Chuyện lập làng của người Ca Dong
Đồng bào dân tộc Ca Dong ở huyện Sơn Tây gọi làng là plây pla. Trải qua hàng trăm năm định cư ở vùng đất này, người Ca Dong có cách lập làng rất khác biệt, nếu không may làng cũ bị thiên tai, dịch bệnh.
Chọn đất và nguồn nước
Chọn đất và nguồn nước là việc làm đầu tiên khi lập làng. Để chọn đất, người chủ làng (kră plây) sẽ chọn hướng và khu vực mà làng sẽ dọn đến. Theo kinh nghiệm từ bao đời của người Ca Dong, làng sẽ được lập ở lưng chừng núi. Bởi lẽ, phía đỉnh núi là nơi vị thần trên trời trú ngụ, ở phía dưới thấp hơn là nơi ma quỷ lờn vờn. Ở khoảng lưng chừng núi, con người toàn quyền chọn lựa nơi lập làng. Đó thường là phần đất tương đối bằng phẳng, hơi dốc thoai thoải, quay mặt về hướng mặt trời mọc, hơi vồng lên cao một chút. Đó cũng là khoảnh đất làm được dăm ba chục ngôi nhà sàn, tức vừa đủ để người làng cũ chuyển đến, cũng như còn có thể để dành cho con cái, cháu chắt của họ về sau.
Ngôi làng của đồng bào Ca Dong ở lưng chừng núi, trên địa bàn huyện Sơn Tây. Ảnh: Vũ Đức
Khi đã chọn được khoảnh đất như ý, người Ca Dong tiếp tục dò xem nguồn nước để uống và sinh hoạt, bởi đất (ta nẻ) và nước (wing) luôn là những thứ đầu tiên cần thiết với đời sống con người. Nguồn nước phải dồi dào, trong xanh, tinh khiết và phải ở nơi mà con người không phải vất vả bắc máng nước dài quá vài chục sải tay.
Sau cuộc họp với nhiều gia đình để thông báo về nơi ở mới, người chủ làng và đại diện các gia đình sẽ cùng đến vùng đất vừa được khảo sát. Mảnh đất dành cho người chủ làng sẽ được phát dọn đầu tiên. Tuy nhiên, nơi đó có ở được hay không thì còn phải làm một vài phép.
Những phép thử huyền diệu
Phép thử đầu tiên là nhờ khúc gỗ cây gáo, dài và rộng gần gang tay. Người Ca Dong khoét rỗng ruột khúc gỗ, rồi bỏ vào đó chừng vài mươi hạt gạo, xong đậy nắp lại. Lời "trưng cầu ý kiến" Yang Ta Nẻ - thần Đất, Yă Co Yă Vươi - các nữ thần giữ nguồn nước sẽ được chôn cùng hộp đựng gạo. Sau một đêm, nếu gạo trương lên hay bị mất đi vài hạt, thì họ sẽ không làm nhà ở đó. Bởi nơi đó con người sẽ sống không yên ổn. Có thể hiểu, gạo trương sình là do ẩm thấp, gạo thiếu đi là do lắm côn trùng.
Nhà sàn của đồng bào Ca Dong ở huyện Sơn Tây. Ảnh: VŨ ĐỨC
Phép thử thứ hai là người Ca Dong chặt một cây nứa không quá già, cũng không quá non, rồi chọn lấy một khúc chừng hai gang tay. Một đầu ống nứa được vót nhọn, thân ống nứa được khứa thành 3 khúc. Ống nứa đó người Ca Dong gọi là ka xá. Dưới sự chứng kiến của nhiều người, chủ làng sẽ đóng ống nứa ấy vào lòng đất cùng với lời hỏi thăm thần Đất, thần Nước. Họ chờ trong giây lát sau đó mới rút ống nứa lên. Nếu đất trong ống nứa đặc như cơm lam cả 3 nấc, thì người sống trên đất đó sẽ no đủ, giàu có, khỏe mạnh; nếu đất cũng đặc như cơm lam nhưng chỉ đầy có 2 nấc, thì người ở trên đất đó chỉ làm ăn vừa đủ sống. Nhưng dù đất có dính đầy trong ống nứa mà không được đặc như cơm lam thì mảnh đất đó có bằng phẳng, nguồn nước có dồi dào đến đâu cũng không thể làm nhà được.
Khi đã chọn được chỗ đất đặc như cơm lam, họ mang ống nứa đặc như cơm lam cả 3 nấc về nơi ở cũ. Đêm đó người chủ làng sẽ lấy ống nứa dính chặt đất gối lên đầu để nghe đất thở, để nghe đất thầm thì trong giấc mộng, để nghe đất báo tin lành hay tin dữ. Nếu trong giấc mộng mà thấy một con sông yên bình, hay ruộng rẫy tốt tươi hoặc đông đúc gái, trai đùa giỡn vui vẻ, thì đất ấy sẽ là đất tốt. Còn nếu trong giấc mộng mà thấy dòng sông, con suối nước lũ đỏ ngầu, thấy mặt trời ló dạng, thấy người chết hoặc thấy làm nhà mới, làm đường mới... thì dù đất ấy có đặc như cơm lam cũng không thể làm nhà. Quả là khó có thể giải mã được tất cả hình ảnh hiện ra trong giấc mộng của người Ca Dong trong đêm ngủ cùng với đất...
Sau khi làm các phép thử, người Ca Dong bắt đầu dựng nhà. Trước khi chôn trụ nhà đầu tiên (grăng zing) ở phía hướng mặt trời, người Ca Dong làm lễ hiến tế cho thần Đất. Rồi cũng từ đó, hằng năm, vào những ngày tế lễ, hội hè của gia đình hay của làng, người Ca Dong không quên hiến tế cho thần Đất ngay chính chỗ grăng zing. Đó là sự tri ân đối với đất đai - nơi họ đã lập làng để sống cuộc sống yên bình, no ấm!