Chuyện kể về chiến trường B'Lao oanh liệt

Dù cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại đã lùi xa, nhưng ký ức về những năm tháng hào hùng trong khói lửa chiến tranh tại vùng đất B'Lao (Bảo Lộc ngày nay) cách đây 50 năm vẫn vẹn nguyên trong câu chuyện kể của cô Sáu An, một nữ pháo binh trực tiếp cầm súng chiến đấu với kẻ thù. Ở trong ký ức của cô Sáu An còn là tình đồng đội, đồng chí luôn vẹn nguyên như những ngày ở chiến khu.

Bà Lưu Thị Thanh An

Bà Lưu Thị Thanh An

NHỮNG KÝ ỨC OANH LIỆT

Đi qua cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giờ đây, những trang nhật ký, những bảng vàng thành tích và những kỷ vật... của các nữ chiến sĩ pháo binh ngày nào đang được bà Lưu Thị Thanh An - thường được mọi người gọi với cái tên thân mật cô Sáu An (81 tuổi, Nguyên Bí thư Thị ủy Bảo Lộc), Trung đội phó, kiêm Khẩu đội trưởng Khẩu đội 1 của đơn vị nữ Pháo binh 8 Tháng 3 nâng niu, cất giữ cẩn thận.

Trong cuộc trò chuyện, cô Sáu An kể với chúng tôi, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1968 đã làm thay đổi cục diện chiến tranh theo chiều hướng có lợi cho ta, làm phá sản chiến lược “chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ. Khi đó, Đảng bộ, quân và dân tỉnh Lâm Đồng cùng toàn miền Nam tiếp tục đứng lên chống chọi với chiến lược chiến tranh mới “Việt Nam hóa chiến tranh” của kẻ thù. Với khí thế đó, Đội nữ Pháo binh 8 Tháng 3 được thành lập ngày 22/12/1968, tại Suối Cheo (xã Lộc Bắc, huyện Bảo Lâm ngày nay). Lúc đó, quân số của đơn vị 42 đồng chí, rồi dần tăng lên 53 đồng chí đều là nữ. Trong đó, có 20 đồng chí là người dân tộc K’Ho, Châu Mạ, hầu hết ở xã Lộc Bắc, Lộc Bảo (Bảo Lâm) và Đinh Trang Thượng (Di Linh). Đơn vị nhanh chóng tham gia học tập chiến thuật đánh pháo binh, bộ binh, bảo đảm khả năng chiến đấu độc lập hoặc phối hợp với các lực lượng vũ trang khác của tỉnh Lâm Đồng.

Các nữ pháo binh 28 Tháng 3 dâng hương tưởng nhớ đồng đội đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Bảo Lộc

Các nữ pháo binh 28 Tháng 3 dâng hương tưởng nhớ đồng đội đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ tại Nghĩa trang liệt sĩ TP Bảo Lộc

Cô Sáu An nhớ lại: "Sau khi thành lập, Đội nữ Pháo binh chúng tôi mở màn với trận đánh đầu tiên vào Tiểu khu Lâm Đồng làm cho đại đội lính Mỹ tại B’Lao chịu tổn thất nặng nề. Đặc biệt, vào đêm 29/1/1969, Đại đội Đặc công C715 của ta đã chia làm 2 mũi tập kích vào hậu cứ Lữ đoàn 713 của Mỹ. Được lệnh, Đội nữ Pháo binh chúng tôi đã hợp đồng chiến đấu bắn hàng trăm quả đạn pháo 82 ly vào tòa hành chính, sân bay Konhinda và vị trí đóng quân của công binh Mỹ khiến chúng bị tổn thất nặng nề. Đáng nhớ nhất là trận đánh vào ngày 6/6/1972, tại Suối Cát (nay thuộc xã Đại Lào, TP Bảo Lộc), chị Lê Thị Pha - Chính trị viên của Đội nữ Pháo binh đã anh dũng hy sinh khiến chị em chúng tôi vô cùng thương xót và càng dâng trao lòng căm thù giặc Mỹ. Hay như trong một trận đánh, các chiến sĩ Ka Hường, Ka Déo, Ka Kéo đã lạc vào rừng và bị quân địch bao vây. Thế nhưng, các chị vẫn chịu đựng đói khổ, ăn rau rừng, uống nước suối suốt 21 ngày đêm mới tìm về được đơn vị”.

Cùng với các trận đánh của Đội nữ Pháo binh, là người trực tiếp cầm súng chiến đấu với quân thù tại vùng đất B’Lao xưa, cô Sáu An còn nhớ như in trận đánh để đời của Đại đội Đặc công C216-D200 tiêu diệt cứ điểm biệt kích khét tiếng của quân địch tại Tân Rai (nay là thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm). Khi ấy, được lệnh của Quân khu, sau 1 tháng trinh sát, vào cuối tháng 9/1970, Đặc công C216-D200 đã cử 30 đồng chí chia làm 2 mũi tiến sâu vào lòng địch. Sau thời gian chuẩn bị, bằng súng B41, các chiến sĩ đặc công đã đồng loạt tấn công và chỉ trong thời gian khoảng 20 phút quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn 200 tên địch ở cứ điểm biệt kích Tân Rai.

