Chuyện giáo dục con cái của người Tây Nguyên xưa

Trong quá khứ, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên thường có cách giáo dục con cái rất độc đáo: dựa vào cộng đồng. Vai trò của cộng đồng trong việc giáo dục, hình thành nhân cách cho con trẻ quan trọng đến mức có nhà nghiên cứu đã cho rằng: 'Khó mà phân biệt một cách rạch ròi chức năng giáo dục trẻ em là thuộc về gia đình hay xã hội'.

Đồng bào các dân tộc Tây Nguyên luôn mơ ước có “con đàn cháu đống”. Điều này cũng dễ hiểu bởi xã hội Tây Nguyên trong quá khứ thường xảy ra xung đột giữa các tộc người; sản xuất lại thấp kém, năng lực y tế thô sơ nên tình trạng “hữu sinh vô dưỡng” vẫn xảy ra. Trong khi đó, tiền đề “làng đông mới mạnh, nhà đông người lúa mới đầy kho” khiến cho việc chào đời của một thành viên mới luôn được xem là vốn quý.

Gia đình là nơi trao truyền các giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ảnh: NVCC

Gia đình là nơi trao truyền các giá trị tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Ảnh: NVCC

Ngoài việc phải tuân thủ nhiều điều kiêng cữ cùng các lễ thức trước và sau khi một đứa trẻ chào đời, việc chăm sóc, nuôi nấng chúng cũng luôn trong tình trạng nâng niu hết mức. Rất hiếm khi thấy người dân, nhất là phụ nữ cầm roi đánh con hoặc chửi mắng nặng lời. Với trẻ chưa có nhận thức, họ chỉ dỗ ngọt, quá lắm mới dùng đến biện pháp hù dọa. Với trẻ đã có nhận thức, cha mẹ dùng những lời bảo ban nhẹ nhàng hoặc hành động để làm gương. Vai trò giáo dục của gia đình chủ yếu ở giai đoạn này và vai trò của người mẹ thường quan trọng hơn người cha, nhất là đối với con gái.

Tuy nhiên, khi đứa trẻ khoảng 6-7 tuổi thì vai trò giáo dục của gia đình đã gần như nhường chỗ cho cộng đồng. Những đứa trẻ, đặc biệt là con trai sẽ cảm thấy hổ thẹn nếu ở độ tuổi này mà vẫn quẩn quanh bên mẹ. Con gái thì theo các bà, các chị học dần các công việc của giới mình. Con trai thì ra nhà rông ngủ với đám trai làng để nhận sự chỉ bảo, dìu dắt của đàn anh và các già làng trong mọi công việc của nam giới.

Trong mỗi cộng đồng, thường bao giờ cũng có đủ các người “thầy”: từ những việc quan trọng như làm nhà cửa, săn bắn, đánh cồng chiêng, tạc tượng mồ cho đến những việc nhỏ như đan lát, chế tác đồ gia dụng. Đêm đêm, dưới mái nhà rông bập bùng ngọn lửa, những người “thầy” sẵn sàng truyền đạt, chỉ bảo cho lớp trẻ một cách vô tư mà không bao giờ đòi hỏi một sự trả công bằng vật chất nào.

Không những được dạy bảo về kỹ năng thực hiện những công việc thường nhật trong làng, những người thầy cộng đồng ấy còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình nhân cách sống cho lớp trẻ. Từ những đêm sinh hoạt cộng đồng, những ai có hành vi xấu đều không lọt qua mắt mọi người. Cho nên, lúa bỏ trên chòi rẫy, trâu bò thả trong rừng, tổ ong trên cây… của ai người ấy sử dụng, không mất bao giờ.

Có người cho rằng, sở dĩ đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên trong quá khứ không có những thói xấu như ăn cắp, lừa đảo là do việc xử phạt rất khắt khe. Họ không thấy một phần lớn là nhờ vai trò giáo dục của cộng đồng. Hiệu quả là trong mỗi cộng đồng ai cũng ý thức tránh xa cái xấu, sống theo những chuẩn mực chung. Di sản của thế hệ đi trước được kế tục như một dòng chảy không bao giờ đứt đoạn mà không nhất thiết phải “cha truyền con nối”.

NGỌC TẤN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/chuyen-giao-duc-con-cai-cua-nguoi-tay-nguyen-xua-post241376.html