Trưng bày hơn 100 tác phẩm 'Kể chuyện sau ngày thống nhất'

Chiều 19.5, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM khai mạc trưng bày chuyên đề 'Kể chuyện sau ngày thống nhất'. Trưng bày diễn ra từ nay đến ngày 8.6.2025.

Nghi thức cắt băng khai mạc

Nghi thức cắt băng khai mạc

Phát biểu khai mạc, ông Trần Minh Công, Phó Giám đốc Phụ trách Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM cho biết, nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2025) và 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 – 19.5.2025), Bảo tàng tổ chức trưng bày chuyên đề “Kể chuyện sau ngày thống nhất”.

Chương trình nhằm tri ân những thế hệ đã hy sinh vì độc lập, tự do và hòa bình của Tổ quốc, đồng thời tôn vinh những nghệ sĩ đã sống, chiến đấu và sáng tạo trong hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh.

Các đại biểu nghe thuyết minh về nội dung các tác phẩm trưng bày

Các đại biểu nghe thuyết minh về nội dung các tác phẩm trưng bày

“Trưng bày không đơn thuần là một sự kiện nghệ thuật, mà còn là hành trình kể lại câu chuyện của thế hệ họa sĩ, nhà điêu khắc đã mang theo hình ảnh, ý niệm về cuộc kháng chiến chống giặc trên chặng đường sáng tạo.

Đặc biệt hơn trong trưng bày này, đó là kết hợp tác phẩm thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật và sáng tác của các nghệ sĩ Câu lạc bộ Truyền thống Mỹ thuật Giải phóng”, ông Trần Minh Công chia sẻ.

Trưng bày giới thiệu hơn 100 tác phẩm gồm tranh, tượng, ký họa, được sắp xếp thành bốn tiểu đề: Ký họa chiến trường, Hồi ức bảo lửa, Những khoảng lặng, Góc nhìn hôm nay, được trích từ sưu tập của Bảo tàng và từ sáng tác của các họa sĩ, nhà điêu khắc thuộc CLB Truyền thống Mỹ thuật Giải phóng.

Họa sĩ Phan Hữu Thiện chia sẻ về các tác phẩm trong không gian trưng bày

Họa sĩ Phan Hữu Thiện chia sẻ về các tác phẩm trong không gian trưng bày

Trong đó, các tác phẩm thuộc tiểu đề Ký họa chiến trường, Hồi ức bão lửa, Những khoảng lặng,thuộc sưu tập của Bảo tàng và tác phẩm trưng bày Góc nhìn hôm nay là sáng tác của các họa sĩ, nhà điêu khắc thuộc CLB Truyền thống Mỹ thuật Giải phóng.

Tiêu đề Góc nhìn hôm nay góp phần nối tiếp dòng chảy ký ức bằng một tinh thần mới với sáng tác mới của các họa sĩ, nhà điêu khắc như họa sĩ Phan Hữu Thiện, Trang Phượng, Trần Xuân Hòa, Hồng Xuân, Quách Phong, Huỳnh Thị Kim Tiến, Nguyễn Hoàng, nhà điêu khắc Nguyễn Quốc Thắng, nhà điêu khắc Nguyễn Xuân Tiên...

Tranh sơn dầu "Mừng chiến thắng" của tác giả Xu Man

Tranh sơn dầu "Mừng chiến thắng" của tác giả Xu Man

Các tác phẩm trưng bày của ba tiểu đề còn lại, với một số tác phẩm tiêu biểu như: Truy kích (Trang Phượng), Trạm giao liên (Nguyễn Văn Đệ), Xuống đường (Phạm Đỗ Đồng), Tiến quân ra đèo Hải Vân (Thái Hà), Xuống đường chống Mỹ (Đào Thế), Vết xích xe tăng giặc (Huỳnh Văn Thuận), Đại lộ kinh hoàng (Phạm Hoàng)... thuộc sưu tập của Bảo tàng.

Tác phẩm của các họa sĩ, nhà điêu khắc không chỉ là những ghi chép bằng hội họa về một thời khói lửa, mà còn là nền tảng tỉnh thần nuôi dưỡng nguồn cảm hứng và chiều sâu cho hành trình sáng tạo thế hệ sau, để nghệ thuật không ngừng phát triển và tiếp nối những giả trị truyền thống cốt lõi.

Sự kết hợp giữa tác phẩm thuộc sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật và sáng tác của các nghệ sĩ đi qua thời chiến chính là điều đặc biệt của chuyên đề này, để từ đó tạo nên một dòng chảy ký ức liền mạch, gợi mở không gian suy tưởng về một thời khói lửa và những hồi ức còn vang vọng.

Từ ký họa chiến trường đến những tác phẩm phản ánh sự tàn khốc của chiến tranh, từ khoảnh khắc bình yên nơi trận mạc đến những suy tư hậu chiến,… tất cả là mảnh ghép ký ức về một thời lịch sử hào hùng nhưng cũng đầy mất mát.

Một số tác phẩm trong bộ sưu tập đang được trưng bày tại Bảo tàng

Một số tác phẩm trong bộ sưu tập đang được trưng bày tại Bảo tàng

Thông qua hội họa và điêu khắc, ký ức quá khứ được tái hiện bằng cảm xúc và tư duy nghệ thuật. Trưng bày không chỉ gợi nhắc một giai đoạn lịch sử đặc biệt, còn là dịp để cùng chiêm nghiệm và trân trọng giá trị của hòa bình, lý tưởng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gìn giữ suốt đời.

Trước đó, chiều cùng ngày, Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM tổ chức giao lưu với các họa sĩ, nhà điêu khắc Phòng Hội họa Giải phóng.

THÙY TRANG

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/nghe-thuat/trung-bay-hon-100-tac-pham-ke-chuyen-sau-ngay-thong-nhat-135704.html