Chuyện không vui của HLV và nữ võ sĩ trẻ

Giành 2 suất tham dự Olympic Paris 2024, đội tuyển quyền Anh nữ Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhưng không phải thành viên nào cũng có được niềm vui trong ngày trở về

Nổi lên từ cuối năm 2022 với thành tích vô địch giải trẻ quốc gia rồi sau đó vào bán kết giải trẻ thế giới đều ở hạng 50 kg, Nguyễn Thị Ngọc Trân chưa kịp vui với viễn cảnh được sát cánh cùng "tượng đài" Nguyễn Thị Tâm trong màu áo đội tuyển quốc gia thì đã đứng trước nỗi lo.

Lỗi hệ thống?

Gây xôn xao dư luận suốt cả năm ngoái dù chỉ mới là chuyện đồn đại, song mọi vấn đề của làng quyền Anh nữ gần như được phơi bày, kể từ khi danh sách triệu tập chính thức đội tuyển quốc gia được công bố trong ngày cuối năm 2023.

Dư luận không chỉ ngạc nhiên khi rất nhiều võ sĩ, kể cả huấn luyện viên (HLV), "thay đơn vị chủ quản như thay áo" mà vẫn được triệu tập để làm nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cụ thể là chiến dịch giành vé tham dự Olympic. Giới chuyên môn còn chỉ đích danh một số võ sĩ mà thành tích thi đấu "đánh đâu thua đó" từ đấu trường quốc nội ra sàn đấu quốc tế nhưng không rõ bằng cách nào vẫn được đề cử tham gia đội tuyển.

HLV Phạm Thanh Hải chỉ đạo võ sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trân tại Á vận hội 19-2023. (Ảnh: LINH ANH)

HLV Phạm Thanh Hải chỉ đạo võ sĩ Nguyễn Thị Ngọc Trân tại Á vận hội 19-2023. (Ảnh: LINH ANH)

Sự việc như giọt nước tràn ly khi Cục Thể dục thể thao triệu tập danh sách các võ sĩ làm nhiệm vụ ở vòng loại thứ nhì Olympic, diễn ra tại Thái Lan hồi trung tuần tháng 5 vừa qua. Võ sĩ kỳ cựu Nguyễn Thị Tâm bị gạch tên, thay vào đó là gương mặt trẻ Nguyễn Thị Ngọc Trân. Lý giải về sự lựa chọn này, những nhà quản lý bộ môn quyền Anh thuộc Cục Thể dục thể thao cho rằng "đội tuyển cần có sự kế thừa và các võ sĩ trẻ nên được trao cơ hội cọ xát để tích lũy kinh nghiệm".

Lời phát biểu này ngay sau đó nhận lại nhiều chỉ trích từ những nhà chuyên môn, giới quản lý cho đến người hâm mộ. Áp lực tâm lý đè nặng càng khiến những "nhân vật trong cuộc" không thể vượt qua chính mình và thất bại ngay trong trận so găng mở màn trên đất Thái Lan. Niềm vui từ suất vé dự Olympic thứ nhì của võ sĩ kỳ cựu Hà Thị Linh, vì thế không thể khỏa lấp nỗi buồn từ các đồng đội trẻ.

Nỗi niềm người thầy

Trở về từ Bangkok, HLV Phạm Thanh Hải đã vội vã tìm gặp chúng tôi và như ông nói, "không phải để thanh minh hay phân bua bất cứ điều gì" với thành quả không như mong muốn của nhóm nữ võ sĩ trẻ dưới quyền trong toàn bộ 2 đợt vòng loại vừa qua. "Tôi muốn nói về những góc khuất, về những điều không phải ai cũng có thể nói về đội tuyển quốc gia, để bảo vệ cho những học trò của mình. Ngọc Trân mới 20 còn Huyền Trân lớn hơn cô em cùng tên chỉ 1 tuổi, họ còn quá trẻ để gánh chịu điều tiếng, những vấn đề không nằm trong bổn phận và trách nhiệm của họ" - ông nói.

Gia đình 2 võ sĩ tên Trân đều ở nông thôn, làm sao những bậc sinh thành chịu đựng nổi những lời đàm tiếu, dè bỉu nhắm vào con cái của mình? "Cả 2 cô gái tuổi đôi mươi này có tự điền tên mình vào đội tuyển quốc gia không, có "tranh" suất đi làm nhiệm vụ bằng mọi giá để rồi chuyện thắng thua thường thấy trong thể thao có nguy cơ trở thành "bóng ma", trở thành nỗi ám ảnh theo họ đến suốt cuộc đời?" - HLV Phạm Thanh Hải tâm tư.

Góc khuất của quyền Anh

Nổi lên từ năm 2022 và được chính HLV Phạm Thanh Hải tiến cử vào đội tuyển trẻ, Ngọc Trân vào đến chung kết hạng 50 kg tại Giải Vô địch U22 thế giới 2023. Khi tên tuổi Nguyễn Thị Tâm nổi như cồn với HCB thế giới đầu năm 2023, võ sĩ kỳ cựu này được ưu tiên tranh tài hạng 50 kg tại ASIAD 19 trong khi Ngọc Trân phải đôn lên đánh hạng 54 kg.

Ngọc Trân vào đến vòng tứ kết hạng đấu của mình trong khi Nguyễn Thị Tâm thất bại ngay ở trận mở màn tại Hàng Châu. Sự cạnh tranh cần có giữa 2 võ sĩ đại diện cho 2 thế hệ ập đến và khi chuẩn bị lực lượng tham dự vòng loại Olympic 2024, những người có trách nhiệm của bộ môn quyền Anh đã phải tính đến một vòng đấu tuyển chọn nội bộ, dự kiến diễn ra vào ngày 6-1-2024 tại TP HCM.

HLV Phạm Thanh Hải đặt vấn đề: "Cho đến giờ, ban huấn luyện vẫn không rõ cấp nào quyết định hủy bỏ vòng đấu tuyển chọn nội bộ này. Cũng không đưa ra lý do cụ thể. Chưa hết, trước Tết Nguyên đán, lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trong buổi làm việc với đội tuyển quyền Anh cũng đã thống nhất với quan điểm của Cục Thể dục thể thao, rằng nếu Nguyễn Thị Tâm dự vòng loại đầu tiên thì suất thi đấu vòng loại thứ nhì sẽ trao cho Nguyễn Thị Ngọc Trân".

Cả Ngọc Trân lẫn Huyền Trân suốt thời gian dài tập huấn và thi đấu quốc tế đều bằng ngân sách địa phương, từ Cần Thơ cũng như Hậu Giang. Xã hội hóa thể thao được triển khai ở rất nhiều đội tuyển các môn thể thao chứ không riêng quyền Anh. Chưa kể, là võ sĩ trẻ, các em cần được thi đấu nhiều để cọ xát, tích lũy kinh nghiệm...

Trách nhiệm của ai và trách nhiệm đến đâu, xã hội sẽ công tâm nhận định. Các võ sĩ trẻ, nhìn rộng ra là lực lượng vận động viên trẻ trong các tuyến kế thừa, cần được tạo môi trường và trao cơ hội phát triển thay vì chĩa mùi dùi tấn công, khiến các em xuống tinh thần trong khi họ hoàn toàn không sai phạm gì...

Đông Linh

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/chuyen-khong-vui-cua-hlv-va-nu-vo-si-tre-196240608210113918.htm