VANG DANH NHỮNG NGƯỜI ANH HÙNG

Cách đây tròn 50 năm, khi thời khắc lịch sử đã đến, đúng 10 giờ ngày 28/3/1975, quân và dân T29 đã anh dũng chiến đấu tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn bộ máy ngụy quân, ngụy quyền ở thị xã B’Lao. Cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam tung bay trên cột cờ tòa hành chính quân ngụy; các tiểu khu và nhiều nơi khác trong thị xã B’Lao được hoàn toàn giải phóng.

Cuộc đấu tranh giải phóng thị xã B’Lao đã giành được thắng lợi hoàn toàn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng thị xã B’Lao đã tạo bàn đạp để tiến hành giải phóng các địa phương tiếp theo trong tỉnh và giải phóng tỉnh Lâm Đồng, góp phần vào đại thắng mùa Xuân 30/4/1975 vĩ đại, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bia chiến thắng tại đèo Bảo Lộc là nơi lưu giữ những chiến công vẻ vang của quân và dân Bảo Lộc một thời chiến đấu oanh liệt trên đèo

Bia chiến thắng tại đèo Bảo Lộc là nơi lưu giữ những chiến công vẻ vang của quân và dân Bảo Lộc một thời chiến đấu oanh liệt trên đèo

Trong ký ức của nữ pháo binh Lưu Thị Thanh An, luôn khắc ghi những câu nói vang danh của những người anh hùng đã anh dũng hy sinh khi chiến đấu với quân thù tại vùng đất B’Lao huyền thoại. Đó là vào ngày 26/11/1965, trong một trận đánh, liệt sĩ Lại Hùng Cường - Trung đội trưởng trinh sát Đại đội C210 đã bị thương nặng. Trước lúc hy sinh, đồng chí đã nói 1 câu bất tử: “Quân giải phóng chỉ biết đánh, chứ không biết đầu hàng”. Sau đó, đồng chí ném tiếp 1 quả lựu đạn cuối cùng vào quân địch, tiêu diệt một số tên rồi anh dũng hy sinh.

Hay như Anh hùng Lực lượng vũ trang Nguyễn Văn Mười (tức Mười Trúc), trong một trận đánh vào ngày 7/8/1971, khi đồng chí bị thương, quân địch kêu đầu hàng thì người anh hùng quả quyết: “Tao chỉ biết đánh Mỹ, tao không biết đầu hàng”. Rồi người anh hùng Mười Trúc anh dũng hy sinh và mang theo niềm tin ngày chiến thắng không còn xa. Rồi trường hợp của nữ pháo binh Ka Thân, trong lúc chiến đấu đã bị thương phải mổ ruột. Cho dù không có thuốc gây mê, nhưng người nữ pháo binh ấy vẫn vượt qua sự tột cùng đau đớn để sống đến ngày hôm nay.

Trong cuộc kháng chiến oanh liệt, còn có những người con vùng đất Nam Tây Nguyên đã tự mình bắn hạ máy bay địch như: K’Châu (14 tuổi) bắn hạ máy bay địch tại buôn Bi Nao (xã Đồng Nai Thượng); anh K’Tợt bắn rơi 1 máy bay do thám L.19 của địch tại buôn B’Đạ. Đặc biệt là anh K’Vét, du kích xã Lộc Bắc với súng trường và 3 viên đạn trên tay đã bắn hạ trực thăng HUIA chở Trung tướng Gióc- giơ- Kisi, Tư lệnh Sư đoàn Kỵ binh bay số 1 của Mỹ cùng các sĩ quan tùy tùng đi thị sát chiến trường, tiêu diệt 6 tên địch.

Chiến tranh đã lùi xa trọn nửa thế kỷ, trở về quá khứ, máu các anh hùng liệt sĩ và cả biết bao người con quê hương đã đổ trên vùng đất Nam Tây Nguyên thân yêu, để hôm nay đây, chúng ta được sống trong phồn vinh, tươi đẹp và hạnh phúc. Đối với những người lính như cô Sáu An đã chiến đấu, chiến thắng kẻ thù với niềm tin tuyệt đối vào Đảng lãnh đạo. Cùng với đó là tình yêu thương trong sáng của tình đồng chí, đồng đội luôn mãi trường tồn.

KHÁNH PHÚC

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/chinh-tri/202504/chuyen-ke-vechien-truong-blao-oanh-liet-0be3e03/