Chuyên gia: Xây bể ngầm chống ngập ở Hà Nội chỉ là phương án đối phó tạm thời

Chuyên gia cho rằng xây bể chống ngập chỉ là phương án tạm thời, để giải quyết triệt để tình trạng ngập sau mưa lớn thì Hà Nội cần các biện pháp tổng thể và đồng bộ.

Tại hội nghị giao ban của UBND TP Hà Nội chiều 2/6, ông Võ Nguyên Phong - Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị giao UBND quận Hoàn Kiếm nghiên cứu triển khai phương án xây dựng bể ngầm điều tiết chứa nước mưa khu vực ngã 5 Bát Đàn - Đường Thành để giải quyết tình trạng ngập úng.

Bàn luận về giải pháp này, GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguyên Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam coi đây chỉ là một phương án đối phó tạm thời.

“Nếu có đất thì có thể làm được nhưng sẽ tốn rất nhiều kinh phí. Phải xem xét dung tích bể chứa là bao nhiêu, vận hành như thế nào, xây dựng có nối đường ống để chảy ra sông không hay khi đầy sẽ điều xe đến hút đi…

Giải pháp này không thể giải quyết triệt để tình trạng ngập úng sau mưa mà Hà Nội đang gặp. Để làm được Hà Nội cần nghiêm túc xem xét các giải pháp tổng thể”, ông Hồng nói.

Thạc sĩ Vũ Hoàng Điệp - giảng viên chuyên ngành Kỹ thuật hạ tầng, ĐH Kiến trúc Hà Nội nhận định về mặt lý thuyết thì đây là một giải pháp tốt. Tuy nhiên, để thực hiện được phải căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch cao độ nền, thổ nhưỡng cũng như khả năng vận hành của hệ thống khi hoàn thiện.

"Nếu địa hình thuận lợi, đáp ứng được các yêu cầu, thực hiện được là tốt. Ngược lại nếu không thỏa mãn được các điều kiện cần sẽ sinh ra lợi bất cập hại. Vậy nên, Hà Nội cần có kế hoạch đánh giá thật chi tiết”, ông Điệp nói.

Các phương tiện khó khăn khi đi qua biển nước tại ngã ba giao giữa đại lộ Thăng Long và đường Lê Trọng Tấn (Thiên đường Bảo Sơn) sau trận mưa lớn cuối tháng 5.

Các phương tiện khó khăn khi đi qua biển nước tại ngã ba giao giữa đại lộ Thăng Long và đường Lê Trọng Tấn (Thiên đường Bảo Sơn) sau trận mưa lớn cuối tháng 5.

Điều chỉnh quy hoạch đô thị

GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, để giải quyết vấn đề thoát nước, Hà Nội cần tìm ra những yếu tố có thể cải thiện được tình hình.

“Trong cuốn sách Thủy văn công trình của tác giả người Mỹ Victor Miguel Ponce viết rằng: Khi nhiệt độ môi trường tăng cao, các đám mây chứa đầy hơi nước sẽ bị đẩy lên cao, gặp lạnh, dẫn đến mưa.

Nhìn vào những số liệu mà Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn quốc gia cung cấp, thời gian gần đây, quận Cầu Giấy luôn phải hứng chịu lượng mưa lớn nhất, cụ thể chiều 29/5 là 170 mm/2 giờ.

Quận Cầu Giấy được xem là nút giao thoa giữa nội thành và ngoại thành. Vào thời điểm tan tầm, tất cả mọi người đổ xô ra đường, mật độ phương tiện di chuyển qua khu vực này dày đặc, nhiệt độ tăng cao. Khi khối không khí đang chứa một lượng hơi nước lớn, lại gặp nguồn nhiệt đó, sẽ bị đẩy lên cao. Hơi nước gặp lạnh ngưng tụ lại thành các hạt nước và rơi xuống thành mưa. Đó cũng là lý do các cơn mưa lớn thường diễn ra vào các buổi chiều tối”, ông Hồng phân tích.

Các nhà quản lý đô thị Hà Nội hãy tự mình ngẫm suy việc ngập lụt ngoài yếu tố thiên tai, thì bao nhiêu phần trăm là do nhân tai?

TS Tô Văn Trường

Để khắc phục tình trạng trên, Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến nghị, phải giảm mật độ dòng xe vào một khu vực (quận, huyện, tuyến đường) trong cùng một thời điểm, đồng nghĩa với việc phải xem xét lại quy hoạch nối tiếp giữa nội thành và ngoại thành.

“Việc điều tiết tuyến đường, giảm ùn tắc giao thông, hạn chế sự gia tăng của nền nhiệt góp phần hạn chế những trận mưa lớn cục bộ.

Mặt khác, chúng ta cũng nên thực hiện việc chia giờ làm việc và giờ nghỉ khác nhau giống như các nước phương Tây. Nếu cơ quan, doanh nghiệp nào cũng sáng 8h vào làm, chiều 5h tan làm thì công tác điều tiết phương tiện không tập trung vào một chỗ vẫn vô cùng khó khăn”, ông Hồng nói.

