Chuyển giao các mô hình ứng dụng khoa học vào thực tiễn
Với đặc thù là tỉnh miền núi, trên 80% dân số sống bằng nông nghiệp. Những năm qua, tỉnh ta đặc biệt quan tâm đầu tư nghiên cứu các đề tài khoa học, công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp, dược liệu để ứng dụng, chuyển giao đưa vào sản xuất.
Những tháng đầu năm 2021, dù còn nhiều khó khăn nhưng Trung tâm Thông tin và chuyển giao công nghệ mới (Sở Khoa học và công nghệ) tích cực nghiên cứu hoàn thiện quy trình nhân giống và phát triển cây Sâm cau trên địa bàn tỉnh; triển khai mô hình nuôi gà xương đen tại xã Tả Lủng (Đồng Văn). Đây là các nhiệm vụ, đề tài nghiên cứu có tính ứng dụng cao trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và định hướng phát triển của tỉnh.
Thăm vườn Sâm cau tại thôn Nà Ác, xã Phú Linh (Vị Xuyên) đang được Trung tâm Thông tin và chuyển giao công nghệ mới thực hiện để hoàn thiện quy trình nhân giống và phát triển. Chúng tôi ghi nhận, dù mới trồng được khoảng 3 tháng nhưng Sâm cau đang phát triển tốt, cho thấy sự phù hợp khi trồng ngoài thực địa. Diện tích cây Sâm cau được trồng tại Phú Linh rộng trên 1.700 m2 với mục tiêu hoàn thiện quy trình nhân giống và xây dựng quy trình trồng, chăm sóc, thu hái, bảo quản; lưu giữ, bảo tồn và nhân giống phục vụ cho phát triển Sâm cau tại tỉnh ta.
Theo các tài liệu, Sâm cau có công dụng chữa nam giới tinh lạnh, liệt dương, người già đái són, lạnh dạ kém ăn, tê thấp lưng gối, suy nhược cơ thể, đau lưng, viên khớp, thận, bệnh ngoài da, loét dạ dày, tá tràng, trĩ lậu… Hiện củ Sâm cau có giá khoảng 400 – 500 nghìn đồng/kg, đem lại giá trị kinh tế cao. Trong khi đó, cây Sâm cau là một trong số loài cây dược liệu bản địa quý hiếm của tỉnh đang được khai thác chủ yếu từ tự nhiên theo hình thức tự phát, chưa có nuôi trồng và thu hái. Ngoài nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và chuyển giao công nghệ mới, trên địa bàn tỉnh chưa có nghiên cứu chuyên sâu về nhân giống, trồng trọt, thu hái và bảo quản Sâm cau. Vì vậy, khi hoàn thiện quy trình trồng, thu hái có thể chuyển giao cho người dân mở rộng sản xuất, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và giảm nghèo.
Mô hình chăn nuôi gà xương đen tại xã Tả Lủng (Đồng Văn) cũng là một nhiệm vụ hướng tới mục tiêu “ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ để nhân giống và phát triển chăn nuôi gà xương đen bản địa đem lại hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo cho người dân” mà Trung tâm Thông tin và chuyển giao công nghệ mới đang tích cực thực hiện. Mô hình được xây dựng với quy mô 440 con gà giống bố mẹ (400 con mái và 40 con trống); chăn nuôi gà thương phẩm trang trại 1.000 con và chăn nuôi nông hộ; tập huấn và chuyển giao quy trình kỹ thuật cho người dân tham gia dự án và 3 cán bộ kỹ thuật là người địa phương. Mô hình hướng tới thay đổi nhận thức của người dân về hiệu quả của chăn nuôi gà bản địa và dần hình thành một địa chỉ cung cấp giống gà xương đen uy tín, chất lượng cũng như xây dựng được thương hiệu gà xương đen xã Tả Lủng. Hiện nay đàn gà phát triển tốt, 60% đàn gà bố mẹ đã đẻ trứng; 7 hộ chăn nuôi thương phẩm đã được cấp con giống. Dự kiến trong năm nay sẽ đánh giá, tổng kết mô hình.
Với đánh giá bước đầu cho thấy sự phát triển tốt, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, trình độ canh tác, chăn nuôi của người dân. Tin tưởng rằng các mô hình này khi kết thúc, tổng kết sẽ đạt kết quả tốt để các địa phương, nhân dân có thể ứng dụng sản xuất trong gia đình, cải tạo vườn tạp, phát triển kinh tế hộ, tăng thu nhập, giảm nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 05 của BCH Đảng bộ tỉnh về cải tạo vườn tạp.