Chuyên gia y tế: Cạnh tranh giữa các bệnh viện sẽ rất khốc liệt!

Với chính sách cho bệnh nhân điều trị nội trú được thông tuyến lên bệnh viện tuyến tỉnh, nhiều chuyên gia dự đoán cuộc chiến giữ chân bệnh nhân sẽ rất khốc liệt.

Hết thời chiêu trò giữ chân bệnh nhân để tăng thu

Chính sách thông tuyến bảo hiểm y tế (BHYT), khi người bệnh điều trị nội trú được bảo hiểm y tế chi trả 100% khi điều trị vượt tuyến lên bệnh viện tuyến tỉnh có hiệu lực từ ngày 1/1.

Cụ thể, người bệnh có thẻ BHYT được tự lựa chọn điều trị nội trú tại bất kỳ bệnh viện tuyến tỉnh nào trên toàn quốc.

Dù thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh (KCB) ban đầu tại cơ sở y tế tuyến xã, tuyến huyện, nhưng nếu điều trị nội trú tại bệnh viện tuyến tỉnh, dù không cần giấy chuyển tuyến theo trình tự từ cơ sở y tế tuyến dưới, người bệnh vẫn được coi là điều trị đúng tuyến.

Với chính sách cho phép thông tuyến trong điều trị nội trú nhiều người lo lắng tình trạng quá tải tại bệnh viện lớn, trong khi bệnh viện tuyến dưới sẽ vắng bóng bệnh nhân (ảnh minh họa - nguồn internet).

Đây là chính sách theo các chuyên gia đã mở rộng quyền lợi cho người bệnh, tạo điều kiện để bệnh nhân tiếp cận dịch vụ y tế tốt hơn ở bệnh viện tuyến tỉnh.

Anh Trần Ngọc Bình ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc bày tỏ niềm vui khi những người bệnh như anh được lên tuyến tỉnh điều trị nội trú, được BHYT chi trả 100%.

Vì theo anh Bình, với bệnh sỏi thận thì anh vẫn đặt niềm tin vào bệnh viện tuyến tỉnh hơn, ở đó có trang thiết bị hiện đại và bác sĩ có kinh nghiệm.

Trước đây, nhiều người bệnh như anh Bình để được lên bệnh viện tỉnh điều trị phải qua điều trị tại bệnh viện huyện nhiều ngày. Việc này vừa mất thêm thời gian nằm viện trong khi bệnh tình lại không được điều trị kịp thời.

Câu chuyện người bệnh có BHYT bắt buộc phải qua điều trị tuyến huyện như trước đây đã kéo theo nhiều hệ lụy như từng xảy ra tình trạng để tăng thu các bệnh viện tuyến huyện tìm mọi cách "giữ chân" bệnh nhân.

Từng có trường hợp bệnh nhân vì bệnh nặng, xin chuyển viện lên tuyến trên để được tiếp cận với dịch vụ y tế tốt hơn nhưng không được chấp nhận.

Hệ quả là xảy tai biến y khoa gây chết người khi người bệnh không được chữa trị kịp thời.

Xung quanh chính sách này, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, ông Phạm Văn Học, Giám đốc Bệnh viện Đa Khoa Hùng Vương cho rằng đây là một chính sách rất tiến bộ.

Người bệnh sẽ được hưởng lợi nhất, bởi quy định trước đây người bệnh muốn hưởng được dịch vụ cao ở tuyến tỉnh là rất khó khăn.

"Bệnh viện tuyến huyện tự chủ về ngân sách nên trước đây sẽ tìm mọi cách giữ chân người bệnh nhưng với chính sách này, người bệnh sẽ không còn bị bắt làm "con tin" nữa. Họ được quyền lựa chọn lên tuyến tỉnh để được hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao.

Trong khi, với quy định này thì quỹ BHYT sẽ không thiệt hại vì hiện BHYT chi tiền theo tình huống kỹ thuật. Nếu có mổ điều trị tại bệnh viện tuyến huyện hay tuyến tỉnh đều được chi trả mức viện phí như nhau" - ông Học cho biết.

