Chuyện làng quê vùng biển
Vũ Hải Thanh (42 tuổi), quê ở Hải Triều, Hải Hậu, Nam Định vừa đưa vợ con từ Vũng Tàu ra. Họ ở lại gần một tuần, vừa thăm họ hàng, vừa coi lại ngôi nhà mới xây, và cũng để Thanh có thời gian cảm nhận sự đổi thay sau nhiều năm xa quê.

Nghề biển cũng áp dụng máy móc, công cụ hiện đại hơn xưa.
Hồi trước, học hết cấp 3, anh theo người quen vào Nam. Ban đầu làm phụ hồ. Sau chuyển sang buôn bán. Tự xoay xở, tự đứng lên. Bao năm lăn lộn, cũng gom được chút vốn, mua nhà, lập nghiệp ở Vũng Tàu. Nhưng anh không bao giờ quên cái gốc của mình. Gốc ấy là cái giếng làng, là vốc muối trắng trong lòng bàn tay chai sạn của mẹ.
Căn nhà gồm hai khối nhà, một khối là nhà chính, kiểu mái Thái, tường xám, mái đỏ, dãy nhà còn lại được ngăn thành nhiều phòng khép kín dành cho họ hàng, con cháu mỗi khi trở về đây. Anh Thanh nhờ một bà cô đứng ra lo liệu. Anh gửi tiền về từng đợt, thuê đội thợ trong xã làm. Nhà xây xong từ năm ngoái, nhưng đến nay anh mới về hẳn một chuyến dài ngày. Bố mẹ mất đã lâu. Căn nhà cũ được dỡ đi, chỉ còn cái giếng là giữ lại.
Buổi sáng, anh đưa con đi dạo. Đường đất ngày xưa thành đường bê tông, sạch sẽ, hai bên là những ngôi nhà kiểu biệt thự, cổng sắt. Nhưng nhà khóa cửa im ỉm cả ngày không thấy mở. Anh chỉ tay, bảo con: Nhà bạn cấp hai của bố. Đi Đài Loan làm ăn. Bố chú ấy mất rồi, mẹ giờ ở với con gái bên xã khác.
“Bây giờ nhiều nhà xây to quá, đường sá cũng gọn gàng, sạch sẽ, hơn xưa nhiều”, anh Thanh nói. Anh bảo trước đây làng toàn những mái nhà thấp lè tè, trời mùa đông xám ngắt, mẹ anh gánh muối, chân lấm lem bùn pha cát. Đó là thời khốn khó, nhưng cũng đầy ký ức không thể phai.
Ngày xưa, ở đây không có gì ngoài muối và biển. Đất cát không trồng được lúa. Người khỏe thì chèo bè mảng ghép bằng tre ra khơi kéo lưới, thả bát quái bắt tôm bắt cá. Ai không đi biển thì làm muối. Cách làm đơn giản nhưng rất cực nhọc: nước biển lọc qua cát, tưới lên sân xi măng, để nắng gắt cả ngày cho muối kết tinh, chiều tối thu hoạch. Làm suốt mùa hè. Trời không có nắng thì thua. Nghề muối phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết, vào sự nhẫn nại, vào đôi tay chai sạn.

Đường sá sạch sẽ, nhà cửa khang trang.
Anh nhớ hồi còn nhỏ, mùa hè là mùa làm muối, nhưng cũng là mùa bỏ học. Bố mẹ không có ai trông con, đưa theo ra đồng muối. Trưa nắng chang chang, cát nóng bỏng chân. Thằng bé sáu tuổi như anh lúc đó ngồi ở góc râm duy nhất dưới gốc phi lao, vừa ngáp vừa trông chừng mẹ cào gom muối. Hạt muối rơi xuống nền xi măng, trắng như tuyết. “Chắc chẳng có nghề nào vừa vất vả vừa thu nhập thấp như nghề muối”, anh Thanh nói. Hồi ấy, mới 9-10 tuổi anh đã phải phụ bố mẹ phơi cát, gom muối, lúc nào cũng giữa trời nắng chang chang.
Tuy nhiên, kể từ lúc anh biết cầm xẻng xúc cát làm muối đến nay, nghề muối hầu như không có gì thay đổi. Báo cáo của ngành chức năng cho hay diện tích sản xuất muối thực tế của Nam Định chỉ đạt trên 150 ha, trong khi diện tích quy hoạch là 550 ha. Nguyên nhân chính là do phương thức sản xuất lạc hậu, nhỏ lẻ, manh mún, cơ sở hạ tầng đồng muối xuống cấp, dẫn tới năng suất và chất lượng muối không cao, thu nhập của người làm muối rất thấp. Để phát triển nghề muối bền vững, tỉnh, huyện đã chỉ đạo các hợp tác xã diêm nghiệp tiếp tục đổi mới, sắp xếp tinh gọn bộ máy, chuyển đổi sang kinh doanh, dịch vụ.
“Nhưng mà sắp tới, quê tôi sẽ phát triển công nghiệp và dịch vụ, nghề muối tự nhiên sẽ thu hẹp”, anh Thanh nói. Theo thông tin của các cơ quan chức năng, Khu công nghiệp Nam Hải Hậu I được quy hoạch với diện tích 200 ha tại xã Hải Đông và Hải Lý, nằm trên tuyến đường bộ ven biển. Đây là dự án trọng điểm nhằm thu hút đầu tư và phát triển công nghiệp tại khu vực này.
Khu công nghiệp Nam Hải Hậu II có quy mô 100 ha ở xã Hải Đông tiếp tục mở rộng không gian công nghiệp ven biển của huyện. Cụm công nghiệp Hải Đông được đầu tư hạ tầng để phục vụ các ngành nghề sản xuất nhỏ và vừa, phù hợp với nhu cầu của các doanh nghiệp địa phương. Cụm công nghiệp làng nghề Hải Vân đang được triển khai đầu tư hạ tầng, nhằm phát triển các ngành nghề truyền thống và làng nghề tại địa phương.

