Chuyện lãnh đạo chuyển cổ phần sang công ty riêng

Nhiều 'đại gia' có nhu cầu tập trung tài sản về một đầu mối để thuận lợi cho việc quản lý, đồng thời mang lại nhiều lợi ích khác.

Một trong những lợi ích khi chuyển cổ phần về công ty riêng là không phải chịu thuế khi nhận cổ tức bằng tiền

Một trong những lợi ích khi chuyển cổ phần về công ty riêng là không phải chịu thuế khi nhận cổ tức bằng tiền

Chưa hết xu hướng

Trước thềm đại hội cổ đông thường niên 2024, Hội đồng quản trị Tasco công bố tờ trình Đại hội đồng cổ đông về việc Công ty cổ phần VII Holding đăng ký nhận chuyển nhượng để sở hữu trên 25% cổ phần Công ty cổ phần Tasco (mã chứng khoán HUT).

Cụ thể, VII Holding do ông Vũ Đình Độ (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tasco) làm Chủ tịch Hội đồng quản trị và sở hữu 65% vốn điều lệ muốn nhận chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số cổ phần Tasco mà các cổ đông đang sở hữu cổ phần từ đợt phát hành hoán đổi cổ phiếu Công ty cổ phần SVC Holdings (nay là Tasco Auto, do Tasco sở hữu 100%) trong năm 2023. VII Holding cam kết tiếp tục nắm giữ cổ phiếu Tasco theo các điều kiện và điều khoản phát hành cổ phiếu hoán đổi, trong đó có cam kết hạn chế chuyển nhượng đến đủ 5 năm kể từ ngày hoàn thành giao dịch hoán đổi cổ phần của SVC Holdings với cổ phần của Tasco (ngày 31/8/2023).

Đồng thời, Hội đồng quản trị Tasco trình Đại hội đồng cổ đông thông qua việc miễn chào mua công khai cho VII Holding và các bên liên quan theo quy định của pháp luật.

Các nội dung này đã được Đại hội đồng cổ đông Tasco biểu quyết thông qua ngày 31/5/2024.

Tasco có vốn điều lệ 8.925 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực bất động sản, dịch vụ, xây lắp, với nhiều công ty con và công ty liên doanh, liên kết. Trong số các công ty con của Tasco có Tasco Auto đang vận hành hệ thống mạng lưới 86 đại lý ô tô, chiếm 13,3% thị phần phân phối ô tô tại Việt Nam của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam; VETC là chủ đầu tư hệ thống thu phí không dừng chiếm trên 70% thị phần cả nước; Bảo hiểm Tasco được định hướng chuyên cung cấp các sản phẩm bảo hiểm xe cơ giới.

Động thái trên của VII Holding khiến nhiều nhà đầu tư liên tưởng tới các trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết chuyển nhượng cổ phần do bản thân sở hữu tỷ lệ lớn sang công ty riêng trong những năm qua.

Chẳng hạn, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Chứng khoán SSI chuyển toàn bộ hơn 14,2 triệu SSI sang Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Duy Hưng.

Em trai ông Nguyễn Duy Hưng là ông Nguyễn Hồng Nam chuyển 2,7 triệu cổ phiếu SSI sang cho Công ty TNHH một thành viên Nguyễn Sài Gòn do ông này sở hữu 100% vốn điều lệ.

Vợ chồng Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Kinh Đô (mã chứng khoán KDC) chuyển hơn 14,5 triệu cổ phiếu KDC về Công ty TNHH Một thành viên PPK do Chủ tịch Hội đồng quản trị Kinh Đô sở hữu 100% vốn.

Nhiều người nhà của ông Đặng Văn Thành, khi ông này giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị Sacombank (mã chứng khoán STB), đã chuyển gần 15 triệu cổ phiếu STB về Công ty cổ phần Sản xuất - Thương mại Thành Thành Công do vợ của ông Thành làm Chủ tịch Hội đồng quản trị.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen(mã chứng khoán HSG) Lê Phước Vũ chuyển nhượng 24 triệu cổ phiếu HSG cho Công ty Tam Hỷ.

Một số lãnh đạo Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán MWG), trong đó có Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Đức Tài và Tổng giám đốc Trần Lệ Quân (hiện ông Quân không còn giữ chức vụ này), đã bán tổng cộng hơn 20 triệu cổ phiếu MWG. Bên mua là Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Thế giới Bán lẻ và Công ty TNHH Tri Tâm, lần lượt do ông Nguyễn Đức Tài và ông Trần Lệ Quân quản lý, điều hành.

Mũi tên trúng nhiều đích

Lãnh đạo VII Holding đồng thời là lãnh đạo Tasco. Việc VII Holding đăng ký nhận chuyển nhượng hơn 25% cổ phần Tasco khiến nhiều nhà đầu tư liên tưởng tới các trường hợp lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết chuyển nhượng cổ phần do bản thân sở hữu tỷ lệ lớn sang công ty riêng.