Ông Học còn cho rằng, ngày xưa "hàng rào" dựng lên kéo theo sự khiên cưỡng của thầy thuốc. Bệnh viện tuyến dưới không chịu đổi mới vẫn có bệnh nhân để điều trị.

Trong khi bệnh viện tuyến tỉnh muốn tiếp cận bệnh nhân thì bị "hàng rào" ngăn cản.

Ông Phạm Văn Học nhấn mạnh: "Với quy định mới này, nếu bệnh viện huyện không có chính sách phù hợp, không cẩn thận sẽ không có bệnh nhân.

Người bệnh sẽ đi đến bệnh viện tuyến tỉnh điều trị, họ chẳng dại gì mà nằm ở huyện để chấp nhận rủi ro, rất nguy hiểm nếu bệnh viện đó chất lượng khám chữa bệnh kém.

Điều này sẽ kích thích để y tế phát triển. Bệnh viên lề mề, lệ thuộc thì sẽ chịu trận, bị loại khỏi cuộc chơi. Như vậy là tốt chứ không xấu".

Cuộc cạnh tranh sẽ rất khốc liệt

Việc các bệnh viện tuyến huyện muốn cạnh tranh với bệnh viện tuyến tỉnh trong thu hút bệnh nhân tới điều trị là bài toán không hề dề dàng.

Xét tương quan về trang thiết bị, con người thì bệnh viện tuyến tỉnh lâu nay tốt hơn vì thế ưu thế cạnh tranh sẽ lớn hơn.

Khi các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện đều tự chủ nên đều có nhu cầu thu hút lượng lớn bệnh nhân đến thăm khám để tăng thu.

Vì thế, bài toán đầu tư nguồn lực đối với bệnh viện tuyến huyện là không hề dễ dàng.

Ông Phạm Văn Học chia sẻ thêm, hầu hết các bệnh viện đã tự chủ nên chiến lược đầu tư của mỗi bệnh viện đòi hỏi phải cân đối theo nhu cầu xã hội.

Một bệnh viện ở vùng sâu, vùng xa nếu đầu tư máy móc hiện đại quá cũng là sai lầm.

Hiện đầu tư phải tính toán, xác định được đối tượng phục vụ và nhu cầu. Nếu xác định sai thì bệnh viện sẽ thất thu.

Bài toán kinh tế trong việc đầu tư và thu hút người bệnh vì thế sẽ phải đặt ra cho tất cả các bệnh viện tuyến huyện. Xu thế này rất tích cực, để các bệnh viện tự đổi mới bản thân.

Xung quanh vấn đề này, nhiều chuyên gia cho rằng việc cạnh tranh thu hút người bệnh đến thăm khám không chỉ đối với bệnh viện tuyến huyện với tuyến tỉnh mà còn ở các bệnh viện tuyến tỉnh với nhau.

Với chính sách mới này sẽ tạo thuận lợi cho người dân về các thành phố lớn để được điều trị.

Một người bệnh có thẻ BHYT do các tỉnh phát hành lên thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh làm việc, nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật thì có thể đến KCB tại các bệnh viện tuyến tỉnh ở đây và đều được BHYT chi trả 100% nếu phải điều trị nội trú.

Vì thế, các bệnh viện tuyến tỉnh phải thay đổi để giữ bệnh nhân, không để họ đổ về các thành phố lớn hoặc đi địa phương khác điều trị.

Tuy nhiên nhiều người sẽ lo lắng, khi bệnh nhân tập trung đổ về bệnh viện lớn sẽ gây nên tình trạng quá tải bệnh viện.

Điều này sẽ phát sinh nhiều vấn đề mới như chất lượng dịch vụ liệu có đáp ứng như kỳ vọng khi một lúc phải xử lý lượng bệnh nhân quá đông.

Trong khi, xảy ra tình trạng lãng phí cơ sở vật chất, con người ở bệnh viện tuyến dưới.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/chuyen-gia-y-te-canh-tranh-giua-cac-benh-vien-se-rat-khoc-liet-post112146.html