Một ngôi nhà ở Hải Xuân (trước đây là Hải Triều) rất ít khi có người ở.
“Thấy quê đổi mới theo hướng tích cực thì rất vui, nhưng cũng có chút bâng khuâng vì tên xã cũ không còn, sắp tới giải thể huyện và trong tương lai gần thì tỉnh cũng sáp nhập, đổi tên”, anh Thanh nói.
Năm 2024, xã Hải Triều sáp nhập với hai xã lân cận là Hải Cường và Hải Xuân, hình thành xã Hải Xuân mới với diện tích tự nhiên 15,12 km² và quy mô dân số 23.263 người . Và từ 1/7 năm nay, dự kiến sẽ chấm dứt hoạt động của bộ máy hành chính cấp huyện, đồng nghĩa không còn “huyện Hải Hậu” nữa.
Chúng tôi ra biển xem ngư dân làm việc. “Vẫn là bè mảng đóng bằng tre nhưng giờ người ta gắn máy diesel, không phải chèo tay như xưa nữa. Đánh cá xa hơn, đỡ vất vả hơn”, anh Thanh nói.
Nhưng biển cũng cạn dần nguồn hải sản. Muối vẫn làm, nhưng ít người theo. “Dân xứ này tứ tán khắp nơi để tìm đường làm ăn. Họ muốn cuộc sống tốt hơn, có tương lai rõ ràng cho con cái”, anh Thanh giải thích.
Trên bãi biển, anh gặp lại Phương, bạn học cũ, khuôn mặt đen xạm, trông già hơn Thanh đến cả chục tuổi. Nhà anh Phương xây lại một tầng rưỡi, bán nửa mảnh đất ông bà để lại mới có tiền. Chiều nay anh Phương ra bến xem thuyền chài về có cá tươi không, anh muốn mua vài cân.
“Hồi trước, bè về là cá khoai để lẫn với các loại cá khác, con nào con nấy to bằng bắp chân mà chẳng ai bán làm gì. Thuyền chài cho không, muốn lấy bao nhiêu thì lấy. Giờ cá khoai đã hiếm lại nhỏ như cán dao. Ba trăm nghìn một cân, ai mà cho không nữa”, anh Phương nói.
Rồi anh kể chuyện ông hàng xóm lâu lân thèm ăn, bỏ vài trăm ngàn mua cá khoai về nấu lẩu, bị mèo cắp mất một con. Ông ấy đuổi theo giành lại bằng được. “Tiếc của, mà cũng tiếc cái thời cá ê hề chẳng ai thèm nhặt”, Phương nói.
Anh Thanh cười: Nhưng giờ sống đỡ khổ hơn trước chứ? Có nhà, có xe, có tiền gửi về. Mày chọn cá khoai to mà đói hay cá khoai nhỏ mà sống được?
“À thì đương nhiên giờ đỡ hơn xưa nhiều”, anh Phương trả lời.
Sáng hôm sau, chúng tôi ra thăm đồng muối cũ. Không ai làm nữa, cỏ mọc lúp xúp trên sân xi măng nứt nẻ. Anh chỉ cho con trai cách lọc nước biển qua cát. Chỉ để nó biết. Rồi anh nhặt một ít muối còn sót lại, bỏ vào lọ nhỏ, mang về đặt trên bàn làm việc – như một lời nhắc về gốc gác.
Xã đổi tên. Đường đổi mặt. Cuộc sống đổi. Nhưng cái gốc thì vẫn ở đó, trong giếng nước, trong hạt muối, trong những câu chuyện anh sắp kể cho con mình. Trong ánh mắt bùi ngùi của người nhớ quê, và trong quyết tâm giữ cho ký ức không bị xóa nhòa. Và nếu vẫn còn người nhớ, thì mọi đổi thay đều đáng giá.
“Sắp tới, các địa danh trong giấy khai sinh của tôi sẽ không còn. Nhưng nhà mình ở đây, mồ mả tổ tiên cha mẹ ở đây, thì quê vẫn là quê, không thể khác được”, anh Thanh nói. “Khi các con tôi trưởng thành, tôi sẽ trở về sống ở đây”.
Chúng tôi đi dọc theo mép nước. Những bè mảng quen thuộc đang lục tục vào bờ, máy nổ kêu phành phạch. Xa xa, bóng mấy đứa trẻ nhảy từ cọc gỗ xuống biển rồi lại trèo lên, ướt sũng, nô nhau cười ngặt nghẽo.
Những cơn gió mang hơi muối thổi ngang mặt. “Mùi của biển là thứ không thay đổi, lúc nào cũng mặn mòi như thế”, anh Thanh bảo.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/chuyen-lang-que-vung-bien-10306144.html