Chuyển máy 'tim phổi nhân tạo' từ Hà Nội về tỉnh cứu người phụ nữ gặp tai biến

Sau khi tiêm meso tại nhà, người phụ nữ 41 tuổi bị sốc phản vệ phải đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Các bác sĩ chuyển máy ECMO (tim phổi nhân tạo) từ Hà Nội lên cấp cứu bệnh nhân.

Người phụ nữ 41 tuổi (trú tại huyện Mê Linh, Hà Nội) được tư vấn liệu trình làm đẹp bằng cách tiêm meso tại nhà. Ngay sau tiêm, chị bắt đầu có biểu hiện chóng mặt và khó thở. Người nhà đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Trung ương 74 (Vĩnh Phúc) cấp cứu. Các bác sĩ chẩn đoán chị bị sốc phản vệ nặng do chất làm đẹp. Tình trạng người bệnh tiếp tục diễn biến xấu, không thể chuyển viện do nguy cơ tử vong trên đường.

Các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương 74 đã liên hệ tới Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) để hỗ trợ. Ngay trong đêm, các bác sĩ Trung tâm Hồi sức tích cực đã mang theo hệ thống máy ECMO (tim phổi nhân tạo) cấp cứu người bệnh sau đó chuyển chị về Bệnh viện Bạch Mai tiếp tục điều trị. Sau hơn 1 tuần lọc máu và điều trị tích cực, nữ bệnh nhân đã hồi phục và xuất viện.

Nữ bệnh nhân được hồi sức tích cực. Ảnh: BSCC.

Nữ bệnh nhân được hồi sức tích cực. Ảnh: BSCC.

Theo các bác sĩ, sốc phản vệ là tình trạng nặng, đe dọa tính mạng nhưng hiếm gặp trong quá trình gây tê (tần suất 1/6.000), tỷ lệ tử vong cao khoảng 5%. Các rối loạn và mức độ nặng của sốc phản vệ tùy thuộc vào đáp ứng của từng cá thể, liều dị nguyên và thời gian tiếp xúc dị nguyên…

Sốc phản vệ thường gặp do thuốc, đặc biệt lưu ý với thuốc tiêm, truyền tĩnh mạch, côn trùng đốt, hóa mỹ phẩm; nhiều trường hợp do thực phẩm như trái cây, sữa, trứng, hải sản, nhộng, côn trùng.

Kỹ thuật ECMO có thể thay thế tim hoặc phổi hoạt động trong một thời gian ngắn để duy trì sự sống của não bộ, hệ thần kinh trong khi chờ tim, phổi được cấp cứu, điều trị để có thể hoạt động trở lại.

Phương Thúy

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chuyen-may-ecmo-trong-dem-tu-ha-noi-ve-tinh-cap-cuu-nguoi-phu-nu-bi-tai-bien-2294780.html