Chuyên gia y tế: TP Hồ Chí Minh cần 'thần tốc' hơn trong chống dịch COVID-19

Mặc dù đã trải qua 2 đợt giãn cách xã hội nhưng đến nay số ca mắc COVID-19 tại TP Hồ Chí Minh vẫn tiếp tục gia tăng mỗi ngày.

Toàn cảnh khu vực người lao động ngồi chờ sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Nhà thi đấu Phú Thọ. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Toàn cảnh khu vực người lao động ngồi chờ sau khi tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Nhà thi đấu Phú Thọ. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN

Cá biệt, trong ngày 25/6, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) thông tin đã ghi nhận thêm 667 trường hợp dương tính chỉ trong vòng 24 giờ. Đáng chú ý, mỗi ngày Thành phố vẫn phát hiện nhiều trường hợp dương tính không rõ nguồn lây trong cộng đồng. Các chuyên gia cho rằng, các biện pháp chống dịch tại Thành phố đang đi đúng hướng nhưng cần quyết liệt hơn để ngăn chặn đà tăng của dịch bệnh.

Tình hình dịch phức tạp, khó kiểm soát

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế nhìn nhận, tình hình dịch bệnh tại TP Hồ Chí Minh đang vô cùng phức tạp bởi địa phương này đang có quá nhiều nguồn lây nhiễm, nhiều chuỗi lây nhiễm và nhiều ổ dịch, nhiều khu vực có dịch... mà không phải tập trung ở một vài khu vực đặc thù như các địa phương khác. Thành phố lại là nơi giao lưu rộng rãi, dân cư đông đúc trên địa bàn chật hẹp... khiến công tác phòng, chống dịch rất khó khăn.

Đặc biệt, TP Hồ Chí Minh có mối liên quan với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An... Nội tại Thành phố có các khu công nghiệp nên có sự lây nhiễm đan xen giữa khu công nghiệp với cộng đồng và ngược lại. "Sự phức tạp đó gây nên sự khó kiểm soát so với các địa phương khác. Ngoài các ca bệnh trong bệnh viện, TP Hồ Chí Minh đã có ca bệnh ở các chợ dân sinh, các khu công nghiệp và nhiều các địa điểm cộng đồng khác. Bên cạnh đó, biến chủng Delta từ Ấn Độ của virus SARS-CoV-2 là chủng lây lan rất nhanh cộng với điều kiện môi trường dịch bệnh đông người, không gian kín, nhà ở công nhân chật chội càng tạo điều kiện lây lan cho nhiều người trong thời gian ngắn", Phó Giáo sư Trần Đắc Phu nhìn nhận.

Bên cạnh đó, vì các ổ dịch trong cộng đồng lây lan trong thời gian quá lâu mới phát hiện nên không thể xác định được nguồn lây. Cùng với tốc độ lây lan rộng khiến các ca bệnh chạy ra nhiều nhánh, rồi từ các nhánh lại tạo thành nhiều chuỗi lây nhiễm khác mà không thể phát hiện ra, từ đó có nhiều ca lẩn khuất trong cộng đồng không thể kiểm soát.

Cùng đồng tình với nhận định này, bác sỹ Trương Hữu Khanh, chuyên gia hơn 30 năm về các bệnh lây nhiễm, cố vấn Khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP Hồ Chí Minh cho rằng, Thành phố đang ở trong đợt giãn cách thứ 2 và đã tính đến phương án có thêm đợt giãn cách thứ 3 chứng tỏ tình hình dịch bệnh đang rất phức tạp và việc kiểm soát vô cùng khó khăn, đặc biệt là số ca không rõ nguồn lây trong cộng đồng được phát hiện mỗi ngày một nhiều thêm. "Khu vực phong tỏa ngày càng nhiều, số ca cộng đồng ngày càng nhiều, ngành y tế lại dồn lực "chạy theo" để xét nghiệm gây ra tình trạng xét nghiệm nhiều nhưng không giải quyết được vấn đề", bác sỹ Trương Hữu Khanh nhận xét.

Bên cạnh đó, việc gia tăng quá nhanh các ca dương tính khiến cho khối điều trị phải "gồng mình" chống đỡ. Trong những ngày qua, Sở Y tế Thành phố liên tục chuyển đổi công năng các bệnh viện thành nơi tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19 nhưng con số vẫn chưa dừng lại. Mới đây nhất, chiều 26/6, Sở Y tế đã thành lập thêm 2 khu điều trị dã chiến gồm "Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 1" tại ký túc xá của Trung tâm Giáo dục Quốc phòng và an Ninh thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và "Bệnh viện Dã chiến thu dung điều trị COVID-19 số 2" tại ký túc xá Khu A của Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Hai bệnh viện dã chiến này có công suất 5.000 giường bệnh, nâng tổng số giường điều trị COVID-19 lên 10.000 giường bệnh.

"Nếu như tình trạng bệnh nhân dương tính tiếp tục gia tăng thì khối điều trị sẽ quá tải. Nhất là khi những người bị bệnh nền, bệnh nặng bị COVID-19 tấn công thì nhân viên y tế điều trị càng vất vả gấp bội. Khi khối điều trị quá tải thì sẽ không còn nhân sự để lấy mẫu cộng đồng, không còn người thực hiện tiêm chủng và các công việc điều trị cho bệnh nhân khác", bác sỹ Khanh lo ngại.

