Chuyện kể ngắn: Chuyện nhà lão Bảo

Thực ra tên lão là Bảo, cái tên nghe như của phái yếu, nhưng đấy là tên cúng cơm của lão từ lúc sinh ra. Nhà lão ở cạnh nhà tôi, Lão làm viên chức quèn cho nhà nước, đã nghỉ hưu chục năm rồi.

Tôi biết lão từ khi về hưu rất thích làm thơ,nghe đâu lão cũng tham gia đăng bài vài câu lạc bộ thơ phê búc gì đó.

Hàng ngày, ngoài việc ngồi bên cái bình hãm trà xanh, nhâm nhi thơ ca trên phê búp rồi la cà bên hàng xóm thì lão còn phụ giúp bà vợ lão bán hàng lặt vặt.

Chuyện chẳng có gì đáng kể, vì lão Bảo như bao người khác làm nhà nước về hưu. Khổ nỗi lão lại yêu thơ và muốn tham gia vào cái làng thơ phê búc. Nhiều lúc lão ngồi cứ thần người ra, như mất hồn, vậy là làm bê trễ công việc của vợ lão giao cho. Bà thường hay ca cẩm: già rồi mà cứ thơ với thẩn...ông hâm vừa vừa thôi, thơ thẩn của ông thì ai người ta đọc. Bà vợ chỉ ca cẩm không chia sẻ gì với lão về văn thơ nên lão càng buồn!

Ừ ! Mà nghĩ cũng tội cho lão, tuổi già vui với cháu con là mãn nguyện lắm, đằng này con cháu lão lại ở xa thi thoảng mới về thăm ông bà. Lão tìm đến niềm vui thơ văn phê búc, lão dành tình yêu văn thơ trên mạng ảo, với những bạn ảo mà lại thấy đam mê.

Lão Bảo đẻ hai người con, một trai, một gái. Vợ chồng con cháu lão làm việc mãi trên thành phố, thi thoảng vào ngày chủ nhật lại đánh xe chở con về thăm ông bà. Những buổi con cháu về chơi, nhà lão lại ầm ĩ tiếng trẻ và ồn ào cỗ bàn của người lớn. Lũ trẻ thường bu quanh gốc cây sấu già đã trồng từ lâu, vào ngày hè thì tha hồ mà khều quả chín. Ở quê mà đông con nhiều cháu được coi như là cái phúc ông trời và tổ tiên ban cho. Hàng năm khi mà vụ nào sai quả thì cũng có một khoản thu nho nhỏ từ tiền bán sấu cho vợ lão tiền trầu cau và mua chè xanh là món luôn theo lão bên cái bình tích hãm chè tươi hàng ngày.

Hai vợ chồng lão cứ quẩn quanh bên nhau trong khuôn viên nhà mình, họa hoằn lắm người ta mới thấy bà lão nhờ xe ôm chở lên chợ phố mua những đồ ăn vật dụng thiết yếu cho gia đình.

Có người nói khi tuổi con người ta về già thì thường hay trái tính trái nết. Chẳng thế mà trước đây hàng xóm không mấy khi thấy lão và và vợ cãi nhau hay to tiếng điều gì? Vậy mà một hai năm trở lại đây hàng xóm đã chứng kiến những cuộc cãi vã từ nhà lão. Những cuộc đấu khẩu qua lại xung quanh chuyện vặt vãnh hàng ngày. Tôi lại cho rằng ông lão và cả bà lão đều có tính hiếu thắng, bản tính này ở tuổi già thì lại mạnh mẽ hơn. Kết cục một cuộc tranh luận đối với người có tính hiếu thắng thì chẳng chịu thua bao giờ.

Mỗi khi tôi qua nhà lão Bảo chơi, hết lão rồi đến bà lão phân bua chuyện, rõ khổ, tôi ở giữa chẳng biết khuyên ngăn ông lão, bà lão thế nào cho phải.

