Chuyên gia: Thận trọng đối với điện mặt trời mái nhà nối lưới là cần thiết
Chuyên gia khẳng định, việc thận trọng đối với các dự án điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có nối lưới là cần thiết, bởi việc nối lưới có thể ảnh hưởng đến công tác điều độ hệ thống điện chung của cả nước, gây ra khó khăn trong chủ động vận hành các nguồn điện.
Trao đổi với Tạp chí Công Thương, chuyên gia Đào Nhật Đình cho biết, Dự thảo Nghị định quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu hiện đang đưa ra chính sách đối với 2 loại hình: điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không nối lưới và điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có nối lưới.
Đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu không nối lưới, có thể phát triển thoải mái, không giới hạn công suất và có biểu mẫu để thực hiện theo.
Còn đối với điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu có nối lưới, Dự thảo Nghị định đã giới hạn trong khoảng 2.600MW đến năm 2030 được phân bổ đến các địa phương như nội dung Quy hoạch điện VIII. Dự thảo cũng yêu cầu các hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất lớn (500kWp trở lên) phải có hệ thống điều khiển từ xa và kết nối với đơn vị điều độ khu vực.
“Tôi thấy việc thận trọng này là cần thiết, vì việc nối lưới có thể ảnh hưởng đến công tác điều độ hệ thống điện chung của cả nước”, chuyên gia Đào Nhật Đình khẳng định.
Phân tích cụ thể hơn, chuyên gia cho biết, hiện nay, các dự án điện khi nối với lưới điện quốc gia được phân loại điều độ theo các cấp, từ cấp điều độ quốc gia, đến cấp điều độ miền, dưới là cấp điều độ phân phối (tỉnh, quận huyện).
Tuy nhiên, nguồn điện mặt trời mái nhà có đặc điểm là có thể phát triển ở quy mô công suất nhỏ hoặc rất nhỏ đến lớn và có tính rải rác, chủ yếu được điều khiển ở cấp điều độ phân phối. Như vậy, nếu cho phép nối lưới loại hình này ồ ạt, sẽ rất khó để biết được có bao nhiêu công suất được phát lên lưới, dẫn đến khó khăn trong điều độ được hệ thống điện khu vực hoặc quốc gia ổn định bởi không thể chủ động trong huy động hay ngừng huy động nguồn điện này.
Chuyên gia Đào Nhật Đình ví dụ, dịp nghỉ lễ, nhu cầu phụ tải thường giảm thấp, như ngày 1/5 vừa qua có thời điểm buổi trưa phụ tải cả nước xuống khoảng 30.000MW, chỉ riêng điện mặt trời (bao gồm điện mặt trời mái nhà và điện mặt trời trang trại) đã phát gần 10.000MW, chiếm khoảng 33,3% toàn hệ thống, “phần còn lại hơn 66% các nguồn điện khác, nhà máy khác phải chen nhau chạy”, chuyên gia nói.
Thế nhưng, khi phụ tải lên cao điểm vào buổi tối, nguồn điện này lại hoàn toàn không phát lên lưới. Và khi đó, các nguồn điện nền - như nhiệt điện than, thủy điện, nhiệt điện khí - lại phải được huy động tăng lên gấp nhiều lần để có thể “gánh” được hệ thống, khi không còn 10.000MW điện mặt trời.
Nếu như hệ thống còn phải tiếp nhận thêm một lượng lớn công suất điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu nối lưới, thì vào thời điểm trưa khi nắng nhiều, điện mặt trời phát mạnh, các nguồn khác buộc phải tắt, không huy động. Đến tối, các tổ máy này không thể kịp thời bật lại để huy động kịp thời, bởi thời gian khởi động lại một tổ máy nhiệt điện than ít nhất là 8 tiếng, có những nhà máy mất đến 2-3 ngày để khởi động lại; nhiệt điện khí nhanh hơn, song cũng mất vài giờ đồng hồ do các nhà máy điện khí ở nước ta hiện chủ yếu là tua-bin khí hỗn hợp. Nguồn điện nền có thể khởi động lại nhanh nhất là thủy điện, chỉ mất 5-15 phút, thì hiện đang trong giai đoạn phải huy động tiết kiệm để đảm bảo cung ứng điện cho mùa khô.
Liên quan đến việc mua bán điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu, chuyên gia Đào Nhật Đình chỉ cho rằng nên cân nhắc đến một trường hợp là các doanh nghiệp thuê một bên thứ ba để đầu tư và vận hành điện mặt trời mái nhà, sau đó trực tiếp sử dụng điện từ hệ thống đó.
“Vì lý do tài chính, mà nhiều công ty lớn trên thế giới không muốn tự đầu tư, muốn có bên thứ 3 đầu tư trên chính mái nhà của cơ sở công ty đó và họ tự dùng hết lượng điện này. Vấn đề này hiện nay vẫn chưa được coi là tự sản, tự tiêu. Nghị định cũng nên cân nhắc để có cơ chế thoáng hơn với trường hợp này”, chuyên gia Đào Nhật Đình đặt vấn đề, cho rằng nếu yêu cầu một bên thứ ba phải có đầy đủ tất cả giấy phép sản xuất và mua bán điện, đăng ký công suất thì nhu cầu có thể giảm đi rất nhiều.
Chuyên gia cũng thông tin thêm, hiện có khá nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới áp dụng cơ chế giá theo từng thời điểm đối với các dự án điện mặt trời mái nhà, như Đức, hay bang California (Mỹ). Tức là khi bán lên lưới, vào những giờ nhất định, giá bán sẽ ở mức “âm”, có nghĩa bán lên lưới vào giờ đó thì phải tự trả tiền. Khung giờ này thường được đặt vào 12h00 trưa, khi điện mặt trời mái nhà phát mạnh. Mức giá “dương” được áp dụng ở các khung giờ khác trong ngày.
“Cơ chế gía âm sẽ khuyến khích người ta lưu trữ lại để bán vào giờ giá dương, qua đó thu lợi về tổng thể”, chuyên gia Đào Nhật Đình nhấn mạnh.
Dù vậy, chuyên gia cũng chia sẻ, mấu chốt của cơ chế này là sự chênh lệch giữa giá dương và giá âm phải đủ lớn để đầu tư hệ thống lưu trữ là có lợi, vì đầu tư và vận hành một hệ thống pin lưu trữ là khá tốn kém. Điều này lại đặt ra vướng mắc trong câu chuyện giá điện khi đến người tiêu dùng cuối cùng.
“Về mặt kĩ thuật, Việt Nam hoàn toản có thể áp dụng cơ chế giá điện âm, giá điện dương. Tuy nhiên, về mặt tài chính liệu có cho phép áp dụng được không?”, chuyên gia đặt ngược lại vấn đề.
Theo Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, loại hình điện mặt trời mái nhà hiện đã chiếm tỷ trọng đáng kể trong Hệ thống điện Quốc gia. Xét về công suất lắp đặt, nguồn điện mặt trời mái nhà có tỉ trọng cao hơn nhiều loại hình nguồn điện năng lượng tái tạo khác như Điện gió, điện sinh khối. Thậm chí công suất lắp đặt của điện mặt trời mái nhà còn vượt qua công suất thủy điện nhỏ và tua-bin khí là những loại nguồn điện đã từng chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nguồn điện của Việt Nam trước đây.
Trong những thời điểm tiềm năng bức xạ tăng cao, công suất điện mặt trời mái nhà có nguy cơ vượt quá khả năng hấp thụ của lưới điện khu vực.