Đẩy nhanh xét nghiệm, thực hiện nghiêm giãn cách

Theo bác sỹ Trương Hữu Khanh, trong bối cảnh dịch bệnh đang phức tạp như hiện nay, Thành phố cần đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm bằng cách mở rộng test nhanh kháng nguyên để sàng lọc các ca F0 còn "lang thang" trong cộng đồng, cần thiết có thể hướng dẫn người dân tự thực hiện như ở Bắc Giang. Bác sỹ Khanh cho rằng đây là biện pháp sàng lọc F0 trong cộng đồng nhanh, hiệu quả, dễ thực hiện nhất hiện nay. Test nhanh âm tính giả (có virus nhưng tìm không thấy) khi lượng virus trong vùng họng quá ít, chỉ xảy ra khi mới mắc bệnh hoặc sắp hết bệnh. Còn người bệnh không triệu chứng hay đang giai đoạn bệnh cấp lượng virus trong họng nhiều thì không thể âm tính giả. Làm test nhanh liên tục 3-5 ngày một lần thì càng sớm phát hiện được F0 "lẩn khuất" trong cộng đồng mà không tốn kém, không mất quá nhiều thời gian. "Nếu còn có F0 trong cộng đồng thì còn có nguy cơ lây lan rộng cho nhiều người khác, do đó, Thành phố cần tìm cho ra ngay các F0 thì mới có thể chặn đứng được dịch bệnh", bác sỹ Khanh nhận định.

Đồng quan điểm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đắc Phu cũng cho rằng, TP Hồ Chí Minh cần truy vết, xét nghiệm nhanh hơn, nhiều hơn theo chỉ định dịch tễ và vùng nguy cơ. Bên cạnh đó cần thực hiện nghiêm việc phong tỏa, phải thực sự "cửa đóng then cài", hạn chế tập trung đông người, cấm các hoạt động có khả năng lây nhiễm dịch bệnh, tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch tại nơi làm việc, nơi sản xuất. Thậm chí, Thành phố có thể nghĩ đến phương án cấm hoạt động một số chợ dân sinh, nơi nào còn hoạt động thì phải phát phiếu đi chợ, đi siêu thị để thực hiện giãn cách và chỉ buôn bán các mặt hàng thiết yếu. "Nếu không thực hiện nghiêm biện pháp 5K trong cộng đồng thì không thể nào chặt đứt chuỗi lây nhiễm được", ông Trần Đắc Phu nhìn nhận.

Thời điểm này cũng là lúc TP Hồ Chí Minh cần triển khai ngay phương án cách ly tại nhà bởi số lượng F0, F1 quá đông. Theo ông Trần Đắc Phu, khi lượng F1 quá nhiều thì việc cách ly tập trung sẽ trở nên quá tải và có thể gây ra lây nhiễm chéo trong các khu cách ly, điều này càng nguy hiểm hơn. Do đó, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đề xuất, Thành phố nên phân loại những F1 có nguy cơ cao như tiếp xúc gần, sinh hoạt chung phòng kín với F0 và không có phòng riêng để cách ly tại nhà thì cần cách ly tập trung. Còn những F1 có phòng riêng, nguy cơ mắc ít... thì nên triển khai cách ly tại nhà. "Lúc này ý thức của người cách ly rất quan trọng, cần tuân thủ đầy đủ các quy định về cách ly của Bộ Y tế. Bên cạnh đó là sự tham gia giám sát chặt chẽ của các lực lượng tổ dân phố, tổ COVID-19 cộng đồng, công an địa phương...", Phó Giáo sư Trần Đắc Phu cho hay.

Riêng về chiến lược tiêm chủng vaccine, nguyên lãnh đạo Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cho rằng với một địa phương có mật độ dân số cao, giao lưu đi lại phức tạp như TP Hồ Chí Minh thì cần đạt độ bao phủ vaccine 100% người dân mới đạt miễn dịch cộng đồng tốt. Tuy nhiên, trong bối cảnh vaccine còn hạn chế như hiện nay thì Thành phố nên tập trung vào các đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21 của Chính phủ. Đặc biệt là các công nhân lao động sản xuất trong các doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất.

Ngoài ra, những đối tượng nguy cơ trong các vùng nguy cơ cũng là đối tượng nên được ưu tiên trong tiêm vaccine phòng COVID-19. Trong quá trình thực hiện tiêm chủng, Thành phố cần hạn chế tập trung đông người tại một điểm tiêm để tránh gây ra lây nhiễm bằng các biện pháp bổ sung thêm điểm tiêm, hẹn giờ tiêm và ứng dụng công nghệ thông tin...

Còn bác sỹ Trương Hữu Khanh lại cho rằng, trước mắt Thành phố cần ưu tiên tập trung tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho những người nguy cơ, đó là những người cao tuổi, người có bệnh lý nền, nhất là khi họ đang sinh sống trong các khu vực có dịch, khu vực phong tỏa. Đây là những đối tượng cần phải bảo vệ khỏi nguy cơ mắc COVID-19 bởi nếu họ mắc bệnh thì nguy cơ tử vong cao hơn. Sau đó khi nguồn cung vaccine dồi dào sẽ tính đến phương án mở rộng tiêm chủng ra cho các đối tượng khác.

Bên cạnh các biện pháp từ chính quyền, quan trọng nhất theo các chuyên gia, mỗi người dân TP Hồ Chí Minh cần coi tất cả những người xung quanh mình là F0. "Mỗi người dân dù ở nhà hay đi ra đường, đến nay làm việc cần phải đảm bảo tuân thủ 5K và các biện pháp phòng hộ cá nhân để bảo vệ cho chính bản thân mình, người thân và cho cả cộng đồng", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đắc Phu khuyến cáo.

Đinh Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/dich-benh/chuyen-gia-y-te-tp-ho-chi-minh-can-than-tochon-trong-chong-dich-covid19-20210626202514460.htm