Chuyện góp nhặt ở khoa Ung bướu BVĐK tỉnh Tuyên Quang

'Cháu chào các bác, hôm nay các bác cảm thấy trong người thế nào ạ? Hôm qua các bác có ăn được nhiều không ạ? Cháu mời các bác dậy lĩnh thuốc, tiêm truyền, cháu kiểm tra huyết áp nhé…Nói rồi cô điều dưỡng lao đi nhanh về phía một bệnh nhân cao tuổi nhất phòng để đo huyết áp và lấy ven để truyền dịch, vừa làm cô vừa trò chuyện với bệnh nhân. Những người nhà chăm sóc bệnh nhân lúc đó cũng đứng lên chào cô và đều nở nụ cười rất tươi…

Chăm sóc giảm nhẹ - chăm sóc yêu thương

Khoảnh khắc này được chúng tôi ghi nhận tại khoa Ung bướu - BVĐK tỉnh Tuyên Quang khi tôi có dịp đến đây. Đây là công việc hàng ngày mà các điều dưỡng của khoa làm. Mặc dù vẫn là những mũi tiêm truyền, những lần đo huyết áp, phát thuốc…nhưng sự thăm hỏi, trò chuyện giữa người bệnh, người nhà bệnh nhân và các y bác sĩ, điều dưỡng khiến cho mọi thứ trở lên nhẹ nhàng, gần gũi và thân thiện hơn…

Chia sẻ với chúng tôi về điều này, ông H.N.H ở Hàm Yên - một bệnh nhân đang điều trị tại khoa Ung bướu cho hay: “Tôi phát hiện bị K thực quản sau khi lên BV K ở Hà Nội chiếu chụp và được xác định bệnh, tôi đã xin về quê để điều trị. Tôi rất yên tâm về các bác sĩ cũng như các điều dưỡng ở khoa Ung bướu, BVĐK tỉnh Tuyên Quang. Vì ở đây cũng có khoa Ung bướu các bác sĩ cũng có phác đồ điều trị giống như trên BV K, về BV tỉnh đi lại đỡ vất vả, bệnh nhân vắng vẻ hơn và cũng đỡ tốn kém hơn. Còn nói về các cháu điều dưỡng và y bác sĩ ở đây thì tôi phải nói là tôi rất hài lòng. Họ chăm sóc hỏi han bệnh nhân nhiệt tình lắm, nhẹ nhàng lắm, cần gọi là đến, không cáu gắt hay quát mắng bệnh nhân”, ông H bộc bạch.

Chăm sóc bệnh nhân ung thư ở khoa Ung Bướu, BVĐK tỉnh Tuyên Quang

Cũng có chung nhận định như ông H, anh Lê Văn Thạch, Sơn Dương có người nhà đang nằm điều trị tại khoa Ung bướu, BVĐK tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, bố anh bị ốm có đến BVĐK tỉnh Tuyên Quang làm các xét nghiệm và được phát hiện ung thư gan. Để khẳng định chắc chắn hơn gia đình anh đưa ông lên BV K Hà Nội để kiểm tra lại một lần. Kết quả của BV K trùng khớp kết quả của BVĐK tỉnh Tuyên Quang kết luận trước đó. Sau đó, gia đình anh đã đưa ông về khoa Ung bướu, BVĐK tỉnh Tuyên Quang để điều trị. Cũng theo anh Thạch, các bệnh nhân điều trị ở đây được đều được chăm sóc nhiệt tình, chu đáo, chỉ cần gọi là bác sĩ, điều dưỡng có mặt ngay. Không chỉ với những bệnh nhân nặng giai đoạn cuối như bố anh được các điều dưỡng chăm sóc giảm nhẹ trò chuyện và động viên mỗi ngày mà tất cả các bệnh nhân khác cũng đều được các bác sĩ, điều dưỡng chăm sóc hỏi han ân cần. Ngoài ra, các điều dưỡng còn hướng dẫn người nhà cách chăm sóc, động viên bệnh nhân để người bệnh cảm thấy sự thoải mái về tinh thần…

Đối với mỗi người khi nghe bị ung thư người ta nghĩ ngay đến việc mình đã sang bên kia dốc của cuộc đời, cuộc sống phía trước không còn nhiều. Do đó, nhiều người rơi vào trạng thái lo lắng, hoảng loạn, thậm chí buông xuôi phó mặc số phận. Vì thế ngoài những phác đồ điều trị hiện tại tiên tiến nhất để giúp người bệnh chiến thắng căn bệnh, hơn ai hết lúc này người bệnh lại rất cần những y, bác sĩ quan tâm, trò chuyện nâng cao “sức khỏe tinh thần” giúp vượt qua những nỗi đau dễ dàng hơn.

