Chuyện Lễ hội lúa rươi Tứ Kỳ
Từ vùng chiêm trũng nghèo khó, cùng với sự cần cù, sáng tạo trong lao động, người dân An Thanh đã biến những ruộng sâu, đồng trũng thành vùng đất trù phú với đặc sản rươi, cáy và giống lúa gạo ngon nhất thế giới.
Những sản vật địa phương ấy càng được nâng tầm qua Lễ hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ.
Nâng tầm sản vật địa phương
Một buổi chiều thu dịu mát, dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa xanh mướt của xã An Thanh, ông Phạm Xuân Luận, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp xã An Thanh nói: “Sau Lễ hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ, bà con ở đây ai cũng phấn khởi vì sản vật địa phương được nhiều người biết tới hơn. Nhiều đoàn khách ngoài tỉnh đã đến tham quan trải nghiệm và học hỏi mô hình. Sắp tới, toàn bộ vùng trong đồng này sẽ trở thành vùng khai thác lúa rươi thứ 2 của địa phương. Chúng tôi đang hướng dẫn người dân phun chế phẩm sinh học để xử lý đất theo hướng hữu cơ. Ở đây, nông dân cấy giống lúa ST25, một giống lúa cho gạo ngon nhất thế giới".
Quả thực, Lễ hội lúa rươi hữu cơ Tứ Kỳ đặc biệt không chỉ bởi lần đầu tiên được tổ chức mà nó còn là cơ hội để quảng bá, vinh danh, công nhận thành quả lao động của người nông dân. Chia sẻ về ý tưởng tổ chức lễ hội, bà Vũ Thị Hà, Chủ tịch UBND huyện Tứ Kỳ cho biết hàng chục năm qua, ở vùng bãi rươi xã An Thanh, nông dân đã quen sản xuất hữu cơ nhưng mãi tới tháng 5 rồi, vùng sản xuất nông nghiệp kết hợp với khai thác rươi cáy quy mô 137 ha ngoài bãi đê sông Thái Bình mới đạt chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam. Làm sao để doanh nghiệp và người tiêu dùng cả nước biết tới vùng sản xuất hữu cơ này là điều khiến lãnh đạo huyện phải trăn trở suy nghĩ. Cũng từ đó, ý tưởng về một lễ hội được hình thành. Lễ hội chính là điểm nhấn để quảng bá, giới thiệu đến đông đảo doanh nghiệp và người tiêu dùng trong và ngoài nước về tiềm năng, sự đặc sắc của các sản phẩm nông nghiệp huyện Tứ Kỳ. Rất có thể, sau lúa rươi, tới đây huyện sẽ tiếp tục tổ chức Lễ hội rươi vào cuối năm nay hoặc đầu năm sau. Không chỉ là quảng bá mà còn là dịp tôn vinh thành quả lao động của bà con nông dân.
Để khai thác rươi, cáy, trong suốt mấy chục năm qua vùng đất này đã được nông dân giữ sạch, không sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc trừ cỏ và phân bón hóa học. Bởi rươi là loài vô cùng nhạy cảm với hóa chất và chỉ có thể sinh trưởng, phát triển tại những vùng tự nhiên. Vùng canh tác này được cách ly hoàn toàn với vùng canh tác thông thường bởi con đê và rặng tre chắn sóng. Cùng với đó, nước của sông Thái Bình thường xuyên lên xuống đã tạo nên vùng đất sạch mầm sâu bệnh. Với những lợi thế tự nhiên hiếm nơi nào có được, huyện Tứ Kỳ định hướng vừa phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm.
Tiềm năng du lịch nông nghiệp
Nằm ở trung tâm đồng bằng Bắc Bộ, Tứ Kỳ mang dấu ấn văn hóa phù sa châu thổ hạ lưu sông Thái Bình. Đây là điều kiện thuận lợi, quý giá không chỉ về vị trí địa lý, nông hóa, thổ nhưỡng mà còn về nguồn nước để huyện phát triển ngành kinh tế nông nghiệp đa giá trị. Những vùng đất chiêm trũng xưa kia dưới bàn tay, khối óc của người Tứ Kỳ ngày nay đã trở thành những vựa lúa, những cánh đồng lúa rươi hữu cơ an toàn, xanh mát.
Toàn huyện hiện có 257 ha sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp khai thác, bảo tồn đặc sản rươi, cáy tự nhiên. Tại các vùng sản xuất hữu cơ này, hiện đã hình thành công thức luân canh hiệu quả, bền vững với 5 tầng khai thác. Dưới đất là rươi, bờ ruộng là cáy, tiếp đến là lúa xuân trên ruộng, trên bờ có rau ăn lá, rau gia vị và trên cùng là cây ăn quả. Tất cả đã tạo ra một hệ sinh thái trong lành và bền vững. Đây là điều kiện lý tưởng để phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái trải nghiệm theo Đề án phát triển du lịch của huyện. Hiện tổng sản lượng nông sản hữu cơ của Tứ Kỳ hằng năm đạt khoảng 2.300 tấn (1.230 tấn lúa, 780 tấn chuối, 200 tấn rươi, 90 tấn cáy), cho thu nhập từ 400 - 450 triệu đồng/ha/năm.
Với lợi thế ven sông Thái Bình, đặc biệt là vùng sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở vùng ngoài bãi sông thuộc xã An Thanh và Hà Thanh, nơi đây sẽ trở thành vùng du lịch nông nghiệp với nhiều hoạt động trải nghiệm như đùa nơm bắt cá, gặt lúa hữu cơ, câu cáy, vớt rươi… Người tiêu dùng cả nước sẽ biết tới nhiều hơn những đặc sản của huyện như gạo bãi rươi, rươi cấp đông, cáy cấp đông, chả rươi, rươi niêu… Ngoài ra, khi cống Sồi, cống Lều Vịt được mở lại, một vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy với quy mô hàng trăm ha thuộc các xã An Thanh, Quang Trung, Nguyên Giáp và Hà Thanh đang dần được hình thành, nâng diện tích vùng sản xuất hữu cơ kết hợp khai thác rươi, cáy lên hơn 600 ha năm 2025.
Trong tương lai không xa, Tứ Kỳ sẽ trở thành điểm nhấn trong du lịch nông nghiệp của tỉnh.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/dat-va-nguoi-xu-dong/chuyen-le-hoi-lua-ruoi-tu-ky-212656