Vaccine đã có, vì sao dịch tả lợn Châu Phi chưa giảm?

Dịch tả lợn châu Phi vẫn phức tạp, dù vaccine trong nước hiệu quả, giá rẻ và được coi là 'lá chắn thép' cho đàn lợn. Thế nhưng, việc tiêm phòng chưa được triển khai rộng rãi, nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ vẫn thờ ơ dù rủi ro dịch bệnh luôn tiềm ẩn.

Ngày 23/7/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường tổ chức hội nghị “Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi và kiểm soát giết mổ động vật”. Phát biểu tại hội nghị, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi và Thú y Phan Quang Minh cho biết, năm 2024, thế giới ghi nhận 9.255 ổ dịch tả lợn châu Phi tại 44 quốc gia, với hơn 3,3 triệu con lợn mắc bệnh, hơn 390.000 con chết và bị tiêu hủy. Riêng 6 tháng đầu năm 2025, đã có hơn 5.800 ổ dịch tại 22 quốc gia, buộc phải tiêu hủy hơn 194.800 con lợn.

Tại Việt Nam, năm 2024 có 1.609 ổ dịch tại 48 tỉnh, làm chết và tiêu hủy gần 90.000 con lợn. Từ đầu năm đến 22/7/2025, cả nước ghi nhận 636 ổ dịch tại 30 tỉnh, hơn 42.000 con mắc bệnh và hơn 43.000 con bị tiêu hủy. Hiện vẫn còn 256 ổ dịch chưa qua 21 ngày tại 26 tỉnh. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, số lợn mắc bệnh và bị tiêu hủy đã giảm hơn 34%.

Theo ông Minh, dịch tả lợn châu Phi hiện nay chủ yếu tái phát tại các ổ dịch cũ, bùng phát ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện vệ sinh chưa đảm bảo. Nguy cơ lây lan vẫn cao do chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến, người nuôi chủ quan, chưa tiêm vaccine dù đã có vaccine trong nước. Thực tế vẫn còn tình trạng giấu dịch, bán chạy lợn bệnh hoặc vứt xác lợn ra môi trường. Trong khi đó, lực lượng thú y cơ sở còn mỏng, nhiều xã chưa có cán bộ thú y, ảnh hưởng đến công tác giám sát và xử lý ổ dịch kịp thời.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành khi vaccine hiệu quả, giá rẻ nhưng người chăn nuôi vẫn thờ ơ

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành khi vaccine hiệu quả, giá rẻ nhưng người chăn nuôi vẫn thờ ơ

Hiện Việt Nam đã sản xuất thành công ba loại vaccine dịch tả lợn châu Phi với tổng cộng gần 8 triệu liều cung ứng ra thị trường, tỷ lệ chết sau tiêm cực thấp, hiệu lực bảo hộ cao, giúp nhiều địa phương kiểm soát ổn định dịch bệnh. Giá vaccine chỉ khoảng 62.000 – 63.000 đồng/lọ, tương đương giá 1 kg lợn hơi.

Tuy nhiên, thực tế nhiều người chăn nuôi vẫn chưa tiếp cận hoặc chưa sẵn sàng tiêm phòng cho đàn lợn. Một phần do tâm lý chủ quan, e ngại chi phí, một phần do chưa có sự hỗ trợ, hướng dẫn đồng bộ từ cơ sở. Trong khi đó, các ổ dịch mới vẫn tái xuất hiện, nhất là sau mưa lũ, gây nguy cơ lây lan diện rộng.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng cần làm rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành khi vaccine đã chứng minh hiệu quả, giá chỉ 62.000 – 63.000 đồng/lọ nhưng người chăn nuôi vẫn chưa tiếp cận. Vaccine đã có, vấn đề còn lại là ngành cần rà soát, tháo gỡ rào cản, đưa vaccine đến tay người nuôi để kiểm soát dịch bệnh một cách bền vững.

“Vaccine dịch tả lợn là niềm tự hào của Việt Nam, thế giới chưa làm được thì ta đã làm được, vaccine đã là ‘lá chắn thép’ bảo vệ đàn lợn. Vậy vì sao người dân vẫn không tiêm? Giá thịt lợn hơi bán ra hơn 62.000 đồng/kg, cao nhưng vẫn kêu lỗ, không tiêm phòng thì làm sao bảo vệ được đàn lợn?”, Thứ trưởng đặt vấn đề.

Ông nhấn mạnh, nếu không kiểm soát dứt điểm được dịch tả lợn châu Phi, mục tiêu xuất khẩu nông sản đạt 70 tỷ USD, tăng trưởng toàn ngành 4% và riêng ngành chăn nuôi tăng 5,75% sẽ khó hoàn thành.

Vân Hồng/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/vaccine-da-co-vi-sao-dich-ta-lon-chau-phi-chua-giam-post1217137.vov