Chuyện Lệ đi tìm bố

Hơn nửa thế kỉ sau chiến tranh, đồng đội, gia đình và người thân của hàng chục ngàn liệt sĩ trên khắp mọi miền của Tổ quốc vẫn không thôi những cuộc kiếm tìm hài cốt các anh hùng liệt sĩ từ các nghĩa trang, từ những cánh đồng, từ làng mạc phố phường cho đến những vùng núi non xa xôi hiểm trở. Những cuộc kiếm tìm cứ tiếp nối năm này sang năm khác. Những chuyến đi cứ trải dài từ vùng đất này đến vùng đất khác. Cô gái Nguyễn Thị Lệ (sinh năm 1972) ở vùng đất Quan họ Bắc Ninh cũng có những cuộc tìm kiếm như thế, về di hài của bố là liệt sĩ hi sinh ở Trường Sơn.

 Vợ chồng chị Nguyễn Thị Lệ cùng các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Quảng Bình đi tìm nơi hi sinh của liệt sĩ Nguyễn Đức Lập

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Lệ cùng các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng Quảng Bình đi tìm nơi hi sinh của liệt sĩ Nguyễn Đức Lập

Dẫu biết rằng càng xa ngày im tiếng súng, cơ hội tìm thấy hình hài của những người đã ngã xuống cũng vơi dần, nhưng hi vọng vẫn chẳng bao giờ nguội tắt… Nguyễn Thị Lệ đã nuôi dưỡng niềm hi vọng như thế, từ rất lâu. Quá trình chị đi tìm bố đã kết nối chúng tôi - những tình nguyện viên của Chương trình Trở về từ kí ức, một chương trình truyền hình nhân đạo nhằm kết nối thông tin, hỗ trợ gia đình liệt sĩ và những gia đình có người thân thiệt mạng trong chiến tranh- với nhau, ban đầu là những cuộc nói chuyện qua điện thoại và những bức thư…

Lệ là con gái duy nhất của liệt sĩ Nguyễn Đức Lập, một người lính lái xe đã hi sinh trên cung đường Trường Sơn, cụ thể ở các nhánh đường số 10 và số 24 nối Quảng Trị, Quảng Bình với vùng đất Khăm MuộnLào. Bố của Lệ đã ngã xuống lúc đang lái xe vào ngày 31/1/1972 khi chưa một lần nhìn thấy mặt con gái của mình.

Thứ 6, ngày 17/8/2012, thư của Lệ gửi cho chúng tôi có đoạn viết: “Anh ạ! Em đã ra Binh đoàn 12 và được biết: Liệt sĩ Hoàng Văn Lâm không có; liệt sĩ Nguyễn Thị Tính ở đơn vị E5- d bộ 77 mai táng ở km 210 Đường 69- Binh trạm 9. Em tìm tiếp trong một quyển sách thì thấy 3 liệt sĩ: Trần Văn Bính sinh năm 1952; Nguyễn Văn Chiểu sinh năm 1953 và Dương Văn Cư sinh năm 1953. Cả 3 liệt sĩ đều nhập ngũ tháng 8/1971 và hi sinh cùng 1 ngày 9/9/1971 cùng ở đơn vị C23- E217 do bị B52 oanh tạc khi đang làm nhiệm vụ và cùng an táng tại Km 40+200 Đường 69 - Xe con. Trong sơ đồ Đường 24 giáp Đường 18 và Đường 10. Nếu km 40 Đường 24 thì sẽ vào sâu mãi trong đất Lào. Binh trạm 9 từ năm 1969 đến 1972 có thay đổi địa điểm mấy lần...

Đó là một số thông tin em được biết và gửi để anh tham khảo”.

Thư sau Lệ lại viết:

Anh ạ!

Em lại tìm thêm được một số thông tin nữa. Em cung cấp để các anh tìm hiểu.

Bác Lâm nói chuyện với bố em ở đoạn đường giáp Việt Nam - Lào. Xe của bố em có 3 người, trong đó có một bác binh trạm phó, cấp bậc đại úy (có thể là Binh trạm phó Binh trạm 29 - hoặc Binh trạm 9) và một bác nữa quê ở Nghệ An. Bác Chúc, Trưởng Ban liên lạc bộ đội Trường Sơn tỉnh Bắc Ninh cho biết: Thời trước có xe GAZ 69 đi đường xe con nên có thể gọi là Đường 69 - đường xe con, sau gọi là Đường 24.

Binh trạm Bộ binh trạm 9 khoảng năm 1971-1972 (năm bố em hi sinh) chuyển về khu vực gần bản Trà Vinh - giáp ranh giữa Lào - Việt Nam, đi vào Việt Nam thì bên phải, theo đường xe con thì bên trái và binh trạm bộ nằm khoảng ngang Đường 18 sang Đường 24 có nhiều suối cạn, có bệnh xá ở gần đó. Bác Chúc còn nói đã trực tiếp chôn cất 5 liệt sĩ vào ban đêm (trong đó có liệt sĩ hi sinh ở bản Cầu - thuộc Lào). Bác chỉ chôn cất, sau đó đánh dấu sơ đồ bàn giao cho bệnh xá gắn bia. Chôn cất ở một nghĩa trang mà phía tây có núi đá cao khoảng 200 m đứng độc lập. Trên đường đi vào có con suối lớn, đi men theo bờ suối đi một đoạn là lối rẽ vào nghĩa trang. Bác Chúc dự đoán nghĩa trang thuộc đất Việt Nam có rất nhiều hố đào sẵn, có cây gỗ làm cổng vào…”.

Tình máu mủ ruột thịt, tình thương của con gái dành cho bố cứ thôi thúc Lệ phải luôn dằn vặt kiếm tìm, luôn hi vọng chờ đợi và cũng không ít thất vọng, đau khổ. Lần khác Lệ lại gửi cho chúng tôi:

Anh à!

Em ra Binh đoàn 12 và được biết cụ thể 4/5 liệt sĩ mà bác Chúc chôn cất là: Phùng Văn Lằn quê ở Lạng Sơn; Nguyễn Văn Nhương quê Hà Nội; Nguyễn Văn Dã quê Hà Nội; Nguyễn Văn Vịnh quê Hà Bắc. Cả bốn liệt sĩ đều hi sinh ngày /4/1970…

Em chào anh!

Sau một thời gian kết nối với nhau qua những dòng chữ, cuối tháng 8/2012 tôi và anh Lê Tiến Sỹ cộng tác viên của chương trình Trở về từ kí ức cùng với vợ chồng Lệ theo đường Hồ Chí Minh từ QuảngTrị ngược ra Quảng Bình để mong tìm kiếm thông tin về nơi hi sinh của liệt sĩ Nguyễn Đức Lập. Anh Hùng chồng của Lệ cũng là một người lính.

Sau mấy ngày đường vất vả ngược xuôi, chúng tôi may mắn được các chiến sĩ Biên phòng và bà con Vân Kiều ở bản Chú Mút thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình dẫn đến một khu rẫy từng là nghĩa trang liệt sĩ trong chiến tranh. Dưới những gốc ngô, gốc lúa vẫn còn những tấm bia bằng đá khắc họ tên, quê quán, đơn vị của rất nhiều liệt sĩ. Những dòng chữ từ đá núi qua thời gian như thắp lên chút hi vọng mong manh với những người đi tìm. Nhưng rồi qua đối chiếu thông tin thì những liệt sĩ mai táng ban đầu ở đây đều đã được đưa về Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn. Không biết phải làm gì hơn, chúng tôi lại ngược theo đường số 10 đi sâu vào những cánh rừng sát biên giới Việt- Lào để tìm đến một khu rẫy khác cũng có rất nhiều những tấm bia, nhưng rồi cuộc kiếm tìm vẫn vô vọng. Sau mấy ngày lặn lội giữa đại ngàn, chúng tôi lặng lẽ ngồi lại cùng nhau bên một đám rẫy đã bỏ hoang mọc rất nhiều cây rau tàu bay, một loại rau rừng mà người lính thường ăn vào những lúc thiếu đói trong chiến tranh. Những cánh hoa tàu bay màu trắng như tơ trời chấp chới trong nắng chiều cứ theo gió trôi về bên kia suối. Tháng 8, trên những cánh rừng ra lác đác những vầng cây lá đỏ. Dưới chân những vách núi đá nước vẫn miệt mài đổ về xuôi. Lệ chẳng nói gì, chị lặng lẽ nhìn bóng núi như muốn nghe ngóng một điều gì đó từ rừng già, những cánh rừng cũng là ngôi nhà chung mà bố của chị cùng đồng đội đã sống trong chiến tranh, để đêm đêm vẫn mơ về một ngày đoàn tụ với gia đình, người thân…

Sau nhiều chuyến ngược xuôi tìm kiếm giữa đại ngàn, Lệ với vóc dáng nhỏ nhắn không còn có đủ sức khỏe cho những chuyến đi xa, nhưng mỗi ngày qua đi cuộc tìm kiếm bố của Lệ thì vẫn mãi còn trong tâm tưởng, trong nỗi nhớ mong thăm thẳm như đại ngàn. Thế rồi trong những năm gần đây, cứ vào dịp 30/4 và 27/7, chồng và con trai của Lệ lại có mặt ở Quảng Trị để thắp hương cho các anh hùng liệt sĩ tại khắp các nghĩa trang.

Đường Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn là đường hành quân chiến lược của bộ đội ta từ miền Bắc, đi qua Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị để vào Nam. Trong suốt hơn 20 năm đánh Mỹ, không biết có bao nhiêu người lính hóa tuổi xuân của mình vào rừng núi, đã ra đi mãi không về để người thân thương nhớ và còn mãi đi tìm.

Tháng 7 lại về, hoa phượng lại thắp lửa trên những hàng phượng vĩ trong các nghĩa trang. Trên dãy Trường Sơn lại thấp thoáng những vầng cây lá đỏ. Lệ vẫn chưa tìm thấy bố, nhưng chúng tôi vẫn tin rằng, từ trên cao xanh, người lính lái xe trên cung đường Trường Sơn năm xưa, liệt sĩ Nguyễn Đức Lập vẫn luôn dõi theo bóng hình đứa con gái duy nhất của mình, vẫn cảm nhận trọn vẹn tình yêu thương, nỗi mong chờ mà những người thân yêu luôn dành cho những người lính như ông đã nằm lại đâu đó giữ đại ngàn vì quê hương xứ sở.

Phan Tân Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=141049