Một chuyên gia tài chính từng có nhiều năm làm việc cho các tổ chức tài chính lớn tại Mỹ cho rằng, lãnh đạo doanh nghiệp chuyển cổ phần sang công ty riêng có nhiều mục đích.

Thứ nhất, không phải chịu thuế cổ tức. Theo quy định, cổ tức trả bằng tiền mặt sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân 5%. Trường hợp cổ đông là tổ chức, khoản tiền này không bị tính thuế thu nhập doanh nghiệp (khoản cổ tức sẽ được hạch toán vào phần doanh thu hoạt động tài chính, không thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập doanh nghiệp).

Thứ hai, hưởng lợi từ thuế thu nhập. Việc chuyển nhượng chứng khoán khi thuộc sở hữu cá nhân sẽ phải chịu thuế thu nhập cá nhân, trong khi chuyển về công ty riêng thì sẽ chịu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hiện nay, cách áp dụng phổ biến với thuế thu nhập đánh vào chứng khoán là khấu trừ 0,1% trên giá trị bán chứng khoán. Trong khi đó, theo quy định của luật thuế thu nhập doanh nghiệp, mức thuế suất phổ biến là 20% (trước đây là 25%), nhưng ngoài giá vốn của chứng khoán thì các khoản chi phí được khấu trừ còn lại rất rộng và mang tính toàn diện. Các khoản chi phí này bao gồm chi phí hoạt động của doanh nghiệp như tiền công, tiền lương, khấu hao, chi phí tiếp khách, đi lại, marketing, bán hàng, thậm chí là khoản thua lỗ từ các hoạt động đầu tư khác. Việc chứng minh để được khấu trừ các chi phí khá thuận lợi khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp. Trong nhiều trường hợp, việc bán chứng khoán thuộc sở hữu doanh nghiệp có thể đem lại lợi nhuận, nhưng có thể không làm phát sinh nghĩa vụ thuế khi tính tổng thể toàn công ty.

Đặc biệt, nếu doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ, khoản lỗ này có thể được đăng ký để kết chuyển (chuyển lỗ) trong vòng 5 năm, nhưng cá nhân đầu tư chứng khoán thua lỗ sẽ không được chuyển lỗ, mà phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân hàng năm.

Thứ ba, lãnh đạo doanh nghiệp có ý định nắm giữ cổ phiếu lâu dài thì chuyển cổ phiếu sang công ty riêng sẽ tách bạch việc thực hiện trách nhiệm tài chính cá nhân với doanh nghiệp nếu cá nhân vướng lao lý (ví dụ, phong tỏa cổ phần).

Thứ tư, nhiều lãnh đạo doanh nghiệp giàu có không muốn hồi môn cho con cái bằng cách chia cổ phiếu trực tiếp nhằm giám sát việc con cái đem bán hoặc cầm cố, mà cho sở hữu chung công ty đầu tư của gia đình (khi họ mất thì chia cổ phiếu của công ty gia đình). Trường hợp chia lẻ cổ phiếu doanh nghiệp cho con cái mà thế hệ sau mâu thuẫn rất khó gom đủ 51% tỷ lệ sở hữu để nắm quyền chi phối, nên để chung cổ phiếu vào công ty gia đình sẽ có sức mạnh hơn.

Thứ năm, việc đưa cổ phần cá nhân lãnh đạo doanh nghiệp vào công ty riêng góp phần hạn chế tác động đến doanh nghiệp trong trường hợp họ phải thoái vốn hoặc dùng cổ phiếu để thế chấp vay vốn.

Thứ sáu, khi có nhu cầu góp vốn đầu tư vào công ty khác thì việc dùng hình ảnh công ty riêng để tham gia đàm phán mang lại hiệu quả cao hơn so với việc dùng tư cách cá nhân.

Thứ bảy, việc không còn đứng tên số lượng lớn cổ phần có thể giúp lãnh đạo doanh nghiệp tránh nghĩa vụ công bố thông tin của cá nhân hoặc người có liên quan một cách trực diện.

Thứ tám, nhu cầu tập trung tài sản về một đầu mối để thuận lợi cho việc quản lý có xu hướng gia tăng, nhất là với các “đại gia” sở hữu một danh mục cổ phiếu đa dạng và phức tạp. Tập trung các loại tài sản, thuê thêm nhân sự cùng với chuyên nghiệp hóa quy trình đầu tư, quản trị rủi ro… sẽ giúp việc quản lý danh mục hiệu quả hơn.

Hà Thu

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/chuyen-lanh-dao-chuyen-co-phan-sang-cong-ty-rieng-post346417.html