Chuyện làm giàu trên núi của thanh niên miền sơn cước Hà Tĩnh

Sinh ra, trưởng thành, rời quê xuống phố lăn lộn mưu sinh, rồi lại tìm về quê lập nghiệp là chuyện của hàng trăm thanh niên Hương Khê (Hà Tĩnh) đang làm giàu từ chính những quà đồi, ngọn núi.

Khởi nghiệp ở miền núi buộc người trẻ có nhiều hơn một tinh thần thép để vượt lên những khó khăn, biết áp dụng khoa học kĩ thuật và tính toán hợp lý nguồn vốn ít ỏi. Với sức trẻ, cùng khát vọng khởi nghiệp, thanh niên Hương Khê đang thực hiện nhiều mô hình kinh tế hay, sáng tạo, mang lại thu nhập cao.

Từ bỏ công việc với mức thu nhập khá, thanh niên Hoàng Đình Hùng (người phía sau) mạnh dạn trở về nhà xây dựng mô hình trang trại.

Mặc dù có mức thu nhập 17 - 18 triệu đồng/tháng ở một công ty kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở Hải Dương nhưng thanh niên Hoàng Đình Hùng (SN 1990, ở thôn 12, xã Hà Linh) vẫn quyết tâm về quê lập nghiệp. Từ kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, anh Hùng tự xây dựng kế hoạch khởi nghiệp khá khoa học.

Anh kể, đầu năm 2020, tôi mới chính thức nghỉ việc ở công ty để về quê tập trung khởi nghiệp. Trên mảnh đất của gia đình, tôi xây dựng chuồng chăn nuôi lợn với diện tích gần 200 m2, quy mô khoảng 160 con/lứa và kho thức ăn chăn nuôi vừa tự cấp vừa kinh doanh. Để việc tiêu thụ được thuận lợi, chúng tôi chăn nuôi theo hình thức cuốn chiếu. Nghĩa là khoảng 1 tháng tôi lại thả 1 lứa từ 10 – 20 con lợn.

Thu nhập từ mô hình trong năm đã đạt hơn 300 triệu đồng, cho thấy quyết định trở về quê hương khởi nghiệp của anh Hùng là rất đúng đắn.

Trong giai đoạn này, khi lợn giống quá đắt, anh Hùng còn tự nuôi thêm 8 con lợn nái để giảm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, được cha mẹ nhượng lại hơn 1 ha đất đồi, anh Hùng cải tạo lại vườn cây ăn quả. Sau hơn 1 năm chăm bón, gần 1 ha cam, bưởi và nhiều cây ăn quả khác đến nay đã đâm chồi, nở hoa mơn mởn.

Hùng nhẩm tính: “Riêng chăn nuôi lợn, năm ngoái tôi thu về gần 250 triệu đồng lãi ròng. Năm nay, quy mô chăn nuôi được mở rộng hơn, từ 240 con/năm lên khoảng 400 con nên kỳ vọng mức thu nhập sẽ tăng thêm. Ngoài ra, cùng với gà, vịt, cây ăn quả, thu nhập năm 2020 đạt trên 300 triệu đồng. Với mức thu nhập này, tôi nhận thấy quyết định trở về quê hương khởi nghiệp là rất đúng đắn”.

Sau 6 năm, anh Nguyễn Văn Tiềm (người thứ 3 từ phải sang) đã tự mình trồng hơn 3.200 gốc cam, bưởi. Ảnh tư liệu.

Cũng lập nghiệp trên núi, sau 6 năm, anh Nguyễn Văn Tiềm (SN 1990, ở thôn Trường Sơn, xã Lộc Yên) đã tự mình trồng hơn 3.200 cây cam, bưởi các loại. Anh Tiềm nhớ lại: “Sau thời gian rong ruổi từ Bắc chí Nam làm công nhân, năm 2015 tôi trở về quê nuôi chí làm giàu. Được cha mẹ cho 7 ha đất tại vùng núi Nhà Riêng, tôi bắt tay vào xây dựng cơ nghiệp.”

Thời điểm đó, đây còn là vùng đất hoang vu với bạt ngàn cây sim, mua. Để khai hoang đòi hỏi phải tốn rất nhiều công sức và vốn liếng, đặc biệt là phải trải qua việc đấu tranh tư tưởng cực lớn. Và tôi đã vượt qua với sự động viên, giúp đỡ của gia đình, tổ chức đoàn và hỗ trợ của các cấp chính quyền.

Cứ khai hoang đến đâu, trồng cây đến đó, sau 6 năm, anh Tiềm có hơn 2.700 cây cam và 500 cây bưởi Phúc Trạch. “Sau 3 năm thì bắt đầu có thu hoạch, bây giờ công việc cũng đỡ vất vả hơn, chủ yếu tập trung chăm bón và trồng thay thế những cây già, yếu, hư hỏng. Còn về tiêu thụ, nhờ có chất lượng và uy tín nên thương lái đến thu mua tận vườn, không phải lo về đầu ra. Hiện tại, ít nhất mỗi năm gia đình tôi thu hoạch khoảng 35 tấn cam và 10.000 quả bưởi Phúc Trạch, thu nhập trên 500 triệu đồng".

Đến nay, cam, bưởi trả quả ngọt cho người, mỗi năm lãi ròng của anh Tiềm đạt hơn 500 triệu đồng.

Cùng chung chí hướng khởi nghiệp, anh Trần Song Hào (SN 1991) - Bí thư Đoàn xã Hương Liên luôn tìm hiểu những mô hình kinh tế hiệu quả cao để học tập. Đầu tháng 3 này, anh vừa đầu tư 10 triệu đồng để xây dựng mô hình chăn nuôi dúi. Anh Hào chia sẻ, Hương Liên là một địa bàn vùng sâu, lợi thế gần rừng, nuôi dúi sẽ có nhiều thuận lợi bởi nguồn thức ăn tự nhiên dồi dào.

“8 con dúi đầu tiên đang sinh trưởng, phát triển tương đối ổn định. Đây là mô hình khởi sự, nếu phù hợp, tôi sẽ đầu tư chuồng trại có quy mô hơn để mở rộng mô hình. Mong muốn lớn nhất vẫn là hình thành nên một nghề mới có thể làm giàu cho thanh niên địa phương” - anh Hào chia sẻ.

Anh Trần Song Hào đầu tư mô hình chăn nuôi dúi với hi vọng phát huy lợi thế địa phương, tạo ra nghề mới giúp đoàn viên, thanh niên nâng cao thu nhập.

Bí thư Huyện đoàn Hương Khê Nguyễn Thanh Hải cho biết, toàn huyện hiện có hơn 200 mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ có thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Hầu hết các mô hình phát huy lợi thế đất vườn đồi, trang trại đặc trưng của địa phương. Hiệu quả của những mô hình này đã góp phần động viên cổ vũ những đoàn viên khác mạnh dạn lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.

Về phía Huyện đoàn, chúng tôi thường xuyên phối hợp đẩy mạnh hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, việc làm, chuyển giao khoa học kỹ thuật để đoàn viên, thanh niên lựa chọn hướng đi phù hợp ngay trên chính quê hương mình. Đặc biệt, tổ chức đoàn cũng vận dụng các nguồn vốn chính sách từ các ngân hàng hoặc quỹ vay vốn để hỗ trợ đoàn viên có nhu cầu.

Dương Chiến

Nguồn Hà Tĩnh: http://baohatinh.vn/doan-the/chuyen-lam-giau-tren-nui-cua-thanh-nien-mien-son-cuoc-ha-tinh/208548.htm