộc sống.

Đối với học sinh, chuyên gia này khuyên, các em cũng không cần phải quá lo lắng hay hân hoan vì không cần hay không phải đi học thêm mà hãy xác định đây là cơ hội để hình thành thói quen tự học.

Mỗi người có cách học khác nhau nhưng trước hết cần nhận thức được vấn đề, học không phải ghi nhớ kiến thức phục vụ cho các kỳ thi mà còn phải hiểu, kết nối, vận dụng được tri thức một cách sâu sắc.

Chuyên gia gợi ý, học sinh có thể học cách rèn tư duy sâu bằng cách thường xuyên đặt các câu hỏi “tại sao”, "có cách nào khác không?"… Hay hiểu vấn đề đa chiều, nhìn nhận bài học trong bối cảnh thực tế hiện nay cũng như có sự kết nối kiến thức giữa các môn học, giúp việc học trở nên thú vị hơn.

Tuy nhiên, ông Sơn cũng cho rằng, với trẻ thụ động, lâu nay các em đã quen với việc bố mẹ sẽ nhắc lịch đi học thêm, nhắc thời gian làm bài tập thì nay cũng cần thay đổi những thói quen đó để chủ động hơn bằng việc tích cực đọc sách, hẹn giờ ngồi vào bàn học.

Thầy cô nào cũng mong muốn có trò giỏi. Mà để có trò giỏi, trước hết thầy phải giỏi, tâm huyết, dạy hết năng lực, kiến thức ngay trong các giờ học theo chương trình.

Ngoài ra, thầy cô hướng dẫn, giao bài, gợi mở các vấn đề để học sinh tự học hỏi. Thay vì giảng bài một chiều, thầy cô hãy đặt câu hỏi để học sinh suy nghĩ sâu sắc hơn, thay vì đưa đáp án, hãy hướng dẫn cách tự tìm kiếm và xử lý thông tin thì tin chắc rằng, các em sẽ hào hứng và tiến bộ.

Thông tư 29 của Bộ GD&ĐT đưa ra những quy định mới về dạy thêm, học thêm có hiệu lực từ ngày 14/2 tới, trong đó có 3 trường hợp cấm dạy thêm học thêm đó là: Học sinh tiểu học (trừ bồi dưỡng nghệ thuật, rèn luyện thể dục thể thao, kỹ năng sống); giáo viên trường công lập không được tổ chức, tham gia điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường; giáo viên dạy học tại các trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền đối với học sinh của mình trên lớp.

Hà Linh

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chuyen-gia-tam-ly-phu-huynh-dung-voi-tim-lop-hoc-them-post1716353.tpo