Chuyên gia Úc đề xuất biện pháp để đạt miễn dịch cộng đồng

Một địa điểm xét nghiệm COVID-19 tại Melbourne, Úc. Ảnh: AFP/TTXVN

Một mô hình theo dõi đại dịch COVID-19 áp dụng tại Úc cho thấy chiến lược tiêm chủng hiện tại của nước này nên ưu tiên tiêm vắc xin cho những người từ 12-40 tuổi để đạt được miễn dịch cộng đồng.

Kết quả nghiên cứu trên được công bố ngày 6/9 trên tạp chí y khoa Úc (MJA), dựa trên mô hình theo dõi mới do Đại học James Cook (JCU) phát triển.

Mô hình này theo dõi nhiều lứa tuổi khác nhau, khả năng lây nhiễm, mức độ nhạy cảm và mức độ nghiêm trọng để đánh giá tác động của dịch COVID-19 trong các tình huống can thiệp y tế cộng đồng khác nhau.

Mô hình cũng theo dõi các chương trình tiêm chủng khác nhau, như các chương trình chỉ sử dụng vắc xin của AstraZeneca, chỉ sử dụng vắc xin của Pfizer/BioNTech và các chương trình sử dụng nhiều loại vắc xin khác nhau.

Theo Giáo sư dịch tễ học Emma McBryde tại Viện Y học và Bệnh nhiệt đới Úc thuộc JCU, mô hình trên cho thấy chiến lược tiêm vắc xin ngừa COVID-19 hiện nay của Úc đối với nhóm người cao tuổi dễ bị tổn thương là chiến lược tối ưu để giảm số ca nhập viện và tử vong vì COVID-19. Tuy nhiên, chiến lược này khó có thể tạo ra miễn dịch cộng đồng do chưa rõ hệ số lây nhiễm của biến thể Delta.

Bà McBryde nhấn mạnh: “Kế hoạch tiêm vắc xin cho 80% dân số trưởng thành, tức 65% tổng dân số, không đủ để hình thành miễn dịch cộng đồng”.

Bà cho biết ước tính một người mắc COVID-19 có thể truyền virus cho 3-7 người khác. Nếu tính toán hệ số lây nhiễm trung bình là 5, ít nhất 85% dân số, bao gồm cả trẻ em, sẽ cần được tiêm phòng để đạt được miễn dịch cộng đồng. Các chuyên gia đã nghiên cứu hai chiến lược phân phối vắc xin có thể thay thế chiến lược hiện tại.

Theo đó, chiến lược đầu tiên tập trung vào việc tiêm vắc xin cho nhóm dễ bị tổn thương (những người trên 55 tuổi), trong khi chiến lược thứ hai ưu tiên những người dễ bị lây nhiễm nhất (những người dưới 55 tuổi). Nhóm nghiên cứu đề xuất Chính phủ Úc ưu tiên vắc xin của Pfizer cho những nhóm trẻ tuổi hơn, cụ thể là 12-40 tuổi. Hiện Úc áp dụng tiêm vắc xin của Pfizer/BioNTech và Moderna cho trẻ em.

Cùng ngày, theo phóng viên TTXVN tại Sydney, Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt xác nhận chính phủ nước này đã phê duyệt 28 loại xét nghiệm kháng nguyên nhanh và Cơ quan Quản lý dược phẩm Úc (TGA) sẽ sớm đưa ra quyết định cuối cùng.

Bộ trưởng Hunt cho biết TGA đang tiến hành đánh giá xem liệu các bộ xét nghiệm nhanh nói trên có thể được thực hiện mà không cần tới sự giám sát của nhân viên y tế hay không và dự kiến sẽ đưa ra quyết định phê duyệt sớm nhất trong vài tuần tới.

Các bộ xét nghiệm nhanh này có thể cho kết quả trong vòng 15 phút hiện đang được sử dụng tại nơi làm việc, cơ sở chăm sóc người cao tuổi và một số cơ sở khác ở Úc.

Hiện Anh, Mỹ và châu Âu đã cấp phép sử dụng các bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại nhà nhằm giúp phát hiện sớm các ca mắc COVID-19. Tuần trước, Giám đốc TGA John Skerritt cho biết các xét nghiệm kháng nguyên nhanhkhông chính xác bằng xét nghiệm PCR nhưng lại phát huy hiệu quả hơn ở những nơi có nhiều ca mắc COVID-19.

Về tình hình dịch bệnh tại Úc, trong ngày 5/9, tổng số ca mắc mới COVID-19 mới ở nước này là hơn 1.500 ca, trong đó bang New South Wales ghi nhận 1.281 ca, bang Victoria 246 ca và thủ đô Canberra 11 ca.

Cho đến nay, hơn 62% người dân Úc từ 16 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa COVID-19 và 38,2% đã được tiêm đủ liều.

Đến nay, Úc thuộc diện những quốc gia ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh hơn so với các nước khác. Nước này đã ghi nhận 61.609 ca nhiễm và 1.039 ca tử vong. Tuy nhiên, đợt bùng phát dịch do biến thể Delta siêu lây nhiễm đã đặt câu hỏi lớn đối với chiến lược “Không ca nhiễm” được áp dụng trong các làn sóng lây nhiễm trước.

T.LÊ (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/263628/chuyen-gia-uc-de-xuat-bien-phap-de-dat-mien-dich-cong-dong.html