Bệnh nhân đã tin tưởng tìm đến mình - mình không thể phụ lòng tin đó”

Trao đổi với chúng tôi, Thạc sĩ Bác Sỹ Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng khoa Ung bướu, BVĐK tỉnh Tuyên Quang cho biết, hàng ngày khoa tiếp nhận nhiều bệnh nhân nặng, bệnh nhân truyền hóa chất từ tuyến trên chuyển về, có bệnh nhân đến điều trị giảm đau sau phẫu thuật, có bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối…Xác định là đơn vị cuối cùng tuyến tỉnh có thể giúp đỡ phần nào khó khăn cho bệnh nhân cũng như chia sẻ bớt những nỗi đau về thể xác, tinh thần của bệnh nhân, nhờ được sự quan tâm sát sao của Ban Giám đốc BV, lãnh đạo Khoa cũng như các điều dưỡng luôn làm việc với tinh thần tất cả vì người bệnh.

“Làm công việc này dù đã nhiều năm, thế nhưng nhìn bệnh nhân đau đớn các y bác sĩ cũng đều thấy day dứt. Chúng tôi luôn nỗ lực trong khả năng của mình từ việc đáp ứng các thuốc giảm đau, cử cán bộ lên tuyến trên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn chăm sóc người bệnh. Đặc biệt, vào các buổi Họp Hội đồng người bệnh hàng tuần, chúng tôi luôn tâm niệm và luôn nhắc nhở nhau thường xuyên lắng nghe, trò chuyện, chia sẻ, động viên, đồng cảm cùng người bệnh để giúp họ vượt qua nỗi đau của bệnh tật. Để người bệnh cảm thấy thoải mái nhất từ đó có một cuộc sống chất lượng hơn. Cùng với đó, để nâng cao thể trạng cho người bệnh các y bác sĩ đã hướng dẫn người nhà cách cung cấp dinh dưỡng, xoa bóp, các bài tập luyện, giải tỏa tâm lý...”, BS Sơn chia sẻ.

Trò chuyện, chia sẻ với bệnh nhân ung thư giúp họ vượt qua những khó khăn đau đơn trong điều trị

Trò chuyện, chia sẻ với bệnh nhân ung thư giúp họ vượt qua những khó khăn đau đơn trong điều trị

Là người hàng ngày trực tiếp, chăm sóc trò chuyện với người bệnh, Điều dưỡng trưởng Ma Thị Thương cũng tâm sự: “Tôi làm ở đây đã 8 năm, 8 năm trải qua nhiều những cung bậc cảm xúc khác nhau. Với mỗi một bệnh nhân, một căn bệnh khác nhau chúng tôi phải ứng xử, chia sẻ khác nhau. Và sau nhiều năm hành nghề tôi rút ra được những kinh nghiệm cho chính bản thân mình đó là chia sẻ, động viên chăm sóc và giao tiếp là điều ý nghĩa và giúp bệnh nhân có tâm lý ổn định nhất”.

Chị Thương cũng cho biết thêm, những bệnh nhân ung thư đặc biệt là nữ khi điều trị hóa chất hay gặp tác dụng phụ của thuốc như rụng nhiều tóc, sạm và khô da…nên hay buồn dễ xúc động, vì thế các điều dưỡng ngoài trò chuyện, đôi lúc còn phải tìm hiểu về tâm tư, hoàn cảnh gia đình của bệnh nhân, từ đó động viên, chia sẻ với người bệnh. Nhờ đó, nhiều bệnh nhân đã vui vẻ và lạc quan hơn, giúp họ cũng có thêm sức mạnh để tiếp tục kiên trì cố gắng điều trị, họ đã tin mình tìm đến với mình vậy thì mình phải cố gắng hơn để không phụ niềm tin ấy”.

Nhiều bệnh nhân khi bị bệnh được đưa đến viện trong tình trạng tổn thương đã lở loét và có mùi hôi, điều dưỡng lại chẳng nề hà lau rửa vết thương, thay băng gạc vệ sinh đồng thời động viên, chăm sóc hàng ngày cho nhân người bệnh. Những bệnh nhân có hoàn cảnh gia đình khó khăn, khoa luôn chủ động xin hỗ trợ từ Quỹ hỗ trợ bệnh nhân nghèo của Bệnh viện, Quỹ hỗ trợ Ngày mai tươi sáng và thậm chí đứng ra kêu gọi các mạnh thường quân giúp đỡ thêm.

Trước đây, khái niệm chăm sóc giảm nhẹ còn khá xa vời với Việt Nam, đặc biệt là các bệnh viện tuyến tỉnh miền núi như Tuyên Quang. Tuy nhiên, trước thực tế đặt ra cũng như sự phát triển trong giao lưu kết hợp giữa các bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới việc Chăm sóc giảm nhẹ cho bệnh nhân đã được mở rộng và triển khai ở các bệnh viện tuyến dưới, BVĐK tỉnh Tuyên Quang cũng không nằm ngoài quy luật đó. Việc làm này đã góp phần giúp các bệnh nhân ở Tuyên quang không phải đi xa, họ được thụ hưởng những sự chăm sóc tốt nhất ngay tại quê nhà.

H.Nguyên

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/chuyen-gop-nhat-o-khoa-ung-buou-bvdk-tinh-tuyen-quang-n183192.html