Cùng nhận định, TS Tô Văn Trường - chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam cho rằng, về quy hoạch đô thị Hà Nội cần được rà soát, điều chỉnh theo hướng không quy hoạch phát triển đô thị ở những khu vực trũng thấp, các rốn nước của thành phố. Ông Trường cho rằng không tách rời quy hoạch xây dựng như hiện nay mà cần được tích hợp vào quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.

“Các nhà quản lý đô thị Hà Nội hãy tự mình ngẫm suy việc ngập lụt ngoài yếu tố thiên tai, thì bao nhiêu phần trăm là do nhân tai?”, ông Trường đặt vấn đề.

Ứng dụng công nghệ và tận dụng sông, hồ tự nhiên

Để quá trình tiêu nước hiệu quả, bên cạnh giải pháp điều chỉnh quy hoạch đô thị, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, cần ứng dụng công nghệ cao, đồng thời tận dụng nơi thoát nước tự nhiên như sông, hồ…

“Môi trường sống của chúng ta đang thay đổi mạnh theo hướng tiêu cực làm biến đổi khí hậu, xuất hiện nhiều hơn các trận mưa lớn cục bộ dễ gây tình trạng ngập lụt theo khu vực. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta phải biết được mưa sẽ xảy ra ở đâu”, ông Hồng nói.

Vị chuyên gia này cho biết ở các thành phố lớn như New York (Mỹ), Matxcơva (Nga)… luôn được trang bị vệ tinh địa tĩnh với nhiệm vụ đo lượng nước tích trữ trong các đám mây trên cao. Đây là công nghệ giúp tính toán, dự báo những khu vực có lượng mưa bất thường để cảnh báo cho người dân cũng như cơ quan chức năng đối phó úng ngập.

“Khi biết được khu vực nào sắp có mưa, chúng ta sẽ chủ động hơn trong việc chuẩn bị hệ thống tiêu thoát nước, thực hiện công tác nạo vét ao hồ...

Nếu nước ao, hồ trong khu vực đã nhiều thì cần bơm chuyển cho khu vực không mưa, phương pháp này đã ứng dụng nhiều trong nông nghiệp. Nước ta đã sản xuất và tự chủ được nguồn máy bơm, đường ống nhưng chưa ứng dụng việc chuyển nước theo vùng để hạn chế ngập úng khi mưa lớn bởi vì không biết mưa ở đâu”, ông Hồng nói.

Ông Vũ Trọng Hồng chỉ ra rằng hiện có 9 con sông chảy qua Thủ đô gồm: sông Hồng, sông Đuống, sông Đà, sông Nhuệ, sông Cầu, sông Đáy, Cà Lồ, sông Tích và Tô Lịch. Trừ sông Tô Lịch nằm trong nội đô, 8 con sông còn lại đều chảy qua nhiều tỉnh, thành khác. Tuy vậy, thành phố chưa tận dụng triệt để những con sông này phục vụ công tác chống ngập úng.

“Dọc sông Tô Lịch có hàng trăm cống xả nước nhưng toàn là nước xả dân sinh. Tại sao không nối những cống xả đó để thoát nước mưa, điều này rất đơn giản nhưng chúng ta không làm”, vị chuyên gia này nói thêm.

Video: Mưa lớn, đường phố Hà Nội ngập sâu trong nước

Xây dựng nhiều hồ sinh thái

GS.TS Đào Xuân Học - Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, xây dựng nhiều hồ sinh thái sẽ là một trong những giải pháp hiệu quả giúp Hà Nội khắc phục được tình trạng ngập úng.

“Ao, hồ có vai trò quan trọng trong công tác thủy lợi, chống ngập úng, nước chảy vào đó thì không bị dềnh lên ở những nơi khác. Tôi cho rằng, nếu mỗi khu đô thị dành quỹ đất 10% để xây dựng hồ sinh thái thì chúng ta sẽ đạt được nhiều mục tiêu”, ông Học nói.

Ông Học cho biết, theo tính toán, chỉ cần có diện tích hồ ở mức 10% diện tích khu đô thị để chứa lượng mưa gia tăng là phù hợp với hạ tầng hiện có và đủ để giải quyết vấn đề úng ngập do mưa.

“Không chỉ giải quyết ngập úng, những hồ sinh thái đa năng sẽ mang lại cho chúng ta nhiều lợi ích khác nữa. Nếu hồ sinh thái có diện tích chiếm 10% quỹ đất, được đào sâu 5 - 6m sẽ thu về khối lượng đất để nâng cao nền khoảng 60 - 70cm, gần như không cần lấy cát từ sông để san nền nữa.

Một khu đô thị có nhà chung cư cao bình quân 5 tầng, diện tích xây dựng 30 - 40% tổng diện tích, cát san nền chiếm khoảng 80%, cát xây dựng chỉ chiếm khoảng 20%. Điều này làm giảm áp lực về nhu cầu cát và khai thác cát, kéo theo sự giảm mất cân bằng bùn cát, giảm sạt lở ven sông, kênh và ven biển. Ngoài ra, hồ sinh thái chứa nước này còn có tác dụng cải tạo không khí cho khu đô thị, môi trường sống”, ông Học nói thêm.

Anh Văn

Nguồn VTC: https://vtc.vn/chuyen-gia-xay-be-ngam-chong-ngap-o-ha-noi-chi-la-phuong-an-doi-pho-tam-thoi-ar680405.html