Tuổi già đã trái tính,trái nết lại còn hay chấp vặt, tự ái. Tuổi già khổ thế đấy....

Nói vậy thôi chứ ngôi nhà của 2 ông bà vẫn nóng ấm những buổi chiều có làn khói vương thơm mùi đồ ăn nấu nướng, vẫn lụi cụi 2 tấm thân già nương náu vào nhau khi mà các con cháu ở trên thành phố. Tôi vẫn thầm mong cho mái nhà đơn sơ ấy, luôn thấm đẫm tình thân, dù sao đi nữa nó vẫn là mái ấm cho những đứa con cháu ở xa mỗi bận đi về.

Chuyện quê gần nơi phố thị ấy mà, thi thoảng sớm tối lời qua tiếng lại của một gia đình âu cũng là thường tình. Hàng xóm điếc tai nhất chỉ có nhà vợ chồng nhà anh Bính Chuột là dân buôn cá ngoài chợ thì hay chí chóe, ầm ĩ như vỡ chợ. Mụ vợ Bính tính tình chua ngoa, đanh đá nhất xóm, đơm chuyện buôn dưa vào cỡ có hạng. Phải nỗi anh chồng làm trong đoàn văn công văn nghệ có cái tính trăng hoa, làm cho mụ vợ đã nổi cơn ghen lên thì thôi rồi, đã nhiều vụ chửi bới thậm tệ do ghen tuông.

Chẳng bù cho nhà anh Đông, cả hai vợ chồng đều hiền lành. Chị vợ anh Đông có quầy bán thuốc tân dược ở đầu thôn, anh Đông làm nghề lái xe ôm. Hàng xóm chẳng mấy khi nghe tiếng hai vợ chồng họ cãi nhau, nhưng anh Đông thì lại hiền lành quá, có kẻ lại cho là anh đần. Anh Đông bảo: kệ họ, miệng làng hơi đâu mà chấp.

Đã lâu không thấy vợ chồng lão Bảo cự cãi với nhau, cũng lạ thật, và rồi mấy hôm rồi không thấy lão ra ngoài la cà sang hàng xóm, lão ốm bệnh chăng? Một hôm rảnh việc, tôi sang nhà lão định bụng hỏi han xem nhà lão còn có ý định bán mảnh vườn liền nhà lão ở không, tiện thể cũng là hàng xóm qua thăm lão luôn.

Tôi đánh tiếng hỏi xem lão Bảo có nhà ko, con Mực đen nhà lão nhảy chồm ra, sấn sổ nhe hàm răng chừng như xua đuổi khách dữ dằn. Con Mực hôm nay lại gắt gỏng dữ thế, những bận trước nó chỉ gầm gừ khi thấy tôi đến. Không thấy tiếng lão Bảo chào khách, tôi đoán chừng có chuyện.

Bước vào nhà, tôi thấy lão nằm thu lu trên giường, lão rên hừ hừ...

Lão Bảo ốm đã hơn mấy ngày rồi, tôi hỏi han và đặt tay lên trán lão tôi biết lão đang sốt nhẹ. Thấy lão từ sáng chưa ăn gì, tôi hỏi lão xem có ăn gì không, lão đồng ý, thế là tôi nấu nhanh một bát cháo hành thêm quả trứng gà nóng sốt. Bát cháo hành nóng dường như cũng làm giảm cơn sốt trong người lão. Lão Bảo gắng gượng ngồi dậy tiếp chuyện tôi, dù vẫn còn mệt mỏi.

- Bà ấy giận tôi mấy hôm trước rồi lên nhà thằng Thanh trên thành phố. Cũng vì câu chuyện bán nhà, bán đất theo ý thằng Thanh. Lão nói với tôi, rồi thở dài đánh thượt một cái nghe não ruột.

Buổi tối hôm đó ăn cơm xong, tôi sang nhà lão Bảo xem lão cần tôi giúp gì không. Thấy lão đã đỡ hơn, tôi xoa cho lão một chú dầu gió, tôi nấu thêm bát cháo trứng gà cho lão.

