Hội chữ Xuân 2025 diễn ra từ 23/1-9/2 (ngày 24 tháng Chạp năm Giáp Thìn-12 tháng Giêng năm Ất Tỵ) từ 8-22h hàng ngày.
Với chủ đề Thực học, Hội chữ Xuân tôn vinh tinh thần hiếu học, trọng hiền tài - những giá trị truyền thống lâu đời của dân tộc Việt Nam.
Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 có sự tham gia của 47 ông đồ, được bố trí xung quanh hồ Văn phục vụ nhu cầu du khách đến xin chữ nhân dịp đầu xuân năm mới.
Ngoài những ông đồ như truyền thống, năm nay Hội chữ Xuân còn có bà đồ. Đây được coi là chuyện hiếm, bởi không nhiều bà đồ vượt qua được cuộc khảo tuyển của BTC chương trình.
Lần đầu xuất hiện tại Hội chữ Xuân Văn Miếu - Quốc Tử Giám, bà đồ Phan Thị Thanh Mai, (65 tuổi) vui vì có nhiều người đến gian của bà để xin chữ. "Năm nay lần đầu tôi viết thư pháp ở chỗ nhiều người như thế này. Tôi cảm thấy vui vì nhiều người đến xin chữ của tôi", bà đồ Phan Thị Thanh Mai nói.
Bà đồ Thanh Mai cho biết điều khó nhất khi viết thư pháp là phải chú tâm, bởi những đường nét phải cực kỳ chuẩn mới ra được hồn của từng con chữ.
Nhiều người xin chữ tại gian của bà đồ Thanh Mai xuất phát từ tâm lý tò mò. "Cứ Tết đến tôi sẽ tham gia Hội chữ Xuân nhưng đây là lần hiếm có tôi gặp bà đồ. Bản thân cũng rất tò mò chữ của bà đồ sẽ có sự khác biệt ra sao", bạn Trần Minh Anh (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nói.
Triển lãm thư pháp Thực học - nơi trưng bày 100 tác phẩm thư pháp Hán Nôm và Quốc ngữ la một trong những điểm nhất của Hội chữ Xuân 2025. Nội dung tác phẩm giới thiệu áng văn thơ về Thăng Long – Hà Nội và tinh hoa tri thức cổ nhân như Lê Thánh Tông, Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Du…
BTC mong muốn Hội chữ Xuân Ất Tỵ 2025 là nơi gặp gỡ, đối thoại giữa các giá trị văn hóa truyền thống với hơi thở cuộc sống đương đại.
Ngoài ra, Hội chữ Xuân Ất Tỵ còn nhiều hoạt động văn hóa như triển lãm, không gian văn hóa đọc, trưng bày sản phẩm làng nghề, các trò chơi dân gian, chơi cờ, múa lân, biểu diễn nghệ thuật truyền thống...
Gia Linh - Duy Phạm