Tôi băn khoăn một điều là khi lão đau ốm mà lại không báo tin cho bà lão, con trai, con gái lão biết.

- Các con chúng nó đều bận tối mặt vì công việc. Thằng Thanh có chuyến đi công tác dài ngày trong Bình Thuận. Tôi cũng chỉ cảm qua loa bình thường nên không báo cho con cháu. Lão nói vậy với tôi.

Tôi lân la hỏi về chuyện ý định bán nhà bán đất của lão, thực ra cũng thấy làm ái ngại. Lại lo lão không thông cảm lại cho là thóc mách, ý tôi chỉ là sự thân tình của hàng xóm láng giềng, được cái ông bà quí tôi như con cháu trong nhà. Quả nhiên như được cởi mở thâm tâm, lão đã bộc bạch chia sẻ với tôi.

- Cũng không dấu gì anh. Lão nói với tôi giọng có vẻ trầm xuống.

Dạo đầu năm vợ chồng thằng Thanh về nhà nghỉ mấy hôm. Nó thông báo một tin mừng là con nó có một suất đi du học bên Úc. Cả nhà mọi người và ông bà đều rất vui và mừng cho đứa cháu nội được đi tây du học. Lão tâm tư tiếp...Vợ chồng thằng Thanh muốn chúng tôi lên thành phố ở với chúng nó, tiện cho việc trông nom ông bà, rồi ông bà có thêm niềm vui ở với cháu con....

Việc lo cho cháu đi du học bên Úc mỗi năm tiêu tốn chừng bốn chục ngàn tiền Úc, khoảng 650 triệu tiền Việt. Vợ chồng nó muốn ông bà bán ngôi nhà này....Bà lão nhà tôi nghe đứa con dâu tỷ tê rỉ tai rằng bán nhà lên thành phố ở với vợ chồng nó...

Nói thật với anh, khu vườn tược này là ông cụ thân sinh ra tôi để lại. Nó không to lớn gì chỉ có hơn chín trăm mét, đã từ đời trước mấy thế hệ đã là nơi chôn nhau cắt rốn gửi xuống miếng đất này. Bỗng dưng mà đem bán cho chủ khác chắc hương hồn ông cụ tôi sẽ giận lắm. Mảnh đất hương hỏa tổ tiên đem bán đi là tôi không nhất trí rồi. Con Liên, đứa con gái tôi nó cũng cùng ý với bố. Vợ chồng thằng Thanh không bằng lòng với tôi, nó giận tôi mà có đến nửa năm nay nó không về nhà.

Mới ốm cảm mấy hôm mà trông lão già sọm đi, khắc khổ. Nghe lão chia sẻ những tâm tư từ gan ruột của mình, tôi càng thấy thương lão Bảo, ở lứa tuổi bảy mươi còn những chuyện cần suy tính.

Mấy tháng sau, hàng xóm chúng tôi lại thấy nhà lão Bảo đông vui con cháu về quây quần bên ông bà. Người lớn trong nhà ai nấy đều bận rộn chuyện làm cỗ bàn, không khí gia đình như có chuyện gì vui vẻ lắm. Vậy là lão Bảo cắt chia mảnh vườn ra thành 3, lão dành cho mỗi đứa con 200 m vuông, còn lại là phần của hai vợ chồng lão.

Từ đó hàng xóm thấy nhà vợ chồng lão Bảo lại yên bình một đôi bạn già biết nương tựa vào nhau khi con cháu ở xa. Một hôm gặp tôi, lão khoe " thằng Thanh bán ngay miếng đất của tôi chia cho nó rồi, được những gần 2 tỷ đấy anh ạ". Tôi mừng thầm cho gia đình nhà lão luôn yên bình trước dòng đời xô đẩy.

( Tháng 9/ 2021)

Theo Chuyện quê

Vũ Phường

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/chuyen-ke-ngan-chuyen-nha-lao-